Tôm thẻ chân trắng Một số loài ký sinh trùng trên tôm thẻ chân trắng

Một số loài ký sinh trùng trên tôm thẻ chân trắng

Tác giả Hà Anh (Tổng hợp), ngày đăng 20/10/2023

Cùng với việc gia tăng diện tích nuôi, mật độ thả nuôi cao, dịch bệnh đang là một trong những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành công nghiệp nuôi tôm. Trong đó, bệnh do ký sinh trùng gây ra trên tôm nuôi ngày càng phổ biến do sự ô nhiễm của nguồn nước.

Ký sinh trùng là gì?

Ký sinh trùng là một sinh vật sống ký sinh trên một sinh vật sống khác (con người, thực vật, động vật) hay còn gọi là ký chủ. Chúng sống phụ thuộc hoàn toàn vào ký chủ để tồn tại phát triển và sinh sôi. Do đó, ký sinh trùng hiếm khi giết chết ký chủ, nhưng nó có thể là nguồn lây lan bệnh tật, và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ.

Ký sinh trùng trên tôm nuôi bao gồm ngoại ký sinh trùng (ký sinh bên ngoài cơ thể) và nội ký sinh trùng (ký sinh bên trong cơ thể). Những loài ngoại ký sinh thường không gây hại cho ký chủ ngoại trừ chúng xuất hiện với số lượng lớn. Những loài nội ký sinh có thể gây bệnh thường là: Microspora, Haplospora và Gregarine…

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP)

Tác nhân gây bệnh

Vi bào trùng tử trùng là bệnh do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra, thường ký sinh trong gan, tụy tôm và nhân lên trong tế bào chất của biểu mô ống gan, tụy, cản trở tôm hấp thụ chất dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng tôm còi cọc, chậm lớn, suy giảm sức đề kháng. EHP không gây chết hàng loạt ở tôm, tuy nhiên làm giảm năng suất thu hoạch đáng kể, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi tôm.

EHP là vi bào tử trùng hình thành bào tử bắt buộc, nhiều nghiên cứu đã xác nhận EHP gây nhiễm tế bào gan tuỵ bằng cách thay đổi các chỉ số hóa sinh như protein tổng số, albumin, aspartate transaminase (AST) và alkaline phosphatase – hai enzyme chỉ thị cho sự tổn thương của tế bào và những chỉ số này giúp hiểu rõ hiện trạng chức năng của gan tuỵ trên tôm nhiễm EHP.

Vi bào tử trùng không có cơ quan di động như tiêm mao và có khả năng sinh ra những bào tử có khả năng đề kháng cao, có thể sống sót bên ngoài ký chủ lên đến vài năm. Đặc điểm hình thái của bào tử thường có ý nghĩa trong việc phân biệt sự khác nhau giữa các loài. Bào tử của EHP có hình oval có kích thước 1,0-1,7µm.

Triệu chứng bệnh tích

Tôm nhiễm bệnh Vi bào tử trùng sẽ có kích cỡ không đồng đều, tăng trưởng chậm, chỉ đạt từ 10 – 40% so với tôm ở các ao không nhiễm bệnh. Kèm theo đó là một số biểu hiện như tôm mềm vỏ, chết rải rác, giảm ăn và rỗng ruột. Màu sắc tôm sẽ có thể chuyển sang trắng đục hay màu sữa.

Dấu hiệu bệnh tôm nhiễm Vi bào tử trùng

Ký sinh trùng Haplosporidian

Tác nhân gây bệnh

Bệnh Haplosporidiando ký sinh trùng Haplosporidian infections, Hepatopancreatic haplosporidiosis gây ra trên gan tụy tôm.

Triệu chứng bệnh tích

Khi tôm bị loại ký sinh này xâm nhập sẽ có các triệu chứng như gan tụy co lại, màu sắc cơ thể nhợt nhạt, sắc tố melanin ở tế bào biểu bì đi kèm với tôm chậm tăng trưởng.

Dấu hiệu tôm nhiễm bệnh Haplosporidian

A: (Trái) gan tụy tôm bình thường, (phải) cơ thể tôm nhợt nhạt và teo gan

B: Nhiều đốm đen xuất hiện trên tôm (mũi tên)

Trùng hai tế bào Gregarine

 Tác nhân gây bệnh

Ký sinh trùng Gregarine hay còn được gọi là ký sinh trùng hai roi là loại thường xuất hiện trong đường ruột của tôm bị phân trắng khi kiểm tra bằng kính hiển vi. Phân trắng là bệnh khá phổ biến ở tôm và thường xuất hiện từ ngày nuôi thứ 40 trở đi. Khi ký sinh trong đường ruột của tôm, Gregarine sẽ gây tổn thương các biểu mô, tắc nghẽn ruột, tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến hiệu quả hấp thu dinh dưỡng của tôm kém, tôm giảm ăn hoặc nếu bệnh nặng có thể bỏ ăn.

