Tin thủy sản Mở hướng cho tôm sinh thái

Mở hướng cho tôm sinh thái

Tác giả Chí Hiểu, ngày đăng 12/07/2017

“Hiện nay, huyện Ngọc Hiển đang hoàn thiện đề án về nuôi tôm sinh thái. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 18.810 ha nuôi tôm sinh thái được quốc tế chứng nhận. Đây là mục tiêu quan trọng để Ngọc Hiển nâng cao năng suất, chất lượng thuỷ sản”, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến thông tin.

Ông Nguyễn Văn Nhuần, xã Đất Mũi thu hoạch tôm sinh thái.

Cũng theo ông Tiến, để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển mô hình. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Ngọc Hiển sẽ đầu tư nguồn vốn nuôi tôm sinh thái là 57 tỷ đồng (trong đó vốn của Nhà nước 17 tỷ đồng, số còn lại là vốn doanh nghiệp). Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác tập huấn khoa học - kỹ thuật, xây dựng 40 trại giống ở địa phương được chứng nhận sản xuất giống sạch bệnh, chất lượng. Đây có thể là một trong những giải pháp để Ngọc Hiển phấn đấu trở thành trung tâm của tỉnh về cung cấp tôm nguyên liệu xuất khẩu lớn nhất tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 3.800 hộ dân được chứng nhận quốc tế nuôi tôm sinh thái, tập trung chủ yếu các xã: Viên An Đông, Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc, với diện tích khoảng 8.000 ha. Đã qua, diện tích nuôi tôm sinh thái mang lại hiệu quả tương đối cao. Năng suất bình quân hiện đạt từ 200-220 kg/ha/năm, tăng từ 30-40 kg so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống. Đặc biệt, nuôi tôm sinh thái phải tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường nước nuôi tôm, phải đảm bảo 50% diện tích rừng che phủ.

Theo ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân, việc nuôi tôm sinh thái không sử dụng thức ăn, chỉ sử dụng men vi sinh để cải tạo môi trường nước nuôi tôm, giúp tôm lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi. Đặc biệt, tôm nuôi theo hình thức sinh thái lớn nhanh hơn so với nuôi thông thường, thời gian nuôi được rút ngắn từ 15-20 ngày.

Ông Nguyễn Văn Phước, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông, là người có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi tôm theo cách truyền thống, nhưng nhiều lần tôm thất, thu nhập lại thấp, gia đình ông phải đứng trước muôn vàn khó khăn.

Với bản tính siêng năng, cần cù của người nông dân, ông Phước đã tìm cho gia đình bài toán kinh tế mới cũng từ con tôm: nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn. Gia đình ông Phước có diện tích vuông tôm 6 ha, với 50% trồng rừng và 50% mặt nước nuôi tôm.

Qua thời gian rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi sinh thái nên năng suất, sản lượng tôm nuôi của gia đình ông Phước luôn đạt gấp đôi so với cách nuôi truyền thống, chỉ sau 4 tháng nuôi, tôm lớn nhanh đạt trọng lượng từ 18-20 con/kg có giá từ 300.000 đồng/kg trở lên.

Ông Phước cho biết: “Trước đây nuôi tôm rừng đạt hiệu quả, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhưng những năm gần đây, môi trường nước nuôi tôm bị ô nhiễm nên năng suất nuôi tôm truyền thống giảm xuống, có lúc thất trắng. Từ khi chuyển sang nuôi sinh thái lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với nuôi truyền thống. Đặc biệt, khi tôm được chứng nhận sinh thái giá cũng cao hơn so với tôm thường. Hiện nay, Công ty Quốc Việt đã đến từng hộ dân nuôi sinh thái thu mua, với giá cao hơn từ 20.000-25.000 đồng/kg”.

Cũng là người áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, ông Lê Văn Thông, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông, với hơn 3 năm nuôi tôm sinh thái, đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Trong đó, khâu lựa chọn con giống được ông đặc biệt quan tâm, giống tôm phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn sinh thái nhằm hạn chế tình trạng hao hụt. Với diện tích trên 5 ha, ông Thông thả giống với mật độ thích hợp từ 2-3 con/m2 giúp tôm lớn nhanh, đạt năng suất cao.

Theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, tôm nuôi theo hình thức sinh thái được thả nuôi tỷ lệ từ 3-5 con/m2. Quá trình nuôi sinh thái con tôm lớn lên trong thiên nhiên, sống với bản năng tự nhiên nên có nhiều đặc điểm giống y như tôm trong thiên nhiên. Nhưng để được quốc tế chứng nhận tôm sinh thái, đòi hỏi môi trường và con giống phải đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, không ô nhiễm. Thực tế sau 2 năm áp dụng mô hình nuôi sinh thái, qua khảo sát diện tích nuôi sinh thái ít bị dịch bệnh, năng suất mỗi năm đạt trên 200 kg/ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có hơn 1.000 ha tôm nuôi bị dịch bệnh, tập trung chủ yếu nuôi tôm truyền thống, tôm công nghiệp.

Theo ông Lý Hoàng Tiến: “Trong quá trình nuôi tôm sinh thái, hộ dân được tập huấn về sự hài hoà giữa môi trường thiên nhiên nên nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sản xuất của hộ dân. Rừng lớn lên còn mang lại lợi ích khi đến kỳ khai thác. Tới đây chủ trương của huyện sẽ thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất về nuôi tôm sinh thái; tiếp tục liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm tôm sinh thái cho bà con nông dân. Phấn đấu đến năm 2020, Ngọc Hiển có 100% hộ dân nuôi tôm sinh thái. Huyện sẽ khơi dậy tiềm năng, lợi thế để khẳng định thế mạnh của địa phương”./.


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-phong-tri-benh-tren-tom-nuoi Giải pháp phòng trị bệnh… my-kiem-tra-nghiem-ngat-100-lo-ca-tra-tu-viet-nam Mỹ kiểm tra nghiêm ngặt…