Tin thủy sản Mô hình nuôi tôm Việt - Úc siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận

Mô hình nuôi tôm Việt - Úc siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận

Tác giả PV, ngày đăng 24/08/2019

Để thực hiện mục tiêu đạt 10 tỉ USD kim ngạch XK tôm mà Thủ tướng giao đến năm 2025, chuyện hạ giá thành nuôi trong chuỗi tôm Việt là việc khẩn cấp, bên cạnh đầu tư công nghệ nuôi, chất lượng tôm nuôi.

Lãnh đạo Tập đoàn Việt – Úc tham quan và kiểm tra kết quả nuôi của hộ dân.

Theo nghiên cứu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN- PTNT), chi phí nuôi tôm ở nước ta còn cao hơn một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, do nhiều yếu tố như tôm giống, thức ăn qua nhiều khâu trung gian làm tăng 20-30% so giá gốc, tỷ lệ ao nuôi trúng chưa cao.

Vinh danh hộ nuôi tôm triển khai mô hình nuôi chi phí thấp, hiệu quả cao.

Do đó việc tìm kiếm các giải pháp giúp tiết kiệm chi phí trong nuôi tôm cùng với ứng dụng các công nghệ vượt trội trong nuôi trồng, giúp mang lại hiệu quả cao, được xem cách  là tiếp cận khả thi giúp người nuôi tôm vượt qua các giai đoạn khó khăn khi mà giá tôm đang có chiều hướng giảm mạnh.  

Việt – Úc đi tiên phong

Hiện nay, Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư và nghiên cứu các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao như nuôi tôm siêu thâm trong nhà kính hay mô hình nuôi nhà màng bong bóng. Để phù hợp với điều kiện, chi phí đầu tư của các hộ dân, Tập đoàn cũng đã nghiên cứu mô hình nuôi giúp giảm chi phí tối đa và nâng cao lợi nhuận với tên gọi: Mô hình nuôi tôm Việt – Úc: Siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận.

Để mô hình nuôi này triển khai thành công, ngoài việc phải thả tôm giống từ nguồn có chất lượng cao, công trình ương nuôi giai đoạn vèo cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để nâng cao tỉ lệ sống sau 25- 35 ngày thả nuôi.

Tuỳ theo kích thước ao nuôi mà chúng ta thiết kế ao vèo hợp lý. Ao vèo có thể thả mật độ từ 1.500 đến 2.000 Pl12/m2 tuỳ theo điều kiện bố trí dàn bông mai sục khí đáy. Mực nước nên dao động từ 60 – 80 cm và phải có 1 dàn quạt để gom phân và thức ăn thừa xả thải 2 lần trong ngày.

Việc bố trí ao vèo từ các ao vuông bo góc hoặc các ao khung bạt tròn sẽ hỗ trợ việc gom phân hay thức ăn thừa tốt hơn, tuỳ theo hiệu quả của việc si- phông giữa ao sẽ giúp kéo dài sức tải ao nuôi, kéo dài được giai đoạn ương vèo mà không ảnh hưởng đến tốt độ tăng trưởng tôm nuôi.

Ao ương vèo phải được phủ lưới lan để hạn chế ánh sáng cường độ cao chiếu trực tiếp đến ao nuôi làm tăng nguy cơ tảo phát triển ở mật độ cao, khi lượng dinh dưỡng do ương nuôi ở mật độ cao tăng, tảo sẽ có nguy cơ nở hoa và tàn trong hệ thống ao nuôi. Đây là một nguyên nhân gây thiếu oxy do nhu cầu oxy hoá lượng tảo tàn và cũng làm phát sinh độc tố Ammonia khá nhanh.

Ngoài ra, việc rào lưới xung quanh ao cũng hạn chế các rủi ro về mặt an toàn sinh học khi không có chim, cò, cua, còng, chuột, rắn… có thể xâm nhập vào ao ương.

Sử dụng Chlorine (Calcium Hypochlorite 70%) với liều lượng 5 – 10 ppm (5 – 10kg/1000m3) tuỳ thuộc vào giá trị pH của nguồn nước (pH càng nhỏ sẽ xử lý ở liều thấp hơn). Nước sau khi xử lý khoảng 20 giờ có thể được cấp vào ao nuôi. Nếu có hệ thống đèn UV xử lý trước khi cấp vào ao nuôi sẽ cho kết quả tốt hơn nếu thời gian sử dụng sau khi xử lý Chlorine bị kéo dài. Nước trước khi cấp vào ao dèo nên qua túi lọc < 10 micron sẽ an toàn (có thể chia ra nhiều túi khi cấp nước với lưu lượng cao).

Trong giai đoạn vèo, chỉ si- phông ngày 2 lần, chỉ cấp nước bù cho lượng nước mất đi do si- phông, chỉ sử dụng vi sinh và men tiêu hoá và thức ăn và không sử dụng bất kỳ khoáng, hoá chất, mật đường… trong suốt quá trình nuôi.

Việc quản lý thức ăn, vận hành hệ thống sục khí, quạt nước để đảm bảo thức ăn được phân bố đều, tôm bắt mồi tốt nhưng đáy ao vẫn sạch sau mỗi lầ si- phông được xem là yếu tố thành công của giai đoạn này. Tỉ lệ sống giai đoạn này dao động từ 85 – 95% tuỳ thuộc vào kinh nghiệm quản lý, chất lượng nguồn giống hay nguồn nước của vùng nuôi.

