Mô hình kinh tế Món quà tư duy làm giàu từ người Nhật

Món quà tư duy làm giàu từ người Nhật

Ngày đăng 05/11/2015

Ngày 31.10 vừa qua, chủ nhân của 25 tàu cá Bình Định nhận được những món quà quý là công nghệ và ngư cụ đánh bắt cá ngừ đại dương được sản xuất từ Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự sự kiện này và coi đây là cơ hội để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đánh bắt của ngư dân, tăng cơ hội để sản phẩm đánh bắt của ngư dân Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản và thế giới.

Làm cá ngất qua hệ thống dây câu 

Là một trong 25 chủ tàu cá may mắn được trang bị ngư cụ Nhật, ông Nguyễn Văn Việt (chủ tàu cá BĐ- 97244) cùng các thuyền viên đang sẵn sàng cho chuyến đánh bắt bằng công nghệ mới.

Ông Việt cho biết: “Cũng như các chủ tàu cá khác, tôi được người Nhật tặng nhiều thiết bị dùng trong việc câu cá ngừ đại dương, như dây câu, máy kéo câu, bộ Socker, dụng cụ để mổ cá, 2 cần câu, 100 mồi giả bằng mực nhựa phát quang, lưỡi câu… Người Nhật cũng tặng tôi đồ bảo hộ lao động trên biển.

Những thiết bị và dụng cụ này nếu mua ngoài thị trường phải trên 200 triệu đồng”.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 2 từ trái sang) xem ngư cụ đánh bắt cá ngừ đại dương của Nhật Bản lắp trên tàu cá Việt Nam.

Ông Việt nói rõ hơn, tại thị trường Việt Nam, chỉ tính riêng bộ Socker đã có giá 30 triệu đồng dù không chất lượng bằng bộ Socker của người Nhật (gọn nhẹ và đa chức năng hơn).

“Bộ Socker của Nhật có 2 tính năng làm ngất con cá khi cá đang ăn và có khả năng kết nối với dàn dây câu điện dưới độ sâu 50m.

Ở trên tàu, ngư dân có thể bấm điện làm cá bị ngất, không giẫy.

Đây là ngư cụ hiện đại rất cần thiết cho anh em ngư dân câu cá ngừ đại dương”- ông Việt nói.

Cách bảo quản, xử lý cá ngừ đại dương theo quy trình được hướng dẫn bởi người Nhật cũng không quá khó.

Sau khi bắt được cá ngừ, cần nhanh chóng đưa cá lên boong và chọc tiết, chọc não, giết cá nhanh, rửa sạch rồi mới đưa vào hầm lạnh (0 độ C) để bảo quản.

Trước khi dàn ngư cụ hiện đại được tặng cho ngư dân, một số giáo sư, chuyên gia của  Trường ĐH Kagoshima (Nhật Bản) đã sang Việt Nam và trực tiếp ra biển đánh bắt cá ngừ đại dương cùng ngư dân Bình Định.

Sau chuyến đánh bắt đó (ngày 9.10), Giáo sư Keigo Ebata của ĐH Kagoshima đã khen ngợi: “Nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam không quá khác với nước Nhật.

Những ngư dân Việt Nam có tay nghề rất cao.

Họ tiếp thu nhanh, chăm chú nghe hướng dẫn, cái gì không rõ họ hỏi lại để hiểu rõ hơn...”.

Lời lãi cao hơn nhờ công nghệ mới

"Nếu ngư dân Việt Nam thay đổi thiết bị, công nghệ đánh bắt, bảo quản hiện đại theo kiểu Nhật Bản thì cá ngừ Việt Nam có thể đưa về đất liền tươi, ngon, hoàn toàn có thể thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật để ngư dân Bình Định hiện đại hóa nghề đánh bắt cá ngừ, cải thiện thu nhập”. Ông Hirosuke Kato - Đại diện Liên doanh Kato - Yamada, đơn vị cung ứng ngư lưới cụ Nhật Bản

Với bộ quà tặng này, khả năng đánh bắt trên biển của ngư dân sẽ hiệu quả hơn.

