Mô hình kinh tế Mô hình nuôi tôm bền vững

Mô hình nuôi tôm bền vững

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 19/02/2022

Năm qua ngành tôm đã gặt hái được nhiều thành quả và để lại dấu ấn trên trường quốc tế. Để đạt được điều này là sự đóng góp không nhỏ của các mô hình nuôi tôm bền vững. 

Ông Trần Tập bên niềm vui trúng mùa, trúng giá vụ lúa và tôm càng xanh đầu năm 2022. Ảnh: XT

Mô hình 2 tôm – 1 lúa: Hiệu quả, bền vững

Ông Trần Tập và những nông dân ở xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã có những chia sẻ với phóng viên Đặc san Con Tôm về tính hiệu quả và bền vững của mô hình “2 tôm – 1 lúa” trên vùng đất mặn sớm, mặn cao và mặn kéo dài này.

Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên mãi đến những ngày đầu năm 2022, chúng tôi mới có dịp trở lại vùng tôm – lúa của xã Thạnh Yên. Tuy vụ tôm nước lợ đầu năm đã qua khá lâu, nhưng chúng tôi vẫn may mắn trong chuyến đi này khi được chứng kiến một mùa tôm càng xanh và lúa hữu cơ ST24 bội thu. Hai tay hốt mớ tôm với cặp càng xanh lè, ông Tập hí hửng khoe: “Thu hoạch đợt này tôm có giá hơn 2 đợt trước nên tính ra vụ tôm càng xanh xen với lúa năm nay cũng có lời kha khá”.

Hết nhìn mớ tôm càng xanh con nào con nấy to đùng trên tay ông Tập, chúng tôi lại đưa mắt nhìn cánh đồng lúa ST24 sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ đang chín vàng, oằn bông bụng dạ cũng thấy vui lây với ông Tập và bà con nông dân xã Thạnh Yên. Thấy tôi cứ đưa mắt nhìn cánh đồng lúa, ông Tập cười khà khà: “Lúa này vừa mới được đánh giá đạt chứng nhận hữu cơ rồi đó, nên theo thỏa thuận doanh nghiệp sẽ thu mua cao hơn giá thị trường 1.500 đồng/kg lúa tươi. Năm nay thời tiết tương đối thuận nên năng suất lúa ST24 đồng này ít cũng khoảng 7 tấn/ha trở lên”. Tôi nhẩm tính: Với giá lúa thị trường hiện 7.500 đồng/kg thì ông Tập và nông dân nơi đây sẽ bán được với giá 9.000 đồng/kg, tổng thu 1 ha vào khoảng 63 triệu đồng, nên lợi nhuận ít gì cũng 38 – 40 triệu đồng/ha, tức gần bằng lợi nhuận cả năm của một số vùng chuyên lúa.

Trở lại với câu chuyện con tôm, bởi đây mới là đối tượng cho thu nhập chính của mô hình, ông Tập cho biết: “Ở đây thường đầu năm khi con nước đủ độ mặn, tôi bắt đầu thả giống tôm sú. Do mình nuôi theo hình thức quảng canh (chỉ thả giống, không cho ăn) nên mật độ nuôi chỉ 1 – 2 con/m2. Năm nào thuận cũng thu hoạch được 250 – 300 kg/ha. Khi thu hoạch tôm sú xong là mình ương con tôm càng xanh đợi đến khi cây lúa xanh đồng mình lấy nước vô để đưa con tôm càng lên ruộng cho nó tự tìm thức ăn. Do con tôm càng xanh phát triển không đồng đều nên trong 1 vụ nuôi mình thu khoảng 3 lần để bán tôm đạt được cỡ lớn có giá. Do gần như chỉ tốn tiền cải tạo ao, mua giống (lúa, tôm) nên năm nào trúng mùa, trúng giá lợi nhuận có thể lên đến ngoài 200 triệu đồng/ha. Ở đây cũng có người đạt lợi nhuận đến 250 triệu đồng/ha/năm, nhưng cũng không thường xuyên lắm”.

