Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Mùng Lưới Trên Sông Kết Hợp Cá Trê Vàng Rặt Cho Năng Suất Và Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Mùng Lưới Trên Sông Kết Hợp Cá Trê Vàng Rặt Cho Năng Suất Và Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Ngày đăng 06/03/2014

Hiện nay để tận dụng diện tích mặt nước sông đưa vào sản xuất thì một số người dân ở các xã Ninh Quới, Ninh Quới A, Vĩnh Thanh, Vĩnh Bình... của tỉnh Bạc Liêu đã phát triển mô hình nuôi “Cá lóc trong mùng lưới trên sông kết hợp cá trê vàng gặt ”. Đây có thể nói là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả như: Năng suất cao (cá lóc từ 600 - 800 kg/10m2, cá trê vàng gặt năng suất từ 100 - 150kg/10m2), vừa tiện lợi dễ làm, vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá nuôi, tận dụng được thức ăn dư thừa, không những giúp cá không thất thoát mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng ngừa dịch bệnh trên cá nuôi và tăng thêm lợi nhuận để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với lợi thế luôn có nguồn nước ngọt ổn định trên sông quanh năm, một số người dân ở các xã này đã bố trí mùng xuống sông, rào lại từng khoảnh nhỏ để nuôi. Thông thường người nuôi chọn loại lưới xanh (lưới thái) sợi 3,6 ly, kích thước lỗ lưới khoảng 2,5 cm.

Có thể thiết kế mùng lưới nuôi cá lóc gồm 2 phần: Phần mùng lưới bên ngoài là 1 cái mùng lưới lớn hình chữ nhật bao bọc rộng 20 - 30 m2 dùng để nuôi cá trê vàng gặt (có thể thả cá trê vàng gặt với mật độ 70 - 100 con/m2); còn phần phía trong mùng lưới có thể bố trí từ 2 - 3 cái mùng lưới nhỏ, mỗi cái rộng 8 - 10 m2 để nuôi cá lóc (cá lóc đầu vuông hoặc đầu nhím mật độ 150 - 200 con/m2).

Tốt nhất nên thiết kế mùng nuôi đảm bảo mùng lưới phía bên ngoài rộng gấp 2 lần các mùng nhỏ nuôi cá lóc bên trong. Ở mô hình này mặc dù chi phí đầu tư mùng lưới cao hơn so với cách nuôi truyền thống nhưng lại có nhiều tiện lợi: Tránh cá lóc nuôi thất thoát, mùng lớn phía bên ngoài tận dụng nuôi được cá trê vàng gặt nên nâng cao thêm thu nhập cho hộ nuôi.

Cá trê vàng gặt nuôi bên ngoài có thể tận dụng thức ăn dư thừa của cá lóc, làm sạch các chất bùn đáy lắng đọng phía dưới đáy và thành mùng lưới nuôi cá lóc nên hạn chế được vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên sông rạch cũng như dịch bệnh cho cá nuôi. Từ đó giúp cá lóc nuôi lớn nhanh, nâng cao được năng suất và thu nhập.

Anh Trần Văn Tuấn ngụ tại ấp Ninh Điền, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân một trong những người nuôi mô hình này thành công chia sẻ: Nuôi cá lóc trong mùng lưới trên sông kết hợp cá trê vàng gặt có thể nuôi 3 vụ/năm nếu như người nuôi chủ động được nguồn thức ăn. Song hiện nay do nguồn thức ăn có thể không đáp ứng đủ nhu cầu nên có thể nuôi theo 2 vụ: Vụ 1 từ tháng 4 - 5 âm lịch và thu hoạch khoảng tháng 7 - 8 âm lịch.

Theo anh Tuấn, đây là thời vụ nuôi thích hợp nhất, nhiệt độ dịu mát, nguồn thức ăn dồi dào, dễ tìm, cá lại nhanh lớn. Vụ 2 bắt đầu thả nuôi từ tháng 8 - 9 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 12 - 01 âm lịch. Vào thời điểm này nguồn thức ăn cũng dễ kiếm.

