Mô hình kinh tế Một Số Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Trong Mùa Nắng

Một Số Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Trong Mùa Nắng

Ngày đăng 16/04/2011

Hằng năm vào mùa nắng, nước ở một số tuyến sông và trong vuông bị cạn kiệt, nhiệt độ nước, độ mặn, độ kiềm tăng cao, tảo phát triển nhiều… sẽ gây ra một số bất lợi đối với tôm nuôi, làm thiệt hại về kinh tế. Người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Gia cố bờ bao hạn chế rò rỉ.
- Nên có ao lắng để chủ động nguồn nước, chuẩn bị máy bơm để bơm nước khi cần thiết.
- Luôn giữ mực nước trên trãng từ 30 cm trở lên, dưới kinh mương từ 1 m trở lên để môi trường vuông nuôi ít dao động, tôm giảm sốc, giảm rủi ro bệnh tật.
- Vào mùa nắng, các yếu tố môi trường thường biến động, nên cần kiểm tra thường xuyên các thông số môi trường và theo dõi hoạt động của tôm.
- Khi nhiệt độ nước tăng trên 32 độ C, tôm ít hoạt động, nằm yên, ngừng ăn, tôm vùi mình, do đó tôm rất dễ bị bệnh đóng rong, đen mang.
- Khi trời nắng nóng có sự dao động lớn giữa nhiệt độ không khí và nhiệt độ môi trường nước, tránh gây sốc hoặc làm động tôm như chài, mò bắt, làm như thế tôm sẽ búng, nhảy lên mặt nước làm cong thân, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm.
- Vào mùa nắng nước cạn, độ mặn thường tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, oxy giảm thấp vào ban đêm… dẫn đến tôm khó lột xác, chậm lớn, tôm bị đỏ thân do thiếu oxy… Nếu có điều kiện, cần cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi. Nên cấp nước từ từ, khoảng 20-30% lượng nước trong vuông, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19 giờ đêm, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý. Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong vuông nuôi.
- Vào mùa nắng đôi khi xuất hiện mưa trái mùa làm môi trường nước biến động, người nuôi tôm cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc, ảnh hưởng đến hoạt động sống. Bên cạnh đó cũng khuyến cáo người nuôi nên thả với mật độ vừa phải.
- Khi trời nắng kéo dài, nước bốc hơi, sự rò rỉ làm mức nước ao nuôi thấp, độ mặn tăng cao từ 35-45‰, trong khi độ mặn của bao tôm giống ở khoảng 24-28‰, như vậy có sự chênh lệch lớn về độ mặn giữa tôm giống và ao nuôi. Nếu thả giống ở thời điểm này, tôm có khả năng thiệt hại từ 50-100%. Có thể thuần hóa độ mặn tôm giống từ từ để phù hợp với độ mặn vuông nuôi./.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-mo-hinh-v-a-c Hiệu Quả Từ Mô Hình… xet-nghiem-thanh-cong-benh-vi-bao-tu-o-tom-su Xét Nghiệm Thành Công Bệnh…