Tin nông nghiệp Mô hình lúa thông minh - sạ khóm, lợi nhuận tăng 25%

Mô hình lúa thông minh - sạ khóm, lợi nhuận tăng 25%

Tác giả Ngô Văn Đây, ngày đăng 01/09/2021

Tại 3/13 tỉnh vùng ĐBSCL, trong cùng phương thức canh tác thông minh, lúa sạ theo khóm cho hiệu quả kinh tế cao hơn 25% so với các hình thức sạ còn lại.

Ruộng lúa sạ theo khóm (54 kg/ha) của hộ ông Nguyễn Quang Hưng tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thuộc chương trình canh tác lúa thông minh vụ hè thu 2021. Ảnh: NVĐ.

Vụ hè thu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình sạ lúa theo khóm đã được lồng ghép trong mô hình canh tác lúa thông minh và thực hiện tại 4/13 tỉnh, thành ĐBSCL, gồm Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Qua đánh giá kết quả mô hình canh tác lúa thông minh tại 3 tỉnh Long An, Cần Thơ và Vĩnh Long, các đại biểu đã đánh giá khá cao kết quả của hình thức sạ khóm lồng ghép trong mô hình canh tác lúa thông minh.

Báo cáo kết quả đánh giá chung của mô hình cho thấy năng suất lúa sạ khóm bình quân đạt 7 tấn/ha, cao hơn 0,4 tấn/ha so với năng suất bình quân ruộng đối chứng (sạ lan, sạ hàng, cấy). Hiệu quả kinh tế ruộng lúa sạ khóm đạt trên 27 triệu đồng/ha, cao hơn gần 25% so với hiệu quả kinh tế bình quân ruộng lúa lúa đối chứng.

Cụ thể như tại TP Cần Thơ, năng suất bình quân ruộng lúa đối chứng (sạ lan, sạ hàng, cấy) 7 tấn/ha, lợi nhuận 23,8 triệu đồng/ha. Trong khi đó năng suất ruộng lúa sạ khóm đạt 7,54 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,54 tấn/ha. Lợi nhuận mô hình lúa sạ khóm đạt 28,8 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 5 triệu đồng/ha (21%).

Cá biệt, tại Vĩnh Long, dù năng suất tương đương nhau nhưng hiệu quả kinh tế ruộng lúa sạ khóm luôn cao hơn so với ruộng lúa cấy. Bởi mô hình sạ khóm tiết kiệm được chi phí công gieo mạ và cấy khá cao, dao động 3-3,5 triệu đồng/ha.

Điều đặc biệt, ruộng lúa sạ theo khóm hạn chế được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn giai đoạn trổ - chín, hiện tượng thời tiết rất dễ gặp trong vụ hè thu và thu đông hàng năm. Do đó hạn chế được tình trạng thất thoát khi thu hoạch. Thậm chí có thể mất trắng khi đổ ngã vào giai đoạn lúa chưa ngậm sữa.

Với kết quả vượt xa về năng suất và hiệu quả kinh tế của ruộng lúa sạ khóm so với các hình thức xuống giống khác, mô hình ruộng lúa sạ khóm rất cần được nhanh chóng nhân rộng. Trên cơ sở đó, Ban Cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã thống nhất đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình đưa hình thức sạ khóm lồng ghép vào mô hình canh tác lúa thông minh trong kế hoạch thực hiện năm 2022.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Maketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Trưởng ban tổ chức Chương trình cũng thống nhất đề xuất thực hiện mô hình lúa sạ khóm trên tất cả 13 tỉnh vùng ĐBSCL trong năm kế hoạch 2022. Đồng thời, ông Tâm cũng đề xuất Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có giải pháp hổ trợ máy sạ khóm để các địa phương thực hiện mô hình.


Có thể bạn quan tâm

eu-phe-duyet-dung-con-trung-lam-thuc-an-chan-nuoi-cho-lon-gia-cam EU phê duyệt dùng côn… hieu-qua-canh-tac-lua-thong-minh-o-dbscl Hiệu quả canh tác lúa…