Đặc biệt là khi xuất bán vào thời điểm này cá sẽ có giá cao hơn những thời điểm khác trong năm. Nguồn thức ăn cho cá lóc chủ yếu là cá tạp, cá vụn, có thể bổ sung thêm thức ăn công nghiệp dạng viên nổi... Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm trong mô hình nuôi này nên lấy công làm lời bằng hình thức bắt ốc bươu vàng cho cá ăn, vừa giảm chi phí thức ăn vừa làm giảm địch hại trên ruộng lúa. Với cách làm này mỗi mùng lưới có thể giảm được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng tiền thức ăn.

Bên cạnh đó một kinh nghiệm không thể bỏ qua đối với mô hình nuôi cá lóc kết hợp cá trê vàng gặt trong mùng lưới trên sông là việc bố trí mùng phải làm sao cho đáy mùng lưới phải cách đáy sông khoảng 0,5 m như vậy vừa giảm ô nhiễm cho đáy mùng, vừa hạn chế cua kẹp rách đáy có thể làm thất thoát cá, ngoài ra vì cá lóc có thể nhảy cao từ 1 - 1,2 m nên miệng mùng phải cao hơn mặt nước khoảng 1,5 m và phải may lưới phía trên để tránh chim bói cá ăn cá lúc mới thả giống, có thể che mát cho cá bằng cách bố trí tàu dừa bên trên mùng lưới.

Tóm lại, mô hình nuôi cá lóc trong mùng lưới kết hợp cá trê vàng trên các tuyến sông nước ngọt đã giúp cho cuộc sống của nhiều gia đình nghèo ở tỉnh Bạc Liêu từng bước thoát nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đây là mô hình nuôi không đòi hỏi vốn đầu tư cao nên phù hợp với mọi người dân có lòng đam mê phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào mô hình nuôi này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và sản xuất bền vững thì bà con nông dân cần lưu ý một số vấn đề trong các khâu kỹ thuật như: Chọn nơi đặt mùng nuôi phải đảm bảo độ sâu tối thiểu 2 m, nguồn nước dồi dào, thông thoáng. Kỹ thuật bố trí mùng giống như giới thiệu ở phần trên của bài viết.

Chọn cá lóc giống lồng 10 (kích cỡ từ 8 - 10 cm), mật độ 150 con/m2; cá trê vàng gặt loại 100 - 110 con/kg, mật độ 70 - 100 con/m2. Trước khi thả cá nên tắm cá bằng nước muối 3% (pha 300 g muối/10 lít nước) kết hợp với lá xoan (vò nhuyễn) từ 200 - 300 g/10 lít nước trong 3 - 5 phút.

Lượng thức ăn cho ăn trong ngày từ 3-5% trọng lượng đàn cá lóc trong mùng, trong quá trình cho ăn hàng ngày trộn Vitamin C, khoáng vi lượng và tỏi tươi với liều lượng từ 5 - 10 g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng và khả năng tăng trưởng (nên trộn trước khi cho ăn 30 phút), định kỳ 15 ngày/lần trộn thuốc sổ giun (loại dành cho gia cầm) vào thức ăn cho cá (liều lượng tùy theo sản phẩm), nên cho cá ăn trong sàng ăn có diện tích 1 m2 và nên đặt sàng ăn cách mặt nươc 5 - 10 cm.

Trong quá trình nuôi để phòng một số bệnh nhiễm khuẩn trên cá thì nên bỏ vào trong mùng nuôi từ 3 - 5 kg dây giác/mùng diện tích 10 m2 (nên cột lại và treo giữa mùng nuôi), treo túi vôi CaCO3 từ 5 - 7 kg/mùng 10m2(định kỳ 7 ngày/lần nên thay dây giác và túi vôi).


Có thể bạn quan tâm

bap-benh-vi-nuoi-tom-the-chan-trang Bấp Bênh Vì Nuôi Tôm… dieu-chinh-quy-hoach-nuoi-tom-chan-trang-den-nam-2030 Điều Chỉnh Quy Hoạch Nuôi…