Tôm sau khi vèo sẽ được thuần nước với ao nuôi và chuyển sang ao nuôi khi nhiệt độ nước hai ao không chênh lệch quá 0,5oC. Việc kéo và chuyển ao nên tiến hành vào ban đêm để giảm sốc về nhiệt độ hay ánh sáng gây ra.

Trong quá trình nuôi, ngoài việc kiểm soát tốt lượng thức ăn thông qua sàn ăn hay si- phông từ 3 – 4 lần/ngày mà không cần bổ sung bất kỳ khoáng hay hoá chất gì để gia tăng giá thành không cần thiết. Chỉ cần bổ sung men tiêu hoá vào thức ăn để kích thích tôm ăn tốt, bảo vệ hệ thống gan tuỵ hay đường ruột tôm nuôi.

Trong quá trình nuôi, có thể sử dụng oxy già với liều lượng từ 1,5 - 2,5 ppm (1,5 – 2,5 lít/1000 m3) để khống chế tảo lam phát triển khi có mầm trong ao nuôi. Ngoài ra, khi tôm lột vỏ nhiều ở giai đoạn > 10 gram sẽ làm suy giảm độ kiềm thì nên bổ sung bicarbonat để đảm bảo độ kiềm trong suốt vụ nuôi không thấp hơn 110 mg/l cho dù độ mặn ao nuôi bị giảm thấp.

Tôm thu hoạch từ Công ty Sao Đại Dương có kích cỡ 22 con/kg (con giống Việt – Úc).

Một ưu điểm nổi bật của mô hình này đó chính là việc không cần thiết che lưới lan, không cần vệ sinh bạt mỗi ngày, giảm nhân công lao động, giảm việc sử dụng khoáng hay hoá chất không cần thiết, giảm lượng nước thay, từ đó giảm chi phí nuôi đáng kể. Điều này góp phần tăng lợi nhuận cho đầu ra, con tôm trong tình hình giá tôm thu mua vào các nhà máy chế biến đang giảm đáng kể thì đây được xem là 1 giải pháp hữu hiệu cho bà con nuôi tôm.  

Hiệu quả rõ rệt

Từ những thành công bước đầu của năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Việt – Úc đã triển khai mô hình này cho hơn 17 hộ tại khu vực ĐBSCL.

Trong đó, 7 ao đã cho kết quả tương đối tốt, điển hình có hộ của anh Nguyễn Minh Thắng triển khai mô hình nuôi tại Đầm Dơi với kích cỡ tôm thu được 37 con/kg, doanh thu 1,2 tỷ đồng, chi phí tổng 650 triệu đồng, lợi nhuận 527 triệu đồng. Đối với 10 hộ thả muộn hơn, hiện nay cũng gần đến thời điểm thu hoạch và cũng cho các thông tin tương tự như các mô hình đã nuôi.

Anh Nguyễn Minh Thắng cho hay: “Từ ngày chuyển qua mô hình nuôi do Tập đoàn Việt – Úc hỗ trợ triển khai, tôi hết sức ngạc nhiên vì cách thức triển khai mô hình rất đơn giản, dễ áp dụng, lại cho kết quả nuôi rất tốt, chi phí nuôi giảm thiểu đáng kể, lợi nhuận mang về cao hơn các mô hình khác mà tôi từng triển khai. Thành công này đến từ nhiều yếu tố như việc ứng dụng công nghệ, quy trình nuôi khoa học, con giống chất lượng tốt…”.

Tôm đầu ra đạt chuẩn xuất khẩu với việc sử dụng con giống Việt - Úc có thể truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài việc giảm chi phí, mô hình còn mang tính bền vững khi lượng nước sử dụng giảm thiểu, nước thay được tuần hoàn qua ao cá rô phi và tái sử dụng nên khắc phục được nguy cơ bị bệnh phân trắng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mô hình nuôi ngoài trời hiện nay. Trong kết quả thực tế trên, khi tổng kết có một số mô hình nuôi có tỉ lệ sống cao hơn 100% do chúng tôi luôn luôn khấu hao đi đường cho khách hàng, nếu thực hiện tốt giải pháp thuần tôm thì lượng tôm hao do thay đổi môi trường thấp sẽ có tỉ lệ sống khá cao như thực tế của rất nhiều khách hàng Việt Úc hiện nay.

Với những kết quả bước đầu đạt được, ta có thể thấy mô hình này góp phần giảm chi phí nuôi, tăng lợi nhuận, bên cạnh đó, tôm đầu ra đạt chuẩn xuất khẩu với việc sử dụng con giống Việt - Úc có thể truy xuất được nguồn gốc, quy trình nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn sinh học, mô hình nuôi còn thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, đặc biệt vào thời điểm giá tôm đang có chiều hướng thấp.

Vừa qua, với sự hợp tác và nỗ lực không ngừng của các hộ dân, Tập đoàn Việt – Úc đã vinh danh các hộ dân tiêu biểu triển khai mô hình này khá thành công tại khu vực huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tập đoàn Việt – Úc đang bắt đầu nhân rộng ở nhiều địa điểm khác. Mục tiêu mà Tập đoàn mong đợi là lan tỏa mô hình thành công, chung tay nâng cao giá trị con tôm Việt.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-tom-dao-chieu-di-len Xuất khẩu tôm đảo chiều… ho-tro-nguoi-nuoi-thuy-san-bang-thiet-bi-thong-minh Hỗ trợ người nuôi thủy…