Mô hình kinh tế Một số ý kiến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta

Một số ý kiến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta

Ngày đăng 05/06/2015

Những vấn đề đặt ra

Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans – Pacific Parnership). Nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng cũng mang đến không ít thách thức. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đã 2 năm Việt Nam thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung một số vấn đề quan trọng, đó là: Đẩy nhanh việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa của mỗi địa phương trên cả nước; Chuyển dịch cơ cấu từ mô hình nhỏ lẻ, phân tán, sang mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; Hình thành các vùng sản phẩm đặc trưng; Thay đổi quy trình, kỹ thuật sản xuất; Tăng cường ứng dựng khoa học… Đề án hướng đến nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng các sản phẩm của ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát khí thải nhà kính, khai thác tốt các lợi ích về môi trường và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai,…

Đề án được ngành nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện và đã có chuyển động tích cực. Nhiều dự án hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được đầu tư hiệu quả, phát triển nhiều mô hình hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, xuất khẩu tăng mạnh. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2013 đạt 27,496 tỷ USD (tăng 0,7% so với năm 2012), năm 2014 đạt 30,86 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2013). Năm 2015 được kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0-3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014. Có thể nói, “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là “điểm tựa” quan trọng về cơ chế chính sách, giải pháp tổng thể cho sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Cơ hội và thách thức trước ngưỡng cửa TPP

Hiệp định TPP hiện có 12 quốc gia tham gia đàm phán, có tổng dân số hơn 800 triệu người, chiếm 1/3 giá trị thương mại thế giới và gần 40% nền kinh tế toàn cầu khi hiệp định này có hiệu lực. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nông sản Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức do những quy định về cắt giảm thuế suất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia như TPP, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU)... chính thức được áp dụng.

Về cơ hội, TPP mở ra cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Hàng hóa của Việt Nam được thâm nhập những thị trường lớn hơn và đầy tiềm năng như Mỹ, Canada và Nhật Bản, xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên để được hưởng mức thuế suất 0% thì hàng hóa nông sản của Việt Nam phải vượt qua những tiêu chuẩn ngặt nghèo của những nước nhập khẩu trong TPP. Ngoài ra, ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiếp nhận khoa học kỹ thuật mới từ những nước thành viên TPP, cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Về thách thức, một trong những thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nước tham gia (TPP), không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển, sẽ không có chính sách ưu tiên cho một quốc gia nào tham gia TPP. Như vậy, cùng với lợi thế mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản nhờ thuế suất 0% thì Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường áp dụng thuế suất 0% cho các nước thành viên TPP, khi đó hàng hóa nông sản của các nước cũng sẽ tràn vào Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả chất lượng và giá thành, các sản phẩm hàng hóa nông sản của nước ta sẽ không cạnh tranh nổi với hàng hóa ngoại nhập, việc thua ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chuyển dịch cơ cấu từ mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, manh mún không còn phù hợp sang mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như khả năng cạnh tranh là một thách thức không nhỏ, nó bị cản trở bởi chính những thói quen tư duy kinh tế tiểu nông đã tồn tại từ lâu. Giải pháp nào cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững với những cơ hội và thánh thức trước ngưỡng cửa TPP.

Chọn “điểm tựa” vững chắc

Để tận dụng những cơ hội và vượt qua thách thức, đối với từng lĩnh vực cụ thể, cần phải xác định rõ và đánh giá được đâu là “điểm tựa” bền vững, quy hoạch và sắp xếp lại phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phù hợp với tái cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Vấn đề đặt ra không chỉ với riêng ngành nông nghiệp, mà nó đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Một là, vai trò của Nhà nước: Các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần phải được làm rõ trách nhiệm cụ thể. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương cần phải có cơ chế phù hợp để tránh đùn đẩy “trách nhiệm”. Từ đó sẽ tạo ra một “điểm tựa” vững chắc từ cơ quan quản lý nhà nước với vai trò “bà đỡ” cho ngành nông nghiệp.

