Mô hình kinh tế Mô Hình Trồng Cây Sa Nhân

Mô Hình Trồng Cây Sa Nhân

Ngày đăng 10/12/2011

Sau gần 2 năm trồng, khoanh nuôi, sa nhân tím ở vùng cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) đều ra hoa, đậu quả sớm hơn mong đợi và sớm hơn một số nơi khác.

KẾT QUẢ NGOÀI MONG ĐỢI

Dự án Phát triển mô hình trồng cây sa nhân tím phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) do Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên thực hiện được triển khai từ giữa năm 2008 với 3 mô hình: trồng sa nhân tím dưới tán rừng trồng, dưới tán rừng tự nhiên thứ sinh nghèo kiệt và khoanh nuôi phục hồi sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên thứ sinh nghèo kiệt.

Ông Đặng Văn Quang ở xã Sơn Xuân là một trong những người tham gia trồng sa nhân tím ở Vân Hòa. Với 1ha sa nhân tím dưới tán rừng keo, 2ha khoanh nuôi tái sinh dưới tán rừng tự nhiên từ tháng 6/2008, ông Quang được dự án cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn việc trồng và chăm sóc. Năng suất quả khô sa nhân tím năm 2010 là 285kg/ha, doanh thu gần 57 triệu đồng/ha. Ông Quang nói: “Đây là kết quả ngoài mong đợi của chúng tôi, vì từ trước tới nay tại cao nguyên Vân Hòa chưa khi nào sa nhân ra hoa sớm và đạt năng suất cao như vậy. Lâu nay chúng tôi chỉ trồng sa nhân theo kiểu chờ tới mùa vụ thu hoạch chứ không có biện pháp kỹ thuật nào can thiệp. Tham gia dự án, tôi nhận thấy, nếu có biện pháp kỹ thuật như tỉa thưa, đảm bảo mật độ, bón phân cân đối hợp lý thì cây sa nhân phát triển tốt”.

Dự án này mở ra một hướng đi mới đối với người nông dân, dựa trên nền tảng bảo vệ rừng tự nhiên, đồng thời cho thu nhập cao nhờ cây sa nhân tím. Thạc sĩ Trần Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho biết: “Sa nhân tím ở 3 mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt trên 96%, năng suất khô bình quân đạt từ 18-46kg/ha/vụ”. Tính ra, mỗi hộ trồng rừng keo hoặc nhận khoán bảo vệ rừng thứ sinh nghèo kiệt kết hợp trồng sa nhân tím dưới tán rừng sau khi trừ chi phí sẽ lãi ròng từ 2,2-2,4 triệu đồng/ha/năm; nếu không tính công lao động thì lãi ròng đạt từ 5,2-5,7 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Nguyễn Thành Thu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Với lãi ròng như vậy, nguồn thu nhập đối với người dân miền núi là tương đối khá. Mặt khác, nó còn góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đây là hoạt động quan trọng của các cộng đồng được nhà nước giao rừng tự nhiên cho quản lý bảo vệ rừng, vì phần lớn rừng được giao là rừng nghèo”.

Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho rằng: “Dự án trồng sa nhân tím có ý nghĩa về mặt kinh tế và xã hội, tăng thu nhập phụ của nông dân. 3 xã phía bắc của huyện hàng năm phát triển rừng trồng khoảng 200ha, nhà nước khoán dân bảo vệ rừng thì sản phẩm rừng nhà nước thu nhưng sản phẩm phụ dân thu. Do vậy, mô hình này rất phù hợp với yêu cầu thực tế”.

CẦN NHÂN RỘNG

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ) cho biết: “Các mô hình trồng sa nhân tím ở Vân Hòa đã cho kết quả sớm hơn mong đợi và sớm hơn một số nơi khác. Điều kiện sinh thái ở đây đảm bảo cho sa nhân tím sinh trưởng và phát triển tốt, thuận tiện cho việc nhân rộng các mô hình để phát triển thành vùng sản xuất sa nhân nguyên liệu tập trung, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”. Việc phát triển, nhân rộng trồng sa nhân tím ở cao nguyên Vân Hòa còn có nhiều điều kiện thuận lợi như hệ thống giao thông nối liền tất cả các xã trong huyện và có thể đến được các thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh. Tiềm năng đất đai ở đây phong phú và đa dạng, thích hợp với nhiều loại cây trồng là nền tảng để trồng xen sa nhân tím. Bà Huỳnh Thị Hoa ở xã Sơn Long nói: “Hiện có rất nhiều hộ muốn được tham gia nhân rộng mô hình trồng sa nhân tím. Vì vậy, nếu dự án có chủ trương nhân rộng thì sớm phổ biến cho nhân dân đăng ký”.

Tiến sĩ Dương Viết Tình (Trường Đại học Nông lâm Huế) cho rằng: “Để nhân rộng các mô hình phát triển sa nhân tím trên địa bàn huyện Sơn Hòa và vùng cao nguyên Vân Hòa trở thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với trình độ sản xuất cao hơn, đảm bảo bền vững về kinh tế và môi trường, cần tập trung phát triển sa nhân tím ra diện rộng ở vùng cao nguyên Vân Hòa, với quy mô đến năm 2015 đạt khoảng 200ha”. Theo các nhà khoa học, đơn vị chức năng cần khuyến khích người trồng sử dụng giống giâm hom, đồng thời chuyển giao kỹ thuật giâm hom cho hộ dân để họ chủ động giống, giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, cần đầu tư nghiên cứu kỹ thuật thu hái, chế biến, bảo quản cho hộ dân để hoàn thiện quy trình kỹ thuật toàn diện. Tỉnh, huyện cần rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp, nông thôn, miền núi. Trong đó, chú trọng chính sách bảo vệ, phát triển cây sa nhân tím ở vùng cao nguyên Vân Hòa như: chính sách tín dụng, KH-CN, thị trường, đăng ký thương hiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm... Thực hiện tốt việc liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp để cùng nhau có những giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển sa nhân trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, ổn định sản xuất.

Theo thạc sĩ Trần Minh Châu, việc nhân rộng sắp tới là có phần trách nhiệm và phối hợp của các ngành với nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong thời gian vừa triển khai nhân rộng mô hình, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống sa nhân tím bằng phương pháp giâm hom để giúp hộ dân chủ động về giống, hạ thấp giá thành đầu tư, chuyển giao kỹ thuật sơ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, giúp hộ dân chủ động sơ chế sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

doc-dao-trai-cay-ngay-tet Độc Đáo Trái Cây Ngày… trong-sa-nhan-tim-dat-hieu-qua-cao Trồng Sa Nhân Tím Đạt…