Mô hình kinh tế Mô Hình Kinh Tế Nuôi Tôm Trên Ruộng Lúa

Mô Hình Kinh Tế Nuôi Tôm Trên Ruộng Lúa

Ngày đăng 23/12/2011

Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra cho vùng đất cù lao bốn bề sông nước này một triển vọng mới về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của hộ anh Huỳnh Văn Sên có diện tích 5.000m2. Từ diện tích này, anh đã đào ao xung quanh và mương chính giữa với diện tích mặt nước khoảng 2.000m2. phần đất còn lại được giữ để trồng lúa. Với cách làm này đã cải tạo, giúp đất giảm phèn đáng kể. Bên cạnh đó còn tạo sự thông thoáng, giúp tôm sinh trưởng tốt.

Để xử lý ao nuôi cũng như khử khuẩn, phòng mầm bệnh, anh Sên rãi vôi và phơi đất trong thời gian 10 ngày rồi mới thả tôm giống. Với diện tích mặt nước 2.000m2, anh thả 13.000 con giống. Trung bình, mật độ tốt nhất thả nuôi tôm càng xanh là từ 3 đến 5 con/1m2. Sau thời gian thả tôm giống 45 ngày, anh đã cấy lúa trên diện tích còn lại.

Hiện diện tích lúa trong mô hình của hộ anh Huỳnh Văn Sên đang trong giai đoạn trổ và ngậm sữa, hứa hẹn cho năng suất cao. Trong quá trình canh tác lúa, anh được hướng dẫn và áp dụng phương pháp IPM. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng phải đảm bảo an toàn cho tôm.

Sự phối hợp giữa việc nuôi tôm càng xanh với trồng lúa đã mang lại hiệu quả rất lớn. Lúa ít bị sâu bệnh hại. Tôm càng xanh phát triển mạnh, tỷ lệ sống cao. Đồng thời giảm đáng kể chi phí thức ăn cho tôm. Qua 4 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống của tôm trong mô hình trên 70%. Kích cỡ tôm hiện đạt khoảng 80 con/kg. Thức ăn chủ yếu của tôm là cá tươi, cá phân, thức ăn công nghiệp và các phụ phẩm khác như: khoai, mì, dừa,…Đây là nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương. Ước tính tổng chi phí thực hiện mô hình khoảng 12 triệu đồng. Trong đó chương trình FSPS II Đan Mạch hỗ trợ 3 triệu đồng gồm 2 triệu đồng con giống và 1 triệu đồng thức ăn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của hộ anh Huỳnh Văn Sên đạt yêu cầu. Tốc độ tôm lớn và tỷ lệ sống đạt khá. Nếu đảm bảo áp dụng đúng kỹ thuật cùng với tốc độ phát triển như hiện nay, sau thời gian nuôi 8 tháng, tôm có thể đạt trọng lượng từ 100gam/con.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi và phòng bệnh đóng rong và bệnh đen mang. Đây là hai bệnh thường gặp và khá nguy hiểm có thể ảnh hưởng lớn đến sản lượng cũng như chất lượng tôm. Để phòng bệnh này, cần chú ý đến môi trường nước. Mực nước trên ruộng cần phải theo mực nước cho lúa là từ 0,2-0,3m. Hàng tuần phải thay nước với tỷ lệ khoảng 10% lượng nước hiện hữu. Tốt nhất là không nên dùng thuốc trừ sâu cho lúa trong khi nuôi tôm. Nếu dùng thuốc thì phải tháo nước từ từ trong vài ngày để tôm rút xuống ao, mương. Sau khi dùng thuốc từ 1 đến 2 tuần thì cho nước vào để tôm lên ruộng. Khi thu hoạch lúa thì tháo nước cho tôm xuống mương và sau khi thu hoạch lúa thì lại cho nước vào thật nhiều để tôm lên ruộng ăn thức ăn tự nhiên. Giai đoạn này cần thường xuyên thay nước để tránh nước bị thối do gốc rạ phân hủy gây ra.

Cùng với việc thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại hộ anh Huỳnh Văn Sên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre còn phối hợp Hội Nông dân xã An Hiệp huyện Ba Tri tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 20 hộ nông dân ấp An Bình. Tại lớp tập huấn này, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, chọn vị trí, phương pháp xử lý ao nuôi; Chọn giống và kỹ thuật thả giống; Kỹ thuật chăm sóc tôm ở từng giai đoạn; Phương pháp quản lý, phòng trị một số dịch bệnh trên tôm.

Cù lao Đất, xã An Hiệp huyện Ba Tri được bồi đấp và bao bọc bởi đoạn cuối nguồn của sông Hàm Luông. Đất ở đây bị nhiễm phèn nặng. Trong 6 tháng mùa mưa, vùng đất này mới có nước ngọt để canh tác lúa. Riêng 6 tháng mùa khô thì nhiễm mặn. Chính vì vậy, nông dân ở đây chỉ có thể sản xuất được lúa 1 vụ. Thời gian qua, đã có nhiều hộ ở đây thử nghiệm nuôi tôm càng trên ruộng lúa. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt kỹ thuật nên hiệu quả đạt không cao. Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của hộ anh Huỳnh Văn Sên thực sự mở ra triển vọng mới cho vùng đất này. Đây cũng là mô hình kinh tế bền vững cần được nhân rộng ở nhiều địa phương./.v


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-ga-noi-lai-tha-vuon Mô Hình Nuôi Gà Nòi… hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-tom-cua-bai-boi-ven-song Hiệu Quả Từ Mô Hình…