Mô hình kinh tế Mở Toang Cửa Cho Tàu Vỏ Thép

Mở Toang Cửa Cho Tàu Vỏ Thép

Ngày đăng 26/06/2014

Dự thảo Nghị định phát triển thủy sản với những chính sách hỗ trợ từ ngân sách cao nhất, toàn diện và cụ thể nhất từ trước đến nay dành cho bà con ngư dân vừa được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ sau một thời gian xây dựng và lấy ý kiến. Dường như mọi cánh cửa đang mở toang cho tàu vỏ thép.

Dự thảo nghị định lần này là Nhà nước rất khuyến khích hỗ trợ cho bà con ngư dân sử dụng tàu vỏ thép kiên cố thay thế cho tàu vỏ gỗ. Ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ cấp tiền sửa chữa định kỳ 1% giá trị đầu tư ban đầu cho mỗi lần sửa chữa. Về mẫu tàu, sẽ có khoảng 60-70 mẫu tàu để các chủ tàu có thể chủ động lựa chọn. Các tàu dịch vụ sẽ được hỗ trợ mua xăng dầu theo giá của đất liền.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất một chính sách hết sức ưu đãi về lãi suất, đối với tàu vỏ thép đóng mới phục vụ dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM) tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm; chủ tàu trả 1%/năm, NSNN cấp bù cho NHTM 4%/năm. Trường hợp tàu vỏ gỗ đóng mới, chủ tàu được vay vốn tối đa 85% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, NSNN cấp bù cho NHTM 3%/năm.

Đối với tàu vỏ thép đóng mới đánh bắt xa bờ, chủ tàu được vay vốn tối đa 90% tổng giá trị đầu tư (bao gồm cả ngư cụ) với lãi suất 5% (chủ tàu trả 2%/năm, NSNN cấp bù 3%/năm). Riêng đối với tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn 95% (chủ tàu trả 1%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm). Còn đóng tàu vỏ gỗ, chủ tàu được hỗ trợ vay vốn tối đa 70%, lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 2%/năm.

Riêng việc nâng cấp, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới đối với tàu vỏ gỗ hiện có, chủ tàu được vay tối đa 85%, lãi suất 5%/năm (chủ tàu trả 2%/năm, NSNN cấp bù 3%/năm). Thời hạn cho vay tối đa 11 năm, trong đó có 1 năm ân hạn. Chủ tàu được sử dụng tàu đóng mới, tàu gia cố bọc thép, bọc vỏ vật liệu mới từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay...

Ngư dân được vay vốn lưu động trước khi ra khơi. Cụ thể, chủ tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ được vay tối đa 70% giá trị hàng hóa cung cấp dịch vụ hậu cần hoặc hàng hóa phục vụ khai thác thủy sản mỗi chuyến biển, với lãi suất 7%/năm, ngư dân không còn cảnh đi vay "nóng" hoặc thế chấp bằng tài sản đánh bắt được như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm (BH) thân tàu, ngư lưới cụ, BH thuyền viên; chính sách ưu đãi thuế; hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, chi phí vận chuyển hàng hóa xa bờ... Chính phủ sẽ hỗ trợ hằng năm 70% kinh phí mua BH thân tàu; 100% kinh phí mua BH kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu khai thác xa bờ...

Hiện nay có hơn 120.000 chiếc, nhưng hầu hết là tàu vỏ gỗ, trong đó có đến 70% là tàu công suất nhỏ, dự kiến nghị định này khi được chính thức phê duyệt sẽ khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá vỏ thép, tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện cho bà con vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.


Có thể bạn quan tâm

gia-ca-ngu-van-tang-250-usd-tan Giá Cá Ngừ Vằn Tăng… xuat-khau-nong-lam-thuy-san-dat-14-6-ty-usd Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy…