Trồng lúa Một số biện pháp chăm sóc lúa Đông Xuân sau mưa lũ

Một số biện pháp chăm sóc lúa Đông Xuân sau mưa lũ

Tác giả Đinh Văn Toại - Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, ngày đăng 07/11/2017

Vào đầu vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017, Bình Định đã phải “gánh chịu” 5 đợt mưa to đến rất to đã gây ngập lụt sâu trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều diện tích lúa Đông Xuân mới gieo sạ bị ngập úng, sinh trưởng phát triển kém và bị một số đối tượng sinh vật gây hại nên bà con cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật tác động kịp thời để cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.

Bà con nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) tích cực chăm sóc, tỉa dặm lúa sau mưa lũ

1. Biện pháp chăm sóc lúa

- Đối với lúa chân cao sạ cưỡng, lúa chân 3 vụ trà sớm, giai đoạn đứng cái - làm đòng:

+ Chuẩn bị bón phân đón đòng, khi lúa có đòng từ 1 - 2 mm, bón 3 kg urê + 3 kg kali/sào (500 m2).

+ Trước khi lúa trỗ 1 tuần (lúa có đòng già) nếu cây lúa bị thiếu phân thì bón bổ sung 1 kg urê + 1 kg kali/sào. Ngoài ra, có thể sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng phun bổ sung khi thấy cần thiết.

- Đối với lúa ở giai đoạn đẻ nhánh (sau sạ 22 - 25 ngày): Bón 4 kg urê + 2 kg kali/sào. Lưu ý: Cần bón phân kịp thời, đầy đủ, cân đối giữa đạm, lân và kali để lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung.

- Đối với lúa mới gieo sạ đến 2-3 lá (sau sạ 10 - 14 ngày): Bón 3 kg urê + 3 kg kali/sào.

Ngoài ra, đối với diện tích lúa đã gieo sạ bị ngập úng nhưng có khả năng phục hồi, sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng: Polyfeed 5 Chim Én, Comcat, Atonix,... phun sau khi tiêu nước để giúp cây lúa nhanh ra rễ và đẻ nhánh tập trung (chỉ phun khi cây lúa đã ra lá).

2. Phòng trừ sâu bệnh:

Tập trung kiểm tra và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả. Chú ý các đối tượng sau: ốc bươu vàng, bọ trĩ, ruồi đục lá trên lúa mới gieo sạ đến đẻ nhánh; bệnh vàng lá sinh lý do thời tiết rét lạnh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng.

- Đối với ốc bươu vàng: Khi mật độ ốc cao (từ 3 con/m2), sử dụng một trong các loại thuốc sau: Boxer 15GR, liều lượng 300 g thuốc rải cho 1 sào (500 m2); Starpumper 800WP, liều lượng 17 - 25 g thuốc pha 16 lít nước phun cho 1sào; thuốc Anpuma 700 WP, liều lượng 35g thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào.

- Đối với bọ trĩ, ruồi đục lá: Sử dụng một trong các lại thuốc sau để phun: Regent 800WG, Tango 800WG liều dùng 2-3 gói (gói 0,8 - 1 gam) pha với 24 lít nước phun 1 sào; Marshal 200SC liều dùng 50 ml pha với 24 lít nước phun 1 sào.

- Bệnh vàng lá, khô đầu lá sinh lý do thời tiết rét lạnh

+ Lúa đẻ nhánh: Bón bổ sung 2-3 kg DAP + 2 kg kali cho 1 sào (tùy chân ruộng), giữ mực nước ruộng 3-5 cm.

+ Lúa đứng cái - làm đòng: Bón bổ sung 2-3 kg NPK 20-20-15/sào; phun bổ sung phân bón qua lá hoặc kích thích sinh trưởng như: KNO3, HK 7-5-44, Plastimula 1DD, Orgamin, Atonik... (theo hướng dẫn trên bao bì). Giữ mực nước ruộng 5-7 cm.

Áp dụng triệt để các biện pháp nêu trên, hy vọng sẽ giúp bà con nông dân phần nào bớt nỗi nhọc nhằn trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chủ động dành thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017.


Có thể bạn quan tâm

mot-cham-nam-biet-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-cho-cay-lua “Một chạm năm biết” -… luu-y-benh-bac-la-vu-mua Lưu ý bệnh bạc lá…