Tin thủy sản Một số loài tảo độc trong ao và giải pháp phòng trừ

Một số loài tảo độc trong ao và giải pháp phòng trừ

Tác giả Ngọc Anh (Tổng hợp), ngày đăng 25/11/2017

Tảo độc là các loại tảo gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật thủy sản như: tảo lam, tảo giáp, tảo mắt… Các loại tảo này thường tiết ra độc tố gây hoại tử gan tôm, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi tôm, làm tôm mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh.

Cân bằng hệ sinh thái nước ao là rất cần thiết

Các loại tảo độc

Tảo lam

Tảo lam (tảo xanh hay vi khuẩn lam): Phần lớn dưới dạng tập đoàn hay đa bào hình sợi, hình chuỗi hạt đơn hay phân nhánh. Đa số tế bào tảo lam dạng sợi (chuỗi hạt thường có tế bào dị hình). Đây là loại tảo độc trong nuôi thủy sản vì một số loài tiết ra chất độc và một số loài thường gây hiện tượng nở hoa trong nước.

Trong ao nuôi tôm, khi hàm lượng muối dinh dưỡng cao là điều kiện lý tưởng cho nhóm tảo lam phát triển, tỷ lệ N/P là 3 - 5/l thì tảo lam sẽ phát triển chiếm ưu thế. Với 2 loại tảo lam là tảo dạng sợi (Nostoc sp., Anabaena sp., Oscillatoria sp.,…) và dạng hạt (Microcystis sp.).

Tảo lam là dạng tảo có kích thước lớn, chiều dài đến vài milimet; khi xuất hiện nhiều trong ao, quan sát bằng mắt thường thấy ao có màu xanh đậm, xanh nước sơn, nổi váng xanh trên mặt; khi trời nắng gắt thì nổi thành từng đám trên mặt nước và phía cuối gió; lúc này có thể nhận diện được tảo lam dạng sợi hay dạng hạt dễ dàng.

Khi tảo lam xuất hiện nhiều trong ao, sẽ làm cho tôm có mùi hôi, tắc nghẽn mang do tảo thải ra chất nhờn ở màng tế bào; hay tôm bị phân trắng do tảo trong đường ruột tôm chưa được tiêu hóa. Tảo lam dạng hạt và sợi đều độc như nhau, nhưng dạng sợi thường độc hơn do vướng vào mang tôm và tôm cũng thường ăn phải nhưng không tiêu hóa được.

Tảo mắt

Là sinh vật chỉ thị môi trường, chúng phân bố chủ yếu môi trường nước ngọt hiếm thấy trong ao nuôi tôm; Khi tảo mắt phát triển thì nước ao có màu nâu đen, xanh rau má; Quan sát trên kính hiển vi: Tảo mắt di chuyển nhanh trong nước nhờ có lông roi nằm ở đầu trước cơ thể đơn bào có điểm mắt màu đỏ.

Trong ao nuôi tôm, cá khi đáy ao bị nhiễm bẩn thường tìm thấy một số loài như Euglena sp., Eutrepteilla sp., Phacus sp., Trachaelomonas sp.; các váng màu xanh, vàng, đỏ, nâu trong các ao tù thường là váng tảo mắt.

Tảo mắt xuất hiện trong ao nuôi báo hiệu ao bắt đầu nhiễm bẩn, trong nuôi thâm canh là do thức ăn dư thừa nhiều, với các mô hình ít cho ăn, khi xuất hiện nhóm tảo này là do nguồn nước bị ô nhiễm hoặc nền đáy đã nhiễm bẩn từ trước. Tảo mắt cũng phát triển tốt trong điều kiện ao có nhiều hữu cơ, từ đó ảnh hưởng đến hàm lượng ôxy hòa tan trong ao, nhiễm bẩn môi trường ao nuôi; khi tảo phát triển với số lượng lớn, mật độ cao thì nước ao nuôi sẽ có màu xanh rau má, một số trường hợp màu nâu đen.

Tảo giáp

Chúng sống chủ yếu ở nước mặn, khoảng 10% ở nước ngọt; chủ yếu tồn tại ở dạnh đơn bào hình cầu hay hình sợi, có roi. Nhiều loài có các tấm celuloze bao phủ. Tảo giáp di chuyển rất nhanh trong thủy vực nhờ các tiêm mao xung quanh cơ thể.

Khi tảo giáp phát triển với mật độ cao trong ao, nước sẽ có màu nâu đỏ, mặt nước xuất hiện nhiều váng nâu đỏ. Tôm không tiêu hóa được loại tảo này do chúng có vách tế bào cứng, một số trường hợp tôm bị tắt nghẽn đường ruột hoặc bị đứt đoạn khi có quá nhiều tế bào tảo giáp trong ruột. Tác hại nữa của tảo giáp đó là tôm bị nổi đầu về đêm và sáng sớm do thiếu ô xy trong nước và nước bị phát sáng ảnh hưởng đến tập tính sống của tôm nuôi.

Nguyên nhân xuất hiện tảo độc

Là do quản lý thức ăn không tốt làm thức ăn dư tích lũy xuống nền đáy; Phân tôm trong suốt vụ nuôi; Nền đáy dơ bẩn do không cải tạo ao kỹ. Hay do thời tiết thay đổi thất thường nắng nóng hoặc mưa kéo dài. Mưa kéo dài làm độ mặn trong ao giảm nhanh và phân tầng mắt nước tạo điều kiện cho tảo lam phát triển. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa giông đột ngột làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi, quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ tăng sinh ra nhiều chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho tảo có hại trong ao phát triển.

Giải pháp khắc phục

Vớt xác tảo; Nếu có ao lắng đã được xử lý nước nên thay nước để giảm mật độ tảo; Kiểm soát thức ăn không cho ăn dư; Xử lý tảo bằng men vi sinh với mật đường ủ 3 - 6 giờ đánh vào ban đêm; Cắt tảo bằng vôi đêm với liều lượng cho phép <20 kg/1.000 m3 nước sau khi dánh vôi sử dụng kèm zeolite 20 kg/1.000 m3; Hút bùn và xiphong đáy thường xuyên; Sử sụng chất diệt tảo có gốc CuSO4.

Riêng với tảo lam áp dụng biện pháp tăng độ mặn cho nước ao bằng việc cấp thêm nước hoặc bổ sung muối 10 kg/1.000 m3 treo ở đầu cánh quạt; Thả ghép cá rô phi với tôm trong ao. Cá rô phi thường sống ở tầng nước giữa và tầng đáy. Cá rô phi có thể tiêu hóa 30 - 60% đạm trong tảo, đặc biệt là các loại tảo lam, tảo lục.. giúp ổn định chất lượng nước.

>> Tảo là thành phần quan trọng có tác dụng tạo màu nước cho ao nuôi, cân bằng hệ sinh thái nước ao; tuy nhiên, khi tảo phát triển quá mức sẽ tác động đến môi trường nước, sức khỏe vật nuôi. Do đó, cần nắm vững đặc điểm và điều kiện phát triển của tảo để hạn chế sự phát triển của tảo độc.


Có thể bạn quan tâm

thu-hoi-von-nhanh-nho-mo-hinh-nuoi-tom-the-chan-trang-lot-bat Thu hồi vốn nhanh nhờ… chat-luong-vang-thuy-san-ton-vinh-nhung-tam-guong-dep Chất lượng vàng thủy sản:…