Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Giun Quế

Mô Hình Nuôi Giun Quế

Ngày đăng 15/11/2014

Vừa qua, chúng tôi được cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Ảng đưa đi tham quan mô hình nuôi giun quế của ông Quàng Văn Tây, bản Bua 2, xã Ẳng Tở. Đây là một trong những mô hình được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đầu tư giống giun quế ban đầu.

Với diện tích khoảng 50m2, gồm hệ thống 4 chuồng được xây kiên cố, ông Tây vừa kể với chúng tôi giọng đầy lạc quan, vừa bốc nắm đất trong chuồng nuôi giun quế có hàng trăm con giun đang phát triển.

Ông Tây bảo: Lúc mới nuôi hơi bỡ ngỡ, song vừa nuôi tôi vừa rút kinh nghiệm, giờ thì giun quế phát triển rất tốt. Từ khi phong trào nuôi giun quế trong bản phát triển, đường làng, ngõ xóm sạch hơn, vì nhiều hộ thu gom chất thải gia súc về nuôi giun quế. Thức ăn của giun quế chủ yếu là chất thải của trâu bò nên đầu tư ít, giun sinh sản nhanh; không tốn nhiều công sức.

Theo tính toán, cứ nuôi 10kg giun quế sinh khối/m2 thì sau một tháng sẽ được thu hoạch; với giá bán từ 50.000 – 60.000 đồng/kg giun quế, đến nay ông Tây đã thu về gần 20 triệu đồng.

Không chỉ được sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò, lợn, thỏ, cá; ông Tây còn bán giống cho các hộ có nhu cầu nuôi giun quế trong bản.

Theo ông Nguyễn Trọng Kính, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng: Đọc tài liệu nghiên cứu về giun quế có rất nhiều tác dụng đối với con người và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, bởi giun quế là loại thức ăn giàu đạm để chăn nuôi nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản.

Giun có hàm lượng prôtêin cao, có nhiều axit amin cần thiết cho con người: làm chậm quá trình lão hóa tế bào, tác dụng dưỡng tóc, dưỡng da, làm trẻ hóa cơ thể. Vì vậy, giun quế hiện đang được một số nước nghiên cứu sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm.

Chất thải của giun quế chứa hỗn hợp vi sinh hoạt tính cao, chất mùn lớn, vì vậy phân giun kích thích tăng trưởng cây trồng và tăng khả năng cải tạo đất. Do phân giun không có mùi hôi như các loại phân gia súc, gia cầm lại có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, nên thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển.

Thấy giun quế có nhiều tác dụng trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, quy trình nuôi đơn giản, phù hợp với nông dân các xã vùng sâu, vùng xa, bởi giảm nhiều chi phí thức ăn cho gia súc gia cầm. Cuối năm 2012, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Ảng đã nhập giống giun quế từ tỉnh Lạng Sơn.

Đầu năm 2013, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư đã triển khai mô hình nuôi giun quế cho gần 40 hộ dân tại các xã Mường Đăng, Ẳng Tở, Ẳng Cang và Ẳng Nưa. Mô hình phát triển tốt, lượng giun sống đạt 90%, nên hiện nay các hộ nông dân vẫn duy trì mô hình nuôi giun quế.

Nuôi giun quế không đòi hỏi khắt khe quy trình kỹ thuật, nếu nuôi lâu dài người nông dân nên xây chuồng, có mái che, có thể xây các ô liền nhau thành từng dãy dài, mỗi ô có 2 lỗ nhỏ để thoát nước. Đất nền cho giun quế cư trú tốt nhất là phân bò, phân trâu đã xử lý hoai mục; thường xuyên tưới ẩm, xới nền cho tơi xốp.

Khu nuôi giun quế nên che chắn chống ánh sáng trực tiếp, hàng ngày tưới nước để tạo độ mát cho giun phát triển. Trong quá trình nuôi giun quế, phát hiện thấy kiến bò vào nơi giun sinh sống phải dùng chất đốt, đốt theo hướng kiến bò vào chuồng hoặc có thể dùng thuốc diệt kiến bôi lên trên vách chuồng.

Thấy được lợi ích từ mô hình nuôi giun quế tại huyện Mường Ảng, nhiều hộ dân ở huyện Điện Biên cũng làm theo. Có thể nói, mô hình giun quế thành công sẽ là hướng chăn nuôi mới trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của hộ gia đình, mà còn bán ra thị trường để có vốn tái đầu tư sản xuất.

Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%C3%B4-h%C3%ACnh-nu%C3%B4i-giun-qu%E1%BA%BF


Có thể bạn quan tâm

da-dang-nguon-von-de-xoa-doi-giam-ngheo Đa Dạng Nguồn Vốn Để… xen-canh-trong-vuon-cao-su-cach-lam-hieu-qua Xen Canh Trong Vườn Cao…