Triệu chứng bệnh tích

Dấu hiệu nhận biết tôm bị nhiễm Gregarine là tôm bị phân trắng xuất hiện các sợi phân trắng nổi trên mặt nước ao nuôi. Tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, màu sậm bất thường. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ống ruột tôm bị đứt quãng hoặc trống rỗng. Tôm bệnh Phân trắng không chết hàng loạt, tuy nhiên sẽ gây nhiều ảnh hưởng về năng suất tôm thu hoạch.

Ký sinh trùng Gregarine ký sinh trong ruột tôm

Ngoại ký sinh trùng Zoothamnium

Tác nhân gây bệnh

Epistylis, Zoothamnium, Tokophrya, Acineta, Vorticella là ký sinh trùng đơn bào dạng hình loa kèn, chúng có thể sống đơn lẻ hoặc hình thành tập đoàn, kích thước tế bào nhỏ, khoảng từ 60 – 100 μm. Đặc biệt là loài Zoothamnium sp. và Vorticella sp. là 2 loài thường tấn công tôm ở cả ao nuôi thương phẩm và trại giống.

Triệu chứng bệnh tích

Tôm yếu, hoạt động khó khăn. Trên vỏ, phần phụ, mang sinh vật bám đầy. Sinh vật bám làm cản trở sự hoạt động và làm mất chức năng hô hấp của tôm, đặc biệt gây tác hại lớn ở ấu trùng tôm và tôm nhiễm bệnh virus.

Sự xâm nhập của các động vật nguyên sinh ngoại ký sinh trên tôm thẻ

A- Chân bơi của tôm thẻ bị nhiễm ký sinh trùng Zoothamnium sp. (Độ phóng đại 400x) 

B- Bề mặt cơ thể của tôm thẻ bị nhiễm ký sinh trùng Vorticella sp. (400x)

C- Chân bò của tôm nhiễm Epistylis sp. (400x)

Sự phong phú của ký sinh trùng ngoại bào thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào điều kiện hóa lý khác nhau của các vùng nước. Các vùng nước giàu dinh dưỡng thường thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của các động vật nguyên sinh ngoại ký sinh, chúng ăn bằng cách lọc các chất dinh dưỡng hoặc vi sinh vật từ nước. Cho ăn quá nhiều làm số lượng lớn thức ăn bị dư thừa nhiều trong ao. Điều này có nghĩa là hàm lượng chất hữu cơ trong ao cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của ký sinh trùng.

Các nhóm ký sinh trùng Protozoan thường được tìm thấy nhiều trong môi trường gặp phải sự mất ổn định về chất lượng nước, đặc biệt là nhiệt độ, như ký sinh trùng Zoothamnium sp. có thể sinh sản nhanh hơn trong môi trường có điều kiện nhiệt độ trên 30°C.

Trong nghiên cứu của Hafidloh & cs. (2019), tỷ lệ xuất hiện bệnh do ký sinh trùng ngoại bào trên tôm thẻ chân trắng tương ứng là 72,5% đối với Zoothamnium sp., 55% đối với Vorticella sp. và 42,5% cho Epistylis sp. và tỷ lệ nhiễm cao nhất là đối với Zoothamnium sp…

Biện pháp phòng bệnh ký sinh trùng trên tôm

Thông thường, ký sinh trùng được phát hiện qua quan sát kính hiển vi hoặc các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại. Vì vậy, nên có kế hoạch mang mẫu đi xét nghiệm định kỳ để kiểm tra bệnh ở tôm và ao nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi nên thực hiện các biện pháp phòng tránh ký sinh trùng lây nhiễm trên tôm như:

- Ngay từ khâu chọn giống, cần cẩn thận, chọn con giống chất lượng cao từ các nhà cung cấp uy tín. Đồng thời phải đảm bảo được con giống đã xét nghiệm không có bệnh, không nhiễm các loại ký sinh trùng.

- Trước và trong quá trình thả tôm, cần thực hiện đúng quy trình cải tạo ao nuôi. Luôn đảm bảo tôm được phát triển trong môi trường sạch sẽ, hạn chế các yếu tố trung gian xâm nhập và phát triển.

- Nguồn nước nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng về độ pH, độ kiềm,… ở mức tối ưu, đảm bảo môi trường tốt nhất để tôm phát triển.

- Người nuôi cần thực hiện an toàn sinh học trong nuôi tôm, hạn chế sự xuất hiện của các mầm bệnh, nâng cao sức khỏe của tôm và an toàn cho người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

nhung-van-de-ky-thuat-can-quan-tam-khi-nuoi-tom-the-chan-trang-vu-thu-dong Những vấn đề kỹ thuật…