“Hiện nay, tại thị trường nước ta, giá cá ngừ đại dương dao động từ 85.000-110.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cá xuất bán qua thị trường Nhật là 450.000 đồng/kg.

Nếu chỉ bán trong nước, tàu của tôi có 7 anh em tham gia đánh bắt thì phải khai thác 2 tấn cá mới đủ chi phí cho thuyền viên.

Bây giờ nếu cá ngừ chúng tôi đánh bắt có đủ chất lượng sang Nhật thì chỉ cần khai thác bằng một nửa số đó vẫn có lãi” – ông Nguyễn Văn Việt hy vọng.

Ông Hitoshi Kato - Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai cho biết: Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nhật Bản (tháng 3.2014), để triển khai những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai đã cử chuyên gia đến Bình Định khảo sát thực tế và bước đầu hỗ trợ 5 ngư dân thí điểm cải thiện quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ.

Tháng 8.2014, chuyến cá ngừ đầu tiên của ngư dân Bình Định xuất sang Nhật Bản đã được đấu giá và sản phẩm được người tiêu dùng nước bạn đánh giá cao.

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu nhu cầu và đối tác để ký kết hợp đồng tiêu thụ cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định.

Trong đó, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định đã ký kết hợp đồng mua sản phẩm của 5 tàu cá tại Bình Định thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ theo công nghệ mới do Nhật Bản chuyển giao.

Công ty này cũng đưa 2 kỹ sư đi đào tạo chuyên sâu về kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương.

UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ 30.000.000 đồng/tàu cá nhằm giúp ngư dân nâng cấp hầm bảo quản cá ngừ đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và thế giới.

Theo ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương để nâng cao giá trị sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành thủy sản được Bộ NNPTNT phối hợp các tỉnh, thành trong nước triển khai.

“Bộ NNPTNT đã và đang triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Điều này góp phần nâng cao chất lượng của cá ngừ đại dương, cải thiện thu nhập cho ngư dân và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển” - Thứ trưởng khẳng định. 

Lâu nay, việc thương lái mua đại trà cá ngừ đại dương đã làm ngư dân chúng tôi chỉ lo chạy theo số lượng, bởi cá tốt hơn cũng chẳng cao giá hơn cá “bèo” là bao nhiêu.

Từ khi tham gia Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, tôi mới có cái nhìn kỹ hơn: Có được sản phẩm cá tốt sẽ mau giàu hơn.

Với lại, chuyến biển ngắn hơn đã giảm rất nhiều chi phí cho các tàu câu cá ngừ đại dương. 

Ngư dân Nguyễn Quê (thuyền trưởng tàu câu cá ngừ)

Qua 2 năm thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, ngư dân Bình Định đã dần thuần thục với cách khai thác mới.

Đặc biệt, chất lượng đội ngũ kiểm định cá ngừ đại dương tại địa phương đã có sự nâng cao chuyên môn rõ rệt.

Điều này sẽ thuận lợi hơn khi doanh nghiệp quyết định mua cá ngừ đại dương chất lượng tốt với giá tương ứng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. 

Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định   

Chương trình hợp tác phát triển xuất khẩu cá ngừ đại dương Bình Định đang có sự đồng thuận cao từ nhiều phía.

Vấn đề mấu chốt trong giai đoạn này là lựa chọn xây dựng cho được đội tàu thí điểm theo phương thức khai thác chuyên nghiệp do Nhật Bản chuyển giao.

Tất cả phải cùng kiên trì để hướng đi mới này thành công, góp phần nâng cao thu nhập trực tiếp cho ngư dân đánh bắt trên các vùng biển xa của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-tin-tuong-kenh-tra-cham-qua-hoi Nông dân tin tưởng kênh… hon-15-200-ho-thoat-ngheo-nho-ntm Hơn 15.200 hộ thoát nghèo…