Tin nông nghiệp Một số biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi

Một số biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi

Tác giả Nguyễn Thị Dịu, ngày đăng 23/07/2019

Hiện nay, thời tiết nắng nóng tăng cao, số ngày nắng nóng kéo dài, vật nuôi giảm khả năng thu nhận thức ăn, uống nhiều nước, sức đề kháng giảm và dễ mắc bệnh. Để hạn chế ảnh hưởng bất lợi do nắng nóng gây ra, người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp sau.

Thực hiện chống nóng chuồng nuôi, có hệ thống cửa sổ và quạt thông gió để lưu thông không khí khi cần thiết, trồng nhiều cây bóng mát xung quanh chuồng nuôi, trồng cây dây leo trực tiếp lên mái chuồng (bìm bìm, chanh leo, mướp...) hoặc sử dụng rơm, rạ, bèo tây, các loại lá cây để tạo lớp che phủ dầy lên mái chuồng. 

Vào thời điểm nắng nóng cao độ trong ngày cần phun nước trực tiếp lên mái chuồng. Khi dùng nước để phun chống nóng, người nuôi cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước để tránh bị tăng cao ẩm độ trong chuồng nuôi. 

Trong điều kiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cần bố trí tối thiểu 1/3 diện tích mặt nền chuồng nuôi không sử dụng đệm để gia súc, gia cầm tránh nóng, vì nhiệt độ trên bề mặt đệm lót luôn cao hơn so với nhiệt độ chuồng nuôi 2-3oC. 

Đối với gà nuôi trên nền đệm lót sinh học cần giảm độ dầy chất đệm lót xuống còn 1/2 so với ngày thường, làm sàn đậu cho gà cách bề mặt chất đệm lót 50cm. 

Đối với chăn nuôi lợn, có thể phun nước trực tiếp vào chuồng nuôi, tuy nhiên người chăn nuôi lưu ý, cần chủ động nguồn nước độc lập để sử dụng cho chăn nuôi, xử lý nguồn nước bằng Chlorin trước khi sử dụng cho lợn uống, rửa chuồng nuôi. 

Tuyệt đối không lấy nước từ sông ngòi, kênh mương để sử dụng trực tiếp nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp chăn nuôi với số lượng lớn, mật độ cao cần tăng thêm ô chuồng, giãn mật độ nuôi, tăng thêm số lượng máng ăn, máng uống, tăng cường quạt thông gió để giảm thiểu các khí CO2, NH3... Nên đặt quạt để quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc, không treo quạt thổi thẳng từ trần nhà xuống. 

Lợn con theo mẹ cần giữ chuồng trại khô ráo, tuyệt đối không làm ướt nền chuồng. 

Với trâu bò, cần tắm chải 2 lần trong ngày bằng nước mát để giảm nhiệt độ cơ thể. Chăn thả vào thời gian sáng sớm và buổi chiều mát. Nên buộc trâu bò ở những bãi cây che bóng mát. Không để gia súc làm việc nặng hay làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng. 

Hạn chế vận chuyển khi trời đang nắng nóng, nếu phải vận chuyển đi xa thì cần có dụng cụ chuyên dụng và mật độ hợp lý, đồng thời thường xuyên dừng nghỉ cho gia cầm ăn và uống nước. 

Đối với chuồng kín thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, tránh trường hợp mất điện, cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.

Điều chỉnh chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý, bổ sung vào nước uống B.Comlex, các chất điện giải, Vitamin C, MultiVitamin hoặc nước muối (pha với lượng 10 - 15g/lít nước). Đảm bảo thường xuyên có đủ nước sạch, nước mát cho gia súc, gia cầm uống, tăng thêm số lượng máng uống (từ 20% trở lên), tránh nước rơi ra nền chuồng dễ sinh mầm bệnh. 

Điều chỉnh hợp lý khẩu phần ăn, tăng cường thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ quả... giảm bớt lượng thức ăn tinh bột, giàu năng lượng. Thực hiện chế độ chuyển bữa ăn (thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát hoặc có thể cho ăn vào ban đêm, không nên cho ăn no vào buổi trưa khi nhiệt độ môi trường tăng cao).

Làm tốt công tác vệ sinh thú y, tăng cường vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ sinh ra từ phân và chất thải. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, đặc biệt không để thức ăn dư thừa trong máng dễ gây ôi thiu. Đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác. 

Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Hanamid, HanIod, Hantox, formalin ...). Khép kín quy trình phòng bệnh bằng các loại vắcxin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm các gia súc ốm, bị bệnh để cách ly, báo thú y đến điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan.

Sau mỗi đợt nắng nóng kéo dài nên sử dụng thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ sung các chất bổ trợ, vitamin tránh mệt mỏi kéo dài cho gia súc, gia cầm, nhằm tăng cao sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu bệnh tật, ổn định hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-trong-dua-luoi-xa-thua-duc-dem-lai-hieu-qua-cao Mô hình trồng dưa lưới… trong-dua-huu-co-huong-phat-trien-ben-vung-cho-chuoi-gia-tri-cay-dua Trồng dừa hữu cơ -…