Trồng lúa Một số giống lúa kháng bạc lá tốt

Một số giống lúa kháng bạc lá tốt

Tác giả Mai Chiến, ngày đăng 13/10/2017

Vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp với Sở NN-PTNT Nam Định tổ chức buổi hội thảo đánh giá về khả năng kháng bạc lá của các giống lúa trong vụ mùa 2017.

Sản xuất thử giống lúa LT2 KBL tại huyện Giao Thủy

Sau khi tham quan mô trình diễn ba giống lúa LT2 KBL (tại huyện Giao Thủy), Bắc thơm 7 KBL (tại huyện Xuân Trường) và Nhị ưu 838 KBL (tại huyện Nghĩa Hưng), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định cho biết: Những thửa ruộng trình diễn giống lúa được các nhà khoa học chuyển gen kháng bạc lá vào thể hiện rất rõ như vẫn giữ được bộ lá đẹp, khối lượng hạt chắc không bị bệnh xâm hại nên tỷ lệ năng suất sẽ đạt cao hơn Bắc thơm 7 thông thường (không chứa gen kháng bạc lá).

Các giống lúa trên có khả năng chống chịu được bệnh kháng bạc lá có thể gây bạc lá nặng trên lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Tại buổi hội thảo, ông Định đề nghị Cty CP Giống cây trồng Nam Định, Cty CP Giống cây trồng Hải Dương sớm hoàn thiện hồ sơ, bổ sung đầy đủ thông tin về gen Xa21 trong giống mới để Cục Trồng trọt đề xuất Bộ NN-PTNT công nhận giống.

Ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định nhận định: Các giống trên thể hiện được tính kháng bạc lá rất tốt trên đồng ruộng và nổi trội hơn với các giống lúa truyền thống. So sánh với Bắc thơm 7 truyền thống thì các giống trên nhiễm bạc lá nhẹ hơn và sẽ cho năng suất cao hơn.

Theo ông Nguyễn Đăng Năm, Phó Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Nam Định, giống lúa LT2 KBL đã đưa vào khảo nghiệm, SX thử được 3 vụ trong địa bàn tỉnh Nam Định thể hiện được các đặc điểm nổi trội như khả năng đẻ nhánh khá, tương đương như Bắc thơm 7, khả năng kháng bệnh rất tốt (gồm bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn). Thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân khoảng 130 - 135 ngày, vụ mùa khoảng 105 ngày), rất phù hợp trong cơ cấu SX lúa.

LT2 KBL có chất lượng cao, cơm mềm, dính, có mùi thơm và ngon, đang được thị trường ưa chuộng. Năng suất trung bình đạt 50 - 55 tạ/ha, nếu thâm canh tốt thì sẽ đạt 60 tạ/ha.

“Vụ mùa năm 2016, 2017 bệnh bạc lá lúa diễn ra rất nặng, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhưng LT2 KBL đã thể hiện rất tốt, chứng minh được việc kháng bạc lá trong vụ mùa”, ông Năm khẳng định.

Với những ưu điểm vượt trội trên, ông Năm đề nghị Cục Trồng trọt cho phép Cty CP Giống cây trồng Nam Định đưa giống lúa LT2 KBL ra khảo nghiệm, SX thử trên diện rộng ở các vụ tiếp theo và đề nghị Bộ NN-PTNT sớm công nhận giống này.

Còn ông Trịnh Huy Đang, Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Hải Dương chia sẻ: Giống lúa Bắc thơm 7 KBL có thời gian sinh trưởng ngắn tương tự như giống Bắc thơm 7 thông thường, khả năng kháng bệnh bạc lá tốt, chất lượng gạo tương tự như Bắc thơm 7, rất ổn định về năng suất (42 - 50 tạ/ha) ở vụ mùa. Bắc thơm 7 KBL có khả năng kháng bạc lá tốt nên có thể mở rộng SX gieo cấy vụ mùa ở Nam Định và các tỉnh Bắc Trung Bộ thay thế dần Bắc thơm 7. Đề nghị Bộ NN-PTNT sớm xem xét công nhận chính thức giống lúa Bắc thơm 7 KBL để nhanh chóng đưa vào cơ cấu mở rộng SX.

“Bệnh bạc lá lúa là bệnh do vi khuẩn gây ra, xuất hiện ở cả hai vụ trong năm. Bạc lá lúa trở thành một trong những vấn đề nan giải đối với SX lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Hiện chưa có loại thuốc nào trị được bệnh bạc lá mà chỉ có phòng chống được bệnh này”, ông Trần Xuân Định.


Có thể bạn quan tâm

luu-y-khi-thu-hoach-phoi-thoc-bao-quan-de-gao-giu-duoc-pham-chat Lưu ý khi thu hoạch,… them-mot-giong-lua-noi-khong-voi-bac-la Thêm một giống lúa 'nói…