Mô hình kinh tế Mô Hình Trình Diễn Nuôi Tôm Công Nghiệp Bước Đầu Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô Hình Trình Diễn Nuôi Tôm Công Nghiệp Bước Đầu Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Ngày đăng 27/08/2013

Mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) được Chi cục Thủy sản Ninh Bình phối hợp với UBND xã Kim Đông triển khai, thu hút 6 hộ dân tham gia với tổng diện tích 4 ha (trong đó 2 ha tôm sú, 2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng).

Mô hình được triển khai từ tháng 4, đến nay bước đầu đã cho thu hoạch; lợi nhuận đem lại cao hơn các năm trước từ 1,5-2 lần.

Kim Đông là một xã bãi ngang ven biển, thuộc vùng kinh tế mới của huyện Kim Sơn có diện tích tự nhiên là 652,6 ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản là 431 ha, có lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ.

Trong những năm vừa qua, việc nuôi trồng thủy sản ở địa phương chưa phát huy hết khả năng, thế mạnh của xã ven biển: năng suất, sản lượng còn thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo phương thức tự phát; quy hoạch vùng chưa được đầu tư đúng mức; các dự án chuyển giao khoa học công nghệ, mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao còn ít…

Ông Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Xuất phát từ thực tế trên, xã Kim Đông đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quy hoạch phát triển sản xuất, nhất là quy hoạch các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp tập trung ở những nơi có điều kiện để mở rộng diện tích.

Triển khai thực hiện một số dự án, mô hình sản xuất thí điểm về nuôi tôm công nghiệp, tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người nuôi tôm; tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của địa phương; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát được dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm; gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với người nuôi tôm trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết “bốn nhà”, để giải quyết đầu ra ổn định cho người nông dân.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và huyện, Chi cục Thủy sản đã triển khai thực hiện 6 mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở 6 đội sản xuất. Tổng diện tích thực hiện mô hình là 4 ha, trong đó có 4 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (diện tích mỗi hộ là 0,5 ha), còn lại 2 hộ nuôi tôm sú.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ của xã khảo sát tình hình, chọn địa điểm nuôi nằm trong vùng quy hoạch có đường giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm thủy sản; có hệ thống điện, kênh thoát nước phù hợp cho việc thực hiện sản xuất và chọn các hộ nuôi tham gia dự án.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân có ý thức tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống của từng vùng, chọn lựa con giống tốt, chất lượng, tuân thủ việc phòng ngừa và xử lý mầm bệnh trên tôm giống trước khi thả nuôi, thực hiện tốt quy trình cải tạo ao đầm, chăm sóc và quản lý đúng quy trình kỹ thuật, nên có thể nói đến thời điểm này tình hình tôm nuôi trong các hộ phát triển khá tốt.

Hiện nay đã có 4 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu hoạch đạt 60 - 70% (đạt sản lượng gần 6 tấn); các hộ nuôi tôm sú đã và đang cho thu hoạch. Anh Phạm Văn Thảo ở xóm 5, xã Kim Đông cho biết: Tham gia thực hiện mô hình, gia đình tôi nuôi 0,5 ha tôm thẻ chân trắng.

Để có được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm, ngoài áp dụng quy trình kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật thủy sản tỉnh hướng dẫn từ công đoạn cải tạo ao, gây mầu nước cho ao, chọn giống, thả giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi…, tôi còn tìm tòi đọc sách báo, nghe đài, tham quan học hỏi kỹ thuật nuôi ở các địa phương khác, thường xuyên kiểm tra theo dõi ngoài đầm xem tôm có bị dịch bệnh không, các quy trình xử lý nước đã đúng và phù hợp chưa, thường xuyên quan sát sự phát triển của tôm nếu có hiện tượng dịch bệnh phải xử lý ngay.

Do đó, ngoài 0,5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thực hiện theo mô hình, gia đình anh Thảo còn có 2 sào nuôi thả tôm theo hướng công nghiệp. Vụ nuôi thả vụ 1 năm nay, gia đình anh thu được 6 tấn tôm thẻ chân trắng; gần 3 tấn tôm sú, trừ chi phí đi thu trên 100 triệu đồng/vụ. Từ mô hình nuôi tôm, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trẻ, có thu nhập ổn định.

Theo đánh giá bước đầu, mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp đã đạt được hiệu quả kinh tế cao: Sản lượng tôm sú đạt trung bình gần 5 tấn (năng suất hơn 2 tấn/ha); sản lượng tôm thẻ chân trắng thu được 10,2 tấn (năng suất đạt trên 5 tấn/ha). Tổng thu nhập từ dự án sau khi đã trừ chi phí đạt 719.600.000 đồng.

Đây là mô hình mới đem lại thành công, khẳng định hướng đi đúng trong việc xác định đối tượng nuôi và hình thức nuôi tôm phù hợp tại địa phương, là cơ sở thực tiễn khẳng định hiệu quả việc phát huy tiềm năng đất đai mặt nước, tăng thu nhập cho hộ gia đình, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-long-o-ia-hdreh-gia-lai Nuôi Cá Lồng Ở Ia… day-manh-kinh-te-hop-tac-xa Đẩy Mạnh Kinh Tế Hợp…