Mô hình kinh tế Mô hình rau sạch giúp dân tái định cư phát triển kinh tế

Mô hình rau sạch giúp dân tái định cư phát triển kinh tế

Ngày đăng 26/11/2015

Trồng rau theo hướng an toàn sinh học không chỉ có lợi cho sức khỏe nông dân mà còn mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời cung cấp các loại rau, củ quả chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Tận dụng khu đất bồi lấp ven lòng hồ thủy điện sông Đà, nhiều người dân ở bản Ho Cang, xã Lay Nưa cải tạo thành đất trồng lúa.

Tuy nhiên qua nhiều năm không hiệu quả, từ năm 2013, một số hộ dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng rau màu.

Gia đình bà Lò Thị Nhín, bản Ho Cang là một trong những hộ tiên phong mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau.

Với 800m2 đất trồng đỗ, bắp cải, rau muống và các loại rau thơm cho gia đình bà thu nhập ổn định.

Bà Nhín cho biết cũng chính khu đất này, từ khi chuyển đổi sang trồng rau thu nhập tăng gấp 10 lần so với trồng lúa.

Vào vụ mùa thu hoạch như hiện nay, rau mang lại nguồn thu ổn định 200.000 đồng/ngày.

Thu nhập từ trồng rau đã giúp cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt.

Từ thành công của một số hộ dân vào năm 2013, đến nay bản Ho Cang có 20 hộ chuyển đổi hẳn đất trồng lúa sang trồng rau màu.

Với thu nhập từ 150.000-300. 000 đồng/ngày nhờ bán rau, nhiều gia đình đã thoát nghèo.

Ông Lò Văn Trường, Trưởng bản Ho Cang, xã Lay Nưa, cho biết từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, nhiều gia đình trong bản đã mở rộng diện tích trồng rau lên hàng nghìn mét vuông, mỗi năm cung cấp hàng chục tấn rau xanh.

Các giống rau đã được chuyển đổi trồng phù hợp với từng mùa vụ do đó không chỉ cho năng suất cao mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh việc chuyển đổi hẳn đất trồng lúa sang trồng rau, nhiều hộ vẫn duy trì trồng lúa và rau màu theo thời vụ.

Vụ rau bắt đầu từ tháng Bảy đến tháng Hai năm sau, khoảng thời gian còn trống, người dân vẫn có thể trồng lúa.

Hai năm qua, gia đình chị Lò Thị Ngoan (bản Ho Cang, xã Lay Nưa) đưa rau xanh vào trồng trên đất hai vụ lúa.

Từ trồng cải thìa, cải ngồng, dưa chuột và các loại rau thơm, với 200m2 trồng rau xanh, mỗi ngày chị thu được hơn 100.000 đồng.

Tham gia mô hình rau an toàn các hộ dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, luân canh các loại rau màu.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí giống, vật tư.

Kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013.

Ủy ban Nhân dân xã đã cử hai cán bộ khuyến nông xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thị xã theo dõi và hướng dẫn thực hiện mô hình.

Kết quả các loại rau phát triển khá tốt, đối với các loại rau ngắn ngày như cải xanh ngọt, cải bẹ...

năng suất đạt 1.000kg/1000m2 , bắp cải 2. 500kg/1000m2, súp lơ 1. 500kg/1000m2.

Ông Khoàng Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, cho biết hiện xã duy trì ổn định gần 7ha trồng rau xanh an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn VietGap, tập trung chủ yếu lại khu vực bản Đớ và bản Ho Cang.

Trong quá trình sản xuất, các gia đình hoàn toàn không phun bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào thay vào đó là các loại phân chuồng ủ hoai mục và phân hữu cơ vi sinh.

Trên cùng một đơn vị diện tích, trồng rau theo hướng an toàn sinh học cho năng suất, lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với canh tác theo phương thức truyền thống lại không tác động xấu đến môi trường.

Phát triển sản xuất rau theo hướng an toàn sinh học đang mang lại hiệu quả cao cho người dân trong việc phát triển kinh tế nhưng đây vẫn là số ít trong những mô hình mang lại thành công cho người dân tái định cư ở thị xã Mường Lay.

Chính quyền thị xã dù đã chuyển đổi cơ cấu nghề, dạy nghề cho người dân trong vùng tái định cư nhưng đến nay chưa có nhiều mô hình thực sự mang lại hiệu quả.

Theo người dân thứ quan trọng nhất là đất sản xuất lại rất thiếu bởi vậy dù có dạy nhiều nghề thì cũng khó áp dụng vào thực tế.

Ông Mào Văn Đợi, Trưởng bản Chi Luông 1, phường Na Lay, cho biết chính quyền phân cho mỗi hộ 300m2 đất chỉ đủ làm nhà, không còn diện tích chăn nuôi lợn gà hay trồng đậu tương như được dạy nghề.

Thị xã Mường Lay đang đẩy nhanh tiến độ các công trình tái định cư nên thanh niên trong bản đi làm thuê để có thu nhập.

Đến khi các công trình hoàn thiện thì người dân không có việc làm, lại đói khổ thôi.

Đến mô hình tận dụng lợi thế của thị xã là lòng hồ thủy điện sông Đà để phát triển kinh tế cũng không thực sự hiệu quả.

Tiêu biểu như Dự án mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà ở thị xã Mường Lay triển khai từ năm 2013-2014 thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nguồn vốn thực hiện mô hình được Chính phủ Đan Mạch tài trợ, vốn từ chương trình nông thôn mới và vốn của Sở Khoa học và Công nghệ với kinh phí gần 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên khi dự án kết thúc cũng là lúc đa số người tham gia dự án nói lời “chia tay” với mô hình vì kém hiệu quả.

Nguyên nhân là do chi phí làm lồng cá quá cao, việc nuôi cá lồng chủ yếu là cá rô phi đơn tính, trong khi loại cá này cho giá trị thương phẩm không cao, thị trường tiêu thụ khó.

Theo chủ trương của Nhà nước, khi thực hiện tái định cư cho người dân thì nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Điều này đã được thể hiện ở các tiêu chí như nhà ở, đường giao thông, chợ, trường học-trạm xá,… Tuy nhiên cuộc sống của người dân vẫn rất khó khăn vì không có đất sản xuất, không có việc làm để có thu nhập.

Bởi vậy, nếu không có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho người dân phát triển thì dù có dự án này, mô hình kia cũng khó có thể phát huy hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

tien-giang-dat-kim-ngach-xuat-khau-hang-hoa-tren-1-6-ty-usd Tiền Giang đạt kim ngạch… viet-nam-se-vao-top-10-nha-xuat-khau-lon-the-gioi-vao-nam-2050 Việt Nam sẽ vào tốp…