Tin thủy sản Mô hình nuôi tôm chân trắng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP

Mô hình nuôi tôm chân trắng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP

Tác giả Ngọc Thúy - FICen, ngày đăng 05/06/2018

Tại thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ là địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ cây lúa độc canh và độc vụ sang nuôi tôm nước lợ. Giờ đây, Cần Giờ có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và năng suất tôm nuôi. 

Dù diện tích nuôi tôm nước lợ (chủ yếu là tôm chân trắng) của thành phố Hồ Chí Minh không nhiều như các tỉnh ven biển khác, nhưng huyện biển Cần Giờ trở thành địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất của thành phố, tạo ra sự chuyển mình của vùng đất một thời bị hoang hóa từ cuối những năm 1990.

Từ trước đến nay, dịch bệnh luôn là điều ám ảnh người nuôi tôm nước lợ ven biển. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao đã giải quyết được vấn đề này:

Kỹ sư thủy sản Nguyễn Hoài Nam (ở ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) sau hai năm tìm hiểu các địa phương ven biển, đã mạnh dạn đầu tư 7.500m2 trên tổng diện tích 1,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản làm trang trại nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc với quy trình 2 giai đoạn trong nhà kín theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Tổng chi phí là 2,31 tỷ đồng/năm, sản lượng thu hoạch là 33 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu 4,62 tỷ đồng, lợi nhuận 2,31 tỷ đồng. Có thể thấy, hiệu quả mô hình mang lại lợi nhuận cao, bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

Quy trình nuôi tôm hai giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Vệ sinh hệ thống nuôi, lọc và xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc và ương tôm trước khi thả nuôi.

Giai đoạn 2: Khi tôm được 30-60 ngày tuổi, chuyển tôm sang ao nuôi, lót bạt đáy trong nhà lưới mùa nắng và che bạt kín mùa mưa; chất thải trong ao được xử lý hàng ngày.

Đầu tư thiết bị công nghệ cao: Máy nano oxygen cung cấp ôxy cực nhanh, khử phèn và hóa chất độc hại trong ao, ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, ổn định mật độ tảo khuê và tảo lục, phát triển vi sinh có lợi, giảm chỉ số PCR (hệ số chuyển đổi thức ăn).

Kiểm soát 24/24 giờ, lưu trữ dữ liệu để phân tích.

Công nghệ Biofloc giúp năng suất cao, hệ số PCR thấp, bảo vệ môi trường. Đây là lời giải cho việc mở ra hướng sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm. 

Ông Trịnh Đức Huấn, với hơn 20 năm nuôi tôm tại xã Lý Nhơn (Cần Giờ), đã chuyển sang nuôi tôm đáy bạt 4 năm nay thay vì ao đất trên diện tích 3ha; đồng thời che lưới khu vực nuôi và thực hiện quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm thu 140 tấn và cung cấp tôm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các công ty ở thành phố. 

Vùng nuôi tôm chân trắng của thành phố Hồ Chí Minh có huyện Cần Giờ và xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng thiết bị hiện đại, như: Xây dựng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy, lưới vây quanh ao nuôi, xây dựng nhà kín trong khu vực nuôi giúp hạn chế tác động xấu của thời tiết, khí hậu.

Những người nuôi còn đầu tư hệ thống cung cấp ôxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đảm bảo môi trường, giúp giảm thiểu dịch bệnh, hay đầu tư máy cho ăn tự động... Nếu thành công, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm chân trắng tại huyện Cần Giờ sẽ đạt khoảng 2.400ha, diện tích nuôi tôm chân trắng của huyện Nhà Bè là 120ha. 

Để nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi kinh phí lớn, khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, cần có chính sách giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Về phía các đơn vị chức năng, cần nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải không chỉ bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường việc xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước; đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh báo các bệnh có thể xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ở khu vực nuôi tôm.

Thành phố hiện đang tiếp tục đầu tư các hạng mục tại Trung tâm Công nghệ sinh học, mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao và tiếp tục ban hành các chương trình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chính sách hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP, tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.... Đây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đúng định hướng của thành phố là tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.


Có thể bạn quan tâm

cap-nhat-ve-cac-benh-o-tom-tai-hoi-nghi-nuoi-trong-thuy-san-hoa-ky-2018 Cập nhật về các bệnh… ninh-binh-thay-giao-day-toan-kiem-chuc-trieu-moi-thang-tu-nghe-tay-trai Ninh Bình: Thầy giáo dạy…