Trồng lúa Một số kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa trong những ngày nắng nóng

Một số kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa trong những ngày nắng nóng

Tác giả Tạ Thị Minh Nụ - Trạm khuyến nông Thường Tín, ngày đăng 19/07/2019

Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, nắng nóng gay gắt trên toàn Miền Bắc kéo dài liên tục từ đầu tháng 6 ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Vì vậy để cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, xin giới thiệu tới bà con một số kinh nghiệm chăm sóc lúa mùa trong những ngày nắng nóng:

1. Khử chua và làm giảm ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa: 

Hiện nay, phần lớn rơm rạ sau thu hoạch vụ xuân đều để lại ruộng. Do không có thời gian làm dầm để rạ rơm phân hủy nên sau gieo cấy nếu không xử lý tốt sẽ làm lúa bị ngộ độc hữu cơ, cây lúa chậm phát triển thậm chí bị chết.

Để giảm thiểu lúa bị ngộ độc hữu cơ, sau gieo cấy cần bổ sung vào đất một trong những loại chế phẩm sau: Chế phẩm Tricodecma hoặc phân bón vi sinh đa chủng Azotobacterin theo hướng dẫn trên bao bì. Các chế phẩm này có tác dụng làm phân hủy nhanh rơm rạ thành mùn hữu cơ cho ruộng lúa, giảm axit gây ngộ độc đất…

2. Điều tiết nước để lộ ruộng xen kẽ: 

Đối với lúa sau cấy cần thường xuyên giữ  mức nước từ 2 - 3 cm và để lộ ruộng khoảng 1 - 2 ngày/tuần nhằm tăng cường oxy lưu thông vào đất và giảm axit độc sản sinh do rơm rạ phân hủy. Nếu lúa chậm bén rễ hồi xanh và có triệu chứng của ngộ độc hữu cơ (lá vàng, rễ thâm đen, cây ngừng phát triển) thì cần thay nước ruộng, sục bùn cho oxy lưu thông vào đất và bón thêm vôi tả hoặc bổ sung chế phẩm nấm Tricoderma vào ruộng kết hợp phun phân qua lá 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày để lúa nhanh hồi phục.

3. Chăm sóc: 

Đối với lúa cấy cần bón thúc cho lúa đẻ nhánh khi cây đã bén rễ hồi xanh với lượng khoảng 3 - 4 kg ure + 2 - 3 kg kali clorua/sào hoặc bón phân NPK tổng hợp 8 - 10 kg/ sào. Duy trì mức nước 2 - 3 cm giúp lúa đẻ nhánh thuận lợi.

* Chú ý:

- Thời tiết khi bón phân cho lúa bất thuận (nắng nóng kéo dài) tốt nhất chọn một trong những loại phân bón tổng hợp NPK thay thế phân ure + kali để giảm thiểu lượng phân bị thất thoát do bay hơi.

- Sử dụng thuốc cỏ và diệt trừ ốc bươu vàng hại lúa ở vụ mùa, do thời tiết nắng  nóng nên cần chú ý sử dụng thuốc trừ cỏ sớm ngay sau khi gieo cấy.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-bien-phap-ky-thuat-de-san-xuat-lua-mua-hieu-qua Một số biện pháp kỹ… phong-tru-oc-buou-vang Phòng trừ ốc bươu vàng