Tôm thẻ chân trắng Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính

Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính

Ngày đăng 22/03/2014

Khi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) vẫn còn diễn biến phức tạp, tác nhân gây bệnh tôm vẫn chưa được xác định, thì người nuôi tôm Sóc Trăng đã tìm được hướng đi mới đầy hiệu quả và hứa hẹn sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, đó là mô hình nuôi tôm ghép với cá rô phi.

Trước đây, theo cách nuôi truyền thống, các hộ nuôi đào ao, khử tạp rồi mới tiến hành thả nuôi, trong đó khâu khử tạp chiếm vị trí quan trọng vì phải “dọn sạch” các loại cá trong ao mới thả giống vì sợ cá tạp sẽ ăn hết tôm non vừa mới thả. Tuy nhiên, trong vài vụ nuôi gần đây, từ những vụ nuôi ban đầu đạt hiệu quả, mô hình nuôi ghép giữa tôm thẻ chân trắng (cả tôm sú) và cá rô phi đang dần được người nuôi tôm Sóc Trăng quan tâm.

Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm Hòa Nghĩa (xã Hòa Đông, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã và đang thành công với mô hình này. Sau 2 năm nuôi tôm thẻ và tôm sú thất mùa, năm 2012, ông Tăng Văn Tuối, chủ nhiệm HTX thí điểm áp dụng mô hình trên cho hiệu quả thấy rõ (cả vụ 2).

HTX vừa mới thu hoạch xong 4 ao (2 ha) tôm thẻ chân trắng mật độ thưa 40 m2 thả ghép với cá rô phi (nuôi 102 ngày) thu về 11,210 tấn (54 con/kg), lợi nhuận 574 triệu đồng. Cả năm 2012 (2 vụ) lãi gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Tuối, khi tôm được khoảng 18 - 20 ngày tuổi, ông bắt cá rô đơn tính (chọn con đực) từ ao lắng thả vào ao nuôi. Với diện tích 1 ao (5.000 - 6.000 m2) nuôi ghép khoảng 16 - 20 con cá rô phi/1.000 m2 (vì cá rô phi đực không đẻ, giảm chi phí thức ăn).

Nhờ nuôi ghép với cá rô phi nên lượng thức ăn thừa trong đáy ao được dọn sạch, giúp cho lượng chất thải tại đáy ao, giảm thiểu quá trình ô nhiễm tại đáy ao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nước trong ao. “Nhờ nuôi tôm ghép với cá rô phi mà 15/17 thành viên của hợp tác xã đã đạt hiệu quả.

Năm 2012, toàn HTX lãi trên 4 tỷ đồng, hiện tại bà con rất lạc quan nhờ thành công từ bước đầu và sẽ tiếp tục áp dụng mô hình nuôi ghép này trong những vụ nuôi tiếp theo”, ông Tuối nói.

Về kỹ thuật mô hình này, ông Tuối cho biết thêm: “Thực hiện mô hình này không khác mấy so với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trước đây, như cải tạo ao, xử lý nước, con giống... chỉ có khác là thả cá rô phi đơn tính trong ao nuôi và cả ao lắng.

Còn mô hình tôi áp dụng là xử lý nước và diệt tạp bằng hóa chất CCCA của Công ty hóa chất Cần Thơ, sau 15 ngày diệt tạp rồi thả cá rô phi đơn tính, mật độ từ 15 - 18 con/1.000 m2, sau 1 tuần mới thả con tôm giống. Mô hình nuôi tôm thẻ (cả tôm sú) ghép với cá rô phi cho thấy rất hiệu quả, tiết kiệm được chi phí, tôm ít dịch bệnh và có thể nuôi theo kiểu tuần hoàn nước khép kín”.

Thành công từ những hộ thí điểm lại mở ra hướng đi mới cho người nuôi tôm không chỉ riêng Sóc Trăng mà còn với nhiều địa phương khác có thế mạnh về con tôm.

Tuy còn phải đánh giá hiệu quả qua nhiều vụ nuôi, nhưng trước mắt mô hình này đã góp phần cải thiện môi trường, mà đây là vấn đề hết sức quan trọng trong nghề nuôi tôm. Rõ ràng, cá rô phi là người bạn rất hữu ích đối với người nuôi tôm, nên trong quá trình nuôi, đừng bao giờ quên người bạn tốt.


Có thể bạn quan tâm

vung-tau-ung-dung-cong-nghe-biofloc-trong-nuoi-tom-the-chan-trang Vũng Tàu Ứng Dụng Công… cach-quan-ly-tom-nuoi-trong-giai-doan-moi-tha Cách Quản Lý Tôm Nuôi…