Mô hình kinh tế Mô hình cánh đồng rau VietGAP chuyển đổi từ đất lúa

Mô hình cánh đồng rau VietGAP chuyển đổi từ đất lúa

Ngày đăng 22/06/2015

Trước đây, nguồn thu nhập của người dân tại đây chủ yếu nhờ vào cây lúa. Khi hệ thống nước kênh Đông hoàn thiện thì cây lúa không còn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nữa.

Nhằm giúp người dân dần sản xuất tập trung, hình thành vùng xây dựng nguyên liệu sản xuất mang tính hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường và đặc biệt là góp phần mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình cánh đồng rau VietGAP tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Trung Trung Khuyến nông thành phố chủ trì và các đơn vị trực thuộc Sở như Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp… triển khai nhiều chương trình nhằm thúc đẩy phát triển cánh đồng rau mẫu VietGAP.

Sau 2 năm triển khai (2013 - 2014), cánh đồng rau mẫu VietGAP chuyển đổi từ đất lúa đem lại nhiều kết quả khả quan. Đến nay các đơn vị đã vận động hơn 40 hộ nông dân tham gia với diện tích đạt 30 ha. Các nông dân tham gia đã mạnh dạn tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới như gieo ươm cây con trong khay, tạo ra cây khỏe, nắm vững 12 tiêu chí sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn, hiệu quả xã hội, môi trường và hiệu quả kinh tế do tiết kiệm hạt giống, tăng năng suất, chất lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng rau. Tùy theo chủng loại giống trồng (khổ qua, dưa leo, bí xanh) năng suất đạt từ 25 – 35 tấn/ha, giá thành sản xuất giảm khoảng 500 đồng/kg (từ 2.000 – 3000 đồng/kg), tổng lợi nhuận đạt 70 – 90 triệu đồng/ha, tăng từ 10 – 17 triệu đồng/ha so với trước đây.

Trong thời gian thực hiện cánh đồng rau VietGAP, Trung tâm KN thành phố đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Ban đầu tổ hợp tác có 14 thành viên, đến nay tăng lên hơn 40 thành viên, diện tích sản xuất là 20 ha. Tổ đã hoạt động tương đối ổn định với các nội dung như: trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia xây dựng mô hình trình diễn, trao đổi thông tin thị trường, hỗ trợ tổ viên tham gia vay vốn sản xuất.

Định kỳ tổ họp mỗi tháng 1 lần để thống nhất các nguyên tắc sinh hoạt tổ. Thành viên tự nguyện đóng góp quỹ sinh hoạt với 50 ngàn đồng/tháng/thành viên, đóng 6 tháng một lần để tạo quỹ giúp đỡ vốn trong sản xuất, lập kế hoạch sản xuất. Tổ hợp tác chia làm 3 cụm, mỗi cụm phân công 1 ban điều hành với sự tham gia của lãnh đạo địa phương, cán bộ Trung tâm Khuyến nông. Từ khi có tổ hợp tác, đến nay có 15 hộ được vay vốn hỗ trợ nông dân với mức vay 20 triệu/hộ.

Ngoài ra, tổ cũng được hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì; thiết kế và in ấn các ấn phẩm quảng bá. Trung tâm KN thành phố tổ chức 5 lớp tập huấn, 1 chuyến tham quan cho thành viên trong tổ; triển khai 04 mô hình sản xuất rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, bí xanh) theo VietGAP, tư vấn kỹ thuật; hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư cho các hộ tham gia mô hình.

Các thành viên tổ hợp tác tham gia buổi họp định kỳ

Sở nông nghiệp và PTNT thành phố đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 20 hộ với tổng diện tích 7,25 ha trồng rau, sản lượng khoảng 280 tấn rau/vụ. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện mô hình từng bước kết nối các nhà cung cấp phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào bước đầu thành lập đại lý cung cấp vật tư đầu vào cho các hộ tham gia mô hình cũng như các hộ sản xuất rau.

Bên cạnh những mặt đạt được, việc xây dựng cánh đồng rau VietGAP tại ấp Trung Hiệp Thạnh cũng có nhiều khó khăn do lực lượng sản xuất ít, độ tuổi lao động cao nên việc chuyển đổi còn chậm, trình độ nông dân không đều nên việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế, việc ghi chép nhật ký sản xuất là một yêu cầu quan trọng và bắt buộc khi tham gia vào sản xuất VietGAP chưa được người nông dân quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, các cơ quan chức năng Ngành nông nghiệp TP.HCM tiếp tục thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin tuyên truyền nhằm góp phần mở rộng quy mô mô hình với mục tiêu mở rộng cánh đồng trồng rau VietGAP đạt 90 ha; tiếp tục nhân rộng mô hình gieo ươm cây con; tư vấn, hỗ trợ chứng nhận cho bà con thuộc cánh đồng đạt giấy chứng nhận VietGAP; tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đàm phán tiêu thụ sản phẩm và mời gọi doanh nghiệp hợp tác cung cấp vật tư đầu vào với nông dân.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-ap-lang-pha-bo-cao-su-de-trong-thien-ly Nông dân Ấp Láng phá… noi-buon-khoai-mon Nỗi buồn khoai môn