Hai là, yếu tố then chốt của khoa học công nghệ: Việc ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. Các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của mỗi lĩnh vực, các hiệp hội nghề trong lĩnh vực nông nghiệp cần chỉ ra được đâu là “điểm tựa” của mỗi lĩnh vực, của ngành nông nghiệp Việt Nam. Phải xác định được đâu là “lợi thế cạnh tranh”, đâu là điểm mạnh thực sự của mỗi lĩnh vực cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…để ngành nông nghiệp Việt Nam có những chính sách ưu tiên thỏa đáng.

Ba là, vai trò của thông tin: Ngày nay, thông tin là một trong những yếu tố quan trọng của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong sản xuất, kinh doanh, ai có được thông tin sớm nhất, nhiều nhất, đáng tin cậy nhất coi như đã nắm được phần lớn lợi thế về mình. Để cơ chế chính sách, những phát minh khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến… được ứng dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao năng suất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản, ngành nông nghiệp cần xây dựng giải pháp thông tin về thị trường, cơ chế chính sách…, tuyên truyền kịp thời đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp có được thông tin đầy đủ, đáng tin cậy từ cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng và thuận lợi nhất thì chắc chắn sẽ cải thiện được vấn đề nan giải của ngành nông nghiệp đã thành thường lệ “được mùa mất giá” hay khắc phục tình trạng của các địa phương “mạnh ai nấy làm”, hoặc thói quen của người dân bấy lâu nay cứ chạy theo trào lưu, theo những thông tin kiểu truyền miệng, không mấy tin cậy để rồi phải chật vật tìm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm đã trở thành hiện tượng khá phổ biến tồn tại ở nước ta.

Sử dụng “đòn bẩy” hiệu quả

Để ngành nông nghiệp Việt Nam có được những “cú hích” tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững, cũng như tránh được nguy cơ thua ngay trên sân nhà trước ngưỡng của Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp cần những giải pháp tổng thể và chi tiết để xác định được và sử dụng “đòn bẩy” hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp cũng như việc khắc phục được sự yếu kém vấn đề “năng suất thấp, giá thành cao” đối với sản phẩm hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Về cơ chế chính sách: Cần nhanh chóng hiện thực hóa cơ chế, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, coi đây là một động lực tạo “đòn bẩy” quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp, đi đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải triển khai đồng bộ việc thực hiện đề án tái cơ cấu, sử dụng đồng bộ các giải pháp kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới mô hình sản xuất… Căn cứ vào đòi hỏi thực tế để đánh giá, rút kinh nghiệm, sửa đổi và bổ sung kịp thời những cơ chế, chính sách phù hợp và đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm phát huy và sử dụng các nguồn lực tốt nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Về nguồn vốn: Nhà nước cần tăng đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể theo thứ tự ưu tiên, tạo thế mạnh tập trung, tránh đầu tư tràn trải. Đồng thời khuyến khích và huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để tạo nguồn tài chính đủ lớn làm “đòn bẩy” trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư sẽ làm gia tăng sức mạnh của “đòn bẩy tài chính”.

Về lao động: Việt Nam có khoảng 60 triệu dân sống ở nông thôn, với 40 vạn lao động nông nghiệp, đây là lực lượng lao động đông đảo, vấn đề cần quan tâm là sử dụng và đào tạo hợp lý cho phát triển nhanh và bền vững ngành nông nghiệp. Cần giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất của người lao động, chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã chỉ rõ mục tiêu và giải pháp cụ thể, vì thế ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu sâu, rộng hơn nữa để khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, sẽ đón nhận những cơ hội to lớn, cũng như vượt qua được những thách thức để các mặt hàng nông sản Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và vươn tới nhiều thị trường khác./.


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-nuoi-luon-khong-bun-o-cam-khe Mô hình nuôi lươn không… giong-lua-tbr-225-hap-dan-nha-nong Giống lúa TBR 225 hấp…