Mô hình kinh tế Mùa Săn Trâu Rong

Mùa Săn Trâu Rong

Ngày đăng 02/03/2015

Trâu rong là tên mà người dân ở huyện miền núi Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) dùng để gọi những con trâu nhà thả lên rừng lâu năm trở thành trâu hoang dã.

Và ở xứ này, săn trâu rong là một nghề khá phổ biến và cũng lắm chuyện bi hài. Hốt bạc đấy, nhưng cũng có khi phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.

Hợp đồng săn trâu

Nằm dưới chân dãy núi Giăng Màn, các xã Hương Quang, Hương Điền, Hương Minh, Hương Thọ… (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu đã có những mùa lên rừng săn trâu rong hết sức rầm rộ.

Đó là những ngày tháng cận kề với tết cổ truyền, khi mà giá mỗi cân thịt trâu rong luôn ở mức kịch trần. Mỗi con trâu săn bắt được có giá cả trăm triệu đồng, không ít kẻ kiếm vài ba chục triệu như trở bàn tay.

Thực ra, gốc gác của những đàn trâu rong giữa rừng núi miền biên ải này vốn dĩ là trâu nhà được chủ thả tự do vào rừng. Đó là tập quán chăn nuôi tự bao đời nay của những người dân các xã nằm sâu trong vùng lõi VQG Vũ Quang.

Nhà nào có trâu chỉ việc đánh dấu để dễ bề nhận dạng, tránh việc nhầm lẫn rồi mang vào rừng sâu thả tự do. Năm này qua tháng khác, chủ trâu thi thoảng làm một chuyến lên rừng để xem thử trâu có còn hay mất.

Núi rừng hoang hoải, những con trâu nào thả rừng sống được đều biến thành trâu rong, sinh sôi thành đàn thành đống, tất cả đều rất hung dữ. Chính vì thế, những khi có nhu cầu bán hoặc giết thịt, chủ trâu không thể tự đi bắt trâu về mà chỉ có cách duy nhất là thảo sẵn các bản hợp đồng gửi tới các toán thợ săn chuyên nghiệp đang phát triển ngày một nhiều ở vùng đất này.

Trong số hàng chục toán thợ, hàng trăm thợ săn trâu rong ở miền sơn cước phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Đình Lục (70 tuổi) được xem là tổ nghiệp nghề săn trâu.

Đã ở tuổi thất thập nhưng ông già này mắt còn tinh anh, người còn nhanh nhẹn, luồn rừng, vượt suối không thua gì đám thanh niên vạm vỡ. Ông vốn là bộ đội phục viên, trở thành thợ săn trâu số một vùng đất này cũng là chuyện khá tình cờ.

“Những năm 1990, sau khi xuất ngũ về địa phương, tui nghe dân làng phàn nàn trâu của họ thả vào rừng nhiều năm không có cách nào bắt về vì chúng hung dữ quá. Ban đầu chỉ tham gia giúp đỡ chủ trâu, dần dà, số trâu rong của dân làng nhiều quá nên tui gắn với nghề săn bắt trâu luôn”, ông Lục kể thế.

Mỗi chuyến săn trâu rong thường vô định. Một tuần, nửa tháng, có khi lên đến cả tháng trời nằm phục giữa rừng sâu. Cái nghề nguy hiểm và nặng nhọc này đòi hỏi các nhóm thợ săn, ngoài việc tập hợp những thanh niên trai tráng còn phải có những nhóm trưởng dày dạn kinh nghiệm, thông thạo thủy thổ như ông Lục. Bởi, tuyệt kỹ săn trâu rong không chỉ đòi hỏi sức mà còn cần tài đánh hơi, bắt dấu, định vị chính xác đàn trâu giữa tứ bề sơn thủy.

Thợ săn trâu kể, sau khi biết đích xác đàn trâu cần bắt đang ở vị trí nào, họ phải rất công phu phân công nhiệm vụ dựng hàng rào bao vây trong vòng bán kính 500 m thường được gọi là “gióng”. Cách đoạn trên hàng rào, thợ săn dùng thân cây lớn rào thành những lối đi mà họ gọi là “khụa” để làm sao khi trâu rong bị dồn vào đấy chỉ có tiến chứ không thể lùi.

Những năm gần đây, thịt trâu rong trở thành đặc sản. Dân bản địa thường ca tụng thịt trâu rong không chỉ ngon, bổ mà ăn vào sẽ rất may mắn, đặc biệt là trong vài ba ngày tết. Chính vì thế, vào những dịp này mỗi kg có khi lên đến cả triệu đồng, tựa như thịt trâu chọi trong các lễ hội.

Nghề săