Mô hình kinh tế Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Liên Kết Nông Dân Cùng Sản Xuất

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Liên Kết Nông Dân Cùng Sản Xuất

Ngày đăng 03/08/2013

Những năm gần đây, mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được ngành chức năng khuyến cáo nông dân thực hiện. Theo đó, nhiều CĐML từ vài chục đến hơn 100ha được thành lập, nông dân đã cùng nhau liên kết để sản xuất. Đây là mô hình làm ăn tập thể theo kiểu mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để xây dựng CĐML, ngay từ đầu vụ, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, mà trực tiếp là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn và ban lãnh đạo các ấp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất, thực hiện mô hình CĐML. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và tư vấn kỹ thuật cho nông dân.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 4 điểm trình diễn CĐML ở huyện Hồng Dân và Hòa Bình. Qua đó, mở ra cho nông dân một hướng sản xuất nông nghiệp mới mang tính hiệu quả và bền vững.

Gia đình anh Võ Thanh Tùng (ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) có 1,7ha đất trồng lúa. Anh Tùng được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và chính quyền địa phương vận động tham gia mô hình CĐML. Anh Tùng cho biết: “Khi tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; có sổ tay ghi chép quá trình sản xuất. Mô hình này làm giảm lượng phân bón, ruộng lúa cũng ít sâu bệnh nên hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, chi phí đầu tư giảm, nhưng ngược lại, năng suất lúa tăng”.

Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 11,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các cánh đồng mẫu lớn (chủ yếu là các công trình thủy lợi).

Trong đó, đầu tư cho huyện Vĩnh Lợi gần 4,1 tỷ đồng, huyện Giá Rai hơn 3 tỷ đồng, huyện Phước Long 2,4 tỷ đồng, huyện Hồng Dân 1,3 tỷ đồng và huyện Hòa Bình hơn 1 tỷ đồng.

Vụ lúa đông xuân năm 2012 - 2013, tại các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân, tổng diện tích áp dụng các mô hình CĐML lên đến 860ha với 721 hộ nông dân tham gia.

Từ việc sản xuất đạt hiệu quả, một số địa phương như huyện Phước Long đã vận động nhân dân áp dụng sản xuất theo mô hình mặc dù không được sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh. Điển hình như xã Vĩnh Thanh, vụ lúa hè thu 2013, toàn xã đã xây dựng 7 mô hình CĐML, mỗi cánh đồng có diện tích từ 80 - 100ha. Hiện nay, một số cánh đồng đã cho thu hoạch với năng suất khoảng 50 giạ/công.

CĐML là mô hình liên kết làm ăn tập thể theo kiểu mới. Đó là quy trình sản xuất lúa sạch có kiểm tra và kiểm chứng để hạt lúa làm ra đạt chất lượng xuất khẩu. Trên cánh đồng lớn ấy, các phương tiện cơ giới phục vụ nông nghiệp hoạt động được thuận tiện; các quy trình bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Song, để có những CĐML, một mình nông dân không thể làm được, mà cần sự liên kết của “4 nhà” (gồm nhà nông dân, nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp).


Có thể bạn quan tâm

vu-lua-he-thu-kho-cang-them-kho Vụ Lúa Hè Thu Khó… 60-nong-dan-su-dung-giong-lua-cap-xac-nhan 60% Nông Dân Sử Dụng…