Gia đình ông Tập có 2 ha, nhiều năm thực hiện mô hình 2 tôm – 1 lúa này nên thu nhập hàng năm cũng kha khá. Tuy nhiên, theo ông năm nay cả vụ tôm sú và 2 đợt tôm càng đầu tiên không tốt so với mọi năm. Ông Tập cho biết thêm: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá tôm sú và 2 đợt tôm càng thu hoạch đầu tiên đều giảm mạnh. Có đợt tôi bán tôm càng chỉ được có 60.000 – 70.000 đồng/kg, nên lợi nhuận cũng giảm đi đáng kể. Cũng may là đợt cuối này giá tôm càng tăng lên trên 100.000 đồng/kg và giá lúa cũng cao nên tính chung lợi nhuận cả năm cũng không đến nỗi. Mô hình 2 tôm – 1 lúa này tuy lợi nhuận không cao bằng nuôi chuyên tôm nhưng được cái là chắc ăn và bền vững hơn”.

Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt: Đầu tư lớn, hiệu quả cao

Tuy vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, nhưng bù lại có thể nuôi được với mật độ cao, nuôi về kích cỡ lớn và nuôi 2 – 3 vụ/năm, nên hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt là rất cao. Hơn nữa, mô hình này hạn chế được rủi ro rất lớn, điều kiện chăm sóc, quản lý cũng dễ hơn nhờ diện tích ao nhỏ, tập trung.

Anh Đỗ Minh Trí, ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đang thả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 3 được hơn 30 ngày tuổi và anh cũng vừa mới san ao để giảm mật độ giúp con tôm mau lớn. Năm nay mới là năm thứ hai anh Trí nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình lót bạt đáy 2 – 3 giai đoạn, nhưng theo anh, mô hình nuôi ao bạt này hạn chế được rủi ro rất lớn, điều kiện chăm sóc, quản lý cũng dễ hơn nhờ diện tích ao nhỏ, tập trung. Anh Trí chia sẻ: “Ở đây đa số người nuôi chuyển sang ao lót bạt đều thành công rất cao. Riêng tôi, qua 2 năm với 5 vụ nuôi (vụ thứ 6 mới được 30 ngày tuổi) đều thành công khá cao. Đối với mô hình ao lót bạt này, vấn đề quyết định đến lợi nhuận nhiều hay ít chủ yếu là ở chi phí đầu vào và giá bán tôm mà thôi”.

Tuy chỉ mới 38 tuổi nhưng anh Trí có thâm niên gần 20 năm trong nghề nuôi tôm. Nói về quãng thời gian hơn 15 năm nuôi tôm ao đất, anh Trí ngán ngẩm: “Những năm đầu nuôi rất dễ, nhưng năm nào trúng lắm cũng chỉ vào khoảng 20 – 25 tấn, nhưng nhờ chi phí thấp nên lợi nhuận cũng khá. Càng về sau, mô hình nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng ao đất đều rất khó, ít có khi nào trúng liên tiếp được 3 năm, mà chỉ 1 – 2 năm là thất bại, nên tính ra người nuôi tôm không có tích lũy được gì, một số còn bị lâm nợ ngân hàng và đại lý. Bởi vậy, khi thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt thành công tôi đi học hỏi nhiều nơi và quyết định đi theo con đường này. Tuy chỉ mới có 2 năm, nhưng tôi thấy mô hình lót bạt này rất hiệu quả, chỉ có điều vốn đầu tư ban đầu hơi lớn nên hiện vẫn còn ít người thực hiện được”.

Hiện anh có 2 khu nuôi với tổng cộng 10 ao nuôi lót bạt (1.000 m2/ao). Ở vụ nuôi năm ngoái, anh thu hoạch tổng cộng trên 40 tấn, nhưng do thời điểm thu hoạch giá tôm thấp nên lợi nhuận chỉ được khoảng 600 triệu đồng. Năm nay, cũng rơi vào tình cảnh tương tự do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên dù vụ nuôi khá thuận lợi, sản lượng tôm thu hoạch cao hơn năm rồi, nhưng theo anh Trí, lợi nhuận cũng chỉ khoảng 400 triệu đồng. Anh Trí cho biết: “Đợt đầu, do phải thu tôm chạy dịch nên kích cỡ tôm chỉ đạt 35 – 40 con/kg. Giá bán chỉ có 105.000 đồng/kg đối với tôm 40 con/kg, còn cỡ 35 con/kg cũng chỉ có 110.000 đồng/kg, trong khi giá thành khoảng 90.000 – 95.000 đồng/kg, nên lợi nhuận cũng không có bao nhiêu. Vụ 2 mỗi khu nuôi tiếp tục thu trên 12 tấn và giá ban đầu có khá hơn nên lợi nhuận cũng tăng lên đôi chút. Hiện đang nuôi 4 ao vụ 3 được hơn 30 ngày tuổi, vừa mới san thưa để nuôi về size lớn đón giá tốt thời điểm sau Tết nguyên đán”.

