Tôm thẻ chân trắng Một Số Biện Pháp Hạn Chế Tồn Lưu Hóa Chất, Kháng Sinh Cấm Trong Thủy Sản

Một Số Biện Pháp Hạn Chế Tồn Lưu Hóa Chất, Kháng Sinh Cấm Trong Thủy Sản

Ngày đăng 04/12/2013

Hiện nay, việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm để chế biến, bảo quản khô, nguyên liệu thủy sản tươi sống, phòng và trị bệnh thủy sản đang là vấn đề mang tính thời sự làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.  

Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng là cơ sở pháp lý quy định các chất cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi trồng, bảo quản thủy sản.

Đối với địa phương, hàng tháng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có kế hoạch lấy mấu ngẫu nhiên kiểm tra tồn lưu dư lượng kháng sinh và hóa chất cấm sử dụng trong thủy sản đồng thời đưa ra cảnh báo về mức độ an toàn thực phẩm thủy sản cho người dân được biết.

Một số nguyên nhân thủy sản bị nhiễm hoá chất, kháng sinh cấm:

- Dùng chế biến, bảo quản nguyên liệu thủy sản: Một số hóa chất thường sử dụng bảo quản thủy sản như: Hàn the, Urê (để giữ độ tươi, giòn dai của nguyên liệu), Chloramphenicol (có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh kéo dài sự phân hủy của nguyên liệu, giữ tươi), chất Trichlorfon (diệt ruồi, muỗi, côn trùng thường dùng để bảo quản sản phẩm khô).

Hai chất Chloramphenicol, Trichlorfon nằm trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn . Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng, từ 5 g trở lên đã có thể dẫn đến tử vong.

Chloramphenicol ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và suy tủy. Riêng Trichlorfon một số triệu chứng gặp phải như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, mờ mắt, chảy nước mắt, đổ mồ hôi hay hôn mê. Bên cạnh đó, hóa chất này còn gây độc mãn tính đối với người sử dụng.

Khi tiếp xúc nhiều xuất hiện một số biểu hiện như: giảm trí nhớ, mất tập trung, mất phương hướng, trầm cảm, buồn ngủ hoặc mất ngủ. Các biểu hiện khác như đau đầu, buồn nôn, suy nhược, chán ăn, và mệt mỏi. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy Trichlorfon có khả năng gây đột biến gen.

- Nguy cơ nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm cũng có thể từ công nhân trong các cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản không ý thức trong việc sử dụng kem bôi tay để điều trị các vết lở ở tay điển hình như: sử dụng kem bôi tay trong thành phần có chứa kháng sinh cấm Chloramphenicol, hay việc sử dụng Chloramphenicol trong các trại sản xuất tôm giống…

- Người nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh thủy sản.

- Hộ nuôi chưa thực hiện nuôi lưu để đào thải khỏi cơ thể động vật thủy sản trước khi thu hoạch dẫn đến tình trạng thủy sản bị nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép.

- Thủy sản sống trong vùng nước bị ô nhiễm

Biện pháp phòng ngừa:

- Sử dụng nước đá an toàn vệ sinh để bảo quản nguyên liệu thủy sản. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, kháng sinh cấm hoặc không có nhãn mác, không rõ thành phần để bảo quản, xử lý nguyên liệu thủy sản.

- Sử dụng nước sạch hoặc nước biển sạch để rửa nguyên liệu thủy sản, dụng cụ chứa đựng nguyên liệu hải sản. Không sử dụng nước không đảm bảo an toàn vệ sinh như nước sông, nước tại bến cảng nơi neo đậu tàu.

- Rửa tay bằng xà phòng và đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu thủy sản.

- Kiên quyết không mua nguyên liệu hải sản có chứa tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm hoặc không rõ nguồn gốc.

- Ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến lô hàng thủy sản theo hướng dẫn của chương trỉnh quản lý chất lượng GMP, SSOP, HACCP (thời gian tiếp nhận, chủng loại, khối lượng, người bán/mua).

- Người dân tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản.

- Hộ nuôi cần thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn về quy trình nuôi thủy sản an toàn sinh học ( VietGAP )…

- Ngành chuyên môn thường xuyên quan trắc các yếu tố môi trường nước để sớm cảnh báo cho người dân được biết.

- Đối với địa phương, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền để người sản xuất kinh doanh nhận biết được tác hại của các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng thủy sản. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho chủ cơ sở, công nhân về quy trình vệ sinh công nghiệp, biện pháp kiểm soát nguồn gốc lô hàng.


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-giam-rui-ro-cho-nguoi-nuoi-tom-o-bac-lieu Giải Pháp Giảm Rủi Ro… khac-phuc-hien-tuong-tom-loi-keo-dan Khắc Phục Hiện Tượng Tôm…