Mô hình kinh tế Mùa Mía Đắng

Mùa Mía Đắng

Ngày đăng 15/10/2013

Chỉ mới bước vào đầu niên vụ 2013-2014 nhưng giá mía nguyên liệu tại ĐBSCL khá ảm đạm, nông dân trồng mía chỉ có huề hoặc lỗ vốn.

Bên cạnh đó, nạn nhập lậu đường tràn lan cũng làm doanh nghiệp mía đường lao đao.

Lỗ, huề vẫn phải bán

Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL với 9.953 ha. Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch 1.150 ha, giá mía nguyên liệu mua bán tại ruộng dao động 720-840 đồng/kg, tùy loại.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp) buồn bã: “Tôi trồng 5 công mía, thu hoạch được 80 tấn, bán với giá 760 đồng/kg nên chỉ huề vốn, thậm chí lỗ tiền thuê 30 nhân công đốn mía. Vì vậy, tôi thu hoạch mía sớm để còn lên liếp trồng lúa, hy vọng kiếm lời. Nếu giá lúa giảm nữa thì nguyên năm coi như làm mà không có ăn”.

Theo ông Tự, giá thành sản xuất mía hiện nay là 810 đồng/kg. Những hộ trồng mía giống ROC 16 có chữ đường cao (CCS - tỉ lệ đường trong nước mía) bán được giá hơn, khoảng 820-840 đồng/kg. Với giá này, nông dân vẫn có lời chút ít nhưng đã bù vào tiền thuê nhân công. Hiện giá thuê đốn, vác, cân mía từ ruộng xuống tới ghe khoảng 120.000 đồng/tấn nhưng khi nước lũ về có thể lên đến 150.000-160.000 đồng.

Ông Huỳnh Văn Hùng (ấp Mỹ Quới B, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp) rầu rĩ: “Tôi vừa thu hoạch 1,3 ha mía, bán với giá 710 đồng/kg, cầm chắc lỗ sau hơn 9 tháng dãi dầm mưa nắng. Sỡ dĩ phải bán ở thời điểm giá thấp vì nước lũ có dấu hiệu lên nhanh, ai bán trễ thì khoảng 10 ngày nữa sẽ không trồng được lúa. Hơn nữa, lúc đó giá nhân công sẽ tăng vì ai cũng cần người đốn mía chạy lũ”.

Tại vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nhà máy đường của Công ty CP Mía đường Trà Vinh vẫn chưa thu mua mía. Ông Thạch Sophal, Phó Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, cho biết: “Toàn huyện trồng mía với diện tích 4.800 ha nhưng nông dân vẫn chưa thu hoạch vì mía còn non. Hiện giá mua bán trên thị trường đối với mía 10 CCS là 930 đồng/kg, trong khi giá bán phải từ 1.100 đồng/kg trở lên may ra nông dân mới có lãi”.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Trà Vinh, niên vụ này, công ty bao tiêu 3.800 ha mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú với giá bảo hiểm tối thiểu 650.000 đồng/tấn. “Đến ngày 15-10, nhà máy đường mới đi vào hoạt động. Nhà máy phải chạy trễ do giá đường đang giảm, càng chạy càng lỗ. Với giá bảo hiểm tối thiểu 650 đồng/kg, nếu giá đường tăng, công ty sẽ tăng giá thu mua mía cho nông dân” - ông Hòa nói.

Đường nhập lậu lấn át

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: “Niên vụ 2013-2014, công ty bao tiêu 7.000 ha mía tại huyện Phụng Hiệp với giá 830 đồng/kg đối với mía 10 CCS. Với giá thành sản xuất 750-800 đồng/kg, nông dân có lời chút ít. Hiện công ty mua mía theo giá thị trường đang tăng, tại Nhà máy Đường Phụng Hiệp là 930 đồng/kg, còn tại Xí nghiệp Vị Thanh là 955 đồng/kg”.

Giá đường tại Công ty Casuco bán ra là 14.300 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, đường nhập lậu tràn vào bán với giá chỉ 13.700 đồng/kg (giao đến tận các đại lý), lấn át đường nội địa.

“Đường tồn kho trên cả nước khoảng 150.000 tấn, dự kiến đến cuối tháng 11 này sẽ tiêu thụ hết. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà máy đường của các tỉnh đã hoạt động, lượng cung tiếp tục ra thị trường nên tình trạng tồn đường sẽ tái diễn” - ông Ngoan lo lắng.

Ông Nguyễn Thái Hòa cho rằng chính lượng đường thế giới và trong nước dư thừa, cộng thêm việc đường nhập lậu tràn lan đã đẩy các nhà máy đường nội địa vào thế khó nên không thể mua mía giá cao cho nông dân. “Đến năm 2015, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới, đường ngoại tràn vào Việt Nam với thuế suất chỉ bằng 0. Lúc đó, ngành mía đường càng điêu đứng hơn. Người trồng mía hiện nay chỉ chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng nên khó cạnh tranh nổi. Trên thế giới, các nước chỉ cần 8 tấn mía sản xuất ra 1 tấn đường, còn Việt Nam cần đến 11 tấn” - ông Hòa so sánh.

Theo ông Nguyễn Thế Tự, để giải quyết khó khăn cho ngành mía đường hiện nay, cần giảm diện tích trồng mía, chuyển sang trồng cây ăn trái. Ngoài ra, cần khuyến cáo nông dân ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào trồng mía thay vì sản xuất thủ công.

Giám sát chặt đường tạm nhập tái xuất

Đường nhập lậu đang chiếm 1/3 lượng đường trong nước. Tính từ năm 2011 đến tháng 6-2013, hải quan các tỉnh đã phát hiện, xử lý 102 vụ vi phạm trong tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, với trên 13.000 tấn.

Với số lượng trên, Bộ Công Thương cho rằng “không đáng kể” nên đề nghị không nên đưa đường vào danh mục ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc này.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo UBND các tỉnh biên giới và lực lượng hải quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường.


Có thể bạn quan tâm

thanh-long-ruot-do-de-trong-lai-cao Thanh Long Ruột Đỏ Dễ… 1-nguoi-nuoi-heo-treo-chuong-vi-so-lo Người Nuôi Heo “Treo Chuồng”…