Theo chia sẻ của anh Trí, dù là nuôi ao lót bạt, có xiphong đáy mỗi ngày 2 – 3 lần, nhưng qua kinh nghiệm từ 5 vụ nuôi cho thấy nếu thả mật độ 250 – 300 con/m2 cũng rất khó thành công. Anh Trí đúc kết: “Tôi đã có thử nghiệm ở các mật độ nuôi, như: 200 con/m2, 250 con/m2, rồi 300 con/m2 nhưng chỉ có ở mật độ 200 con/m2 trở xuống là cho tỷ lệ thành công cao nhất, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn nhất. Riêng năm nay, do chí phí đầu vào (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học…) tăng khoảng 15 – 20% so với năm 2020, nên thả nuôi mật độ dầy, tôm chậm lớn không khéo sẽ bị lỗ”.

Mô hình 1 tôm – 1 lúa: Ăn chắc, mặc bền

Bên cạnh việc phát triển mạnh những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh hay siêu thâm canh cho năng suất, sản lượng cao, Sóc Trăng còn duy trì được mô hình tôm – lúa ở huyện Mỹ Xuyên trên diện tích bình quân hàng năm khoảng 800 – 10.000 ha. Tuy lợi nhuận không cao như những mô hình khác, nhưng theo nông dân vùng tôm – lúa, ưu điểm của mô hình này là “ăn chắc, mặc bền”.

Tổ hợp tác (THT) tôm – lúa ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên có 11 thành viên, với 30 ha chuyên canh tác theo mô hình này. Theo ông Đặng Thanh Sang, Tổ trưởng THT, sở dĩ các thành viên THT quyết tâm giữ vững mô hình này do đây là mô hình có tính an toàn cao cho người sản xuất và sản phẩm làm ra là con tôm và cây lúa, đều là sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ có ích cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sản xuất.

Ông Sang có diện tích 3,3 ha, mỗi năm ông nuôi 1 vụ tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến và sau đó trồng lại 1 vụ lúa. Ông Sang cho biết: “Mùa khô vùng này toàn nước mặn nên mình tiến hành thả giống tôm sú để nuôi với mật độ khoảng 7 – 10 con/m2 và có bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm. Khi thu hoạch tôm xong, dùng nước mưa để rửa mặn cho đáy ao đến khoảng tháng 10 Dương lịch thì bắt đầu sạ lúa. Nếu năm nào tôm, lúa trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận có thể đạt 200 – 250 triệu đồng/ha, còn không cũng được 50 – 60 triệu đồng/ha. Nói chung là rất khó lỗ nhưng cũng rất khó đạt lợi nhuận cao vì con tôm mình thả mật độ thưa, năng suất thấp. Bởi vậy mới nói mô hình này là “ăn chắc, mặc bền” là vậy”.

Cũng theo ông Sang, năm ngoái, ở vụ tôm sú, tuy năng suất cũng khá nhưng giá tôm sú lúc thu hoạch thấp nên lợi nhuận không cao. Còn năm nay, giá tôm sú tương đối ổn định, nhưng năng suất lại đạt thấp, nên lợi nhuận từ con tôm sú chỉ được khoảng 30 triệu đồng/ha. Ông Sang cho biết thêm: “Năm nay, tôi thu hoạch tôm cỡ phổ biến 30 – 40 con/kg, nhưng cũng bán được giá 165.000 đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, do năng suất chỉ đạt khoảng 200 kg/ha nên lợi nhuận chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha. Riêng vụ lúa này nhờ sử dụng giống đặc sản ST24 sản xuất theo hướng hữu cơ, bán được giá 7.500 đồng/kg nên lợi nhuận cũng tương đương với con tôm”.

Tuy lợi nhuận tuyệt đối trên 1 ha của mô hình tôm – lúa không cao hơn so với chuyên tôm, nhưng nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thì ngay cả năm được coi là chưa thành công như năm 2021 cũng 1 vốn hơn 1 lời. Đây cũng chính là lợi thế lớn của mô hình dành cho nông dân ít vốn, trình độ kỹ thuật canh tác không cao vẫn có được nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm

lam-nen-co-ngoi-nho-luon-dong Làm nên cơ ngơi nhờ… bo-tui-tien-ty-tu-nuoi-ca-linh-tom-cang-xanh Bỏ túi tiền tỷ từ…