Tôm thẻ chân trắng Mô hình mới trong nghiên cứu kiểm soát mầm bệnh ở Mozambique thu được tôm giống/postlarvae có miễn dịch đặc hiệu đối với bệnh đốm trắng (WSSV)

Mô hình mới trong nghiên cứu kiểm soát mầm bệnh ở Mozambique thu được tôm giống/postlarvae có miễn dịch đặc hiệu đối với bệnh đốm trắng (WSSV)

Ngày đăng 15/09/2015

Phương pháp này bao gồm việc kích hoạt hệ thống miễn dịch thông qua thao tác quản lý đặc thù các thông số nước trong quá trình điều trị/xử lý, mức độ thâm canh và xác định thời điểm, có sử dụng thêm các chất kích thích miễn dịch.

Thực nghiệm chính cho thấy tỉ lệ sống 80% ở tôm đã được điều trị so với 100% tỷ lệ chết ở tôm bị phơi nhiễm đốm trắng (WSSV).

Trong một thực nghiệm sau này, tôm đã qua điều trị lại một lần nữa cho phơi nhiễm với WSSV, tuy nhiên không có dấu hiệu lâm sàng nhiễm bệnh hoặc chết sau 7 ngày.

Tại trại tôm giống Aquapesca/FAMA ở Nacala, các nhà nghiên cứu đã và đang ứng dụng khái niệm kích hoạt hệ thống miễn dịch để tôm có được sức đề kháng với bệnh đốm trắng.

Aquapesca, một trang trại tại Mozambique ở đông nam châu Phi tham gia vào quá trình sản xuất tôm sú hữu cơ chất lượng cao. Sau khi bị bệnh đốm trắng (WSSV) tấn công nặng nề vào năm 2011, Aquapesca và một nhà sinh học Pháp đã bắt đầu một dự án nghiên cứu mang tên FAMA để nhằm kiểm soát tác nhân gây bệnh.

Sau ba năm nghiên cứu và đầu tư lớn tại một trại giống đặt tại Nacala, Mozambique, dự án tiếp tục hoạt động theo khẩu hiệu “cùng sống với kẻ thù.” Các kết quả cho đến nay chứng minh khả năng phát triển miễn dịch thu được của tôm đối với bệnh đốm trắng – đưa thêm một phương cách mới có tiềm năng kiểm soát.

Thúc đẩy miễn dịch

Cho đến nay, các trại giống thường tập trung sử dụng các đàn giống bố mẹ sạch bệnh và các biện pháp an toàn sinh học, mới đây đã thu được kết quả rất đáng chú ý với các dòng kháng chọn lọc thông qua quá trình thuần hóa.

Ý tưởng của FAMA hiện nay là kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm giống/postlarvae bằng cách áp dụng thao tác quản lý đặc thù và nghiêm ngặt các thông số nước trong quá trình điều trị, mức độ thâm canh và xác định thời điểm, có sử dụng các chất kích thích miễn dịch.

Thực nghiệm chính: Cấy nhiễm có kiểm soát, Điều trị

Thực nghiệm chính đầu tiên đã tạo ra khả năng lây nhiễm tôm giống/postlarvae một cách có kiểm soát và đã chứng minh tác dụng tích cực của việc áp dụng điều trị.

Một số bể nuôi ấu trùng với mỗi bể chứa 30.000 tôm sú giống/postlarvae Penaeus monodon từ cùng một lô, được cấy nhiễm đốm trắng (WSSV), và áp dụng quá trình điều trị mới. Các bể đối chứng không được điều trị bệnh đã được cấy nhiễm cùng lúc.

Vào ngày thứ 17 sau khi cấy nhiễm WSSV, tôm trong các bể được điều trị cho thấy tỷ lệ sống trên 80%, trong khi các bể đối chứng có tỉ lệ sống 0%. Số liệu thứ hai không đáng ngạc nhiên do dòng đốm trắng WSSV Mozambique rất độc.

Thực nghiệm cảm nhiễm: Đề kháng thu được

Ba mươi ngày sau khi cấy nhiễm lần đầu, tôm giống đã qua điều trị một lần nữa được cấy nhiễm WSSV sử dụng cùng phương pháp đã áp dụng trong thực nghiệm chính. Đồng thời, một bể đối chứng khác từ cùng lô tôm giống ban đầu chưa bao giờ tiếp xúc với WSSV cũng được cấy nhiễm và không được tiếp nhận bất kỳ cách điều trị nào.

Tôm được điều trị sống sót sau đợt cấy nhiễm đầu tiên trong thực nghiệm chính cho thấy không có dấu hiệu lâm sàng nhiễm WSSV và không chết sau 7 ngày. Trong khi đó, tôm trong bể đối chứng lại chết 100%.

Thực nghiệm cảm nhiễm thứ 2 này đã chứng minh miễn dịch thu được do kích kháng của tôm giống với sự bùng phát đốm trắng WSSV sau đó.

Các triển vọng

Những kết quả đáng kinh ngạc này có thể được giải thích bởi quá trình kích thích hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm thông qua các thụ thể toll và protein chaperon được tạo ra do sự có mặt của WSSV ở thời điểm điều trị ban đầu. Kết quả này dẫn đến những gì dường như là sự thu được bởi hệ thống miễn dịch của tôm về một dạng ghi nhớ, ngăn chặn sự tái nhập của mầm bệnh vào giai đoạn sau ở tôm giống/postlarvae đã điều trị.

Các tác giả hiện đang nghiên cứu về các giả thuyết cho rằng hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm – và có thể của các loài không xương sống khác – có thể được kích khởi để ghi nhớ dấu hiệu của các tác nhân gây bệnh với một chức năng và kết quả tương tự như là một sự thích nghi được nhận biết diễn ra ở các loài động vật có xương sống.

Các thành viên của dự án FAMA rất tin tưởng nếu những kết quả sơ bộ này được xác nhận bởi các thực nghiệm mới thì đó có thể là một cuộc cách mạng to lớn trong việc kiểm soát không chỉ bệnh đốm trắng (WSSV), mà còn mọi loại tác nhân gây bệnh trong nuôi tôm. Khả năng để sản xuất tôm giống/postlarvae kháng với một bệnh cụ thể rất có tiềm năng mang lại lợi ích cho toàn ngành công nghiệp nuôi tôm.

Ghi chú của Biên tập viên: Để biết thêm thông tin về bệnh đốm trắng (WSSV) ở Mozambique, mời độc giả tham khảo thêm sách trắng của GAA xuất bản mới đây có tựa đề “Giảm thiểu Rủi ro trong Nuôi trồng Thủy sản,” ở trang www.gaalliance.org/newsroom/whitepapers-detail.php?Reducing-Risk-in-Aquaculture-15.

Đây là kết quả của nỗ lực hợp tác quốc tế do Tổ chức Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm và Ngân hàng Thế giới hướng dẫn để phân tích và rút ra các bài học thực tế từ những kinh nghiệm về các dịch bệnh bùng phát trong nuôi trồng thủy sản ở Madagascar, Mozambique, Chile và Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các bên liên quan trong ngành nuôi trồng thủy sản nắm được công tác quản lý bệnh thủy sản.

Nếu các kết quả sơ bộ thu được tại trại giống được xác nhận, thì đây có thể là một cuộc cách mạng về việc kiểm soát mầm bệnh trong nuôi tôm.

Tags: tom, nuoi tom, tom sach, thuy san, nuoi trong thuy san, phong benh tren tom


Có thể bạn quan tâm

nuoi-tom-nuoc-man-trong-ao-nuoi-nuoc-ngot Nuôi tôm nước mặn trong… cach-nao-de-tom-sach Cách nào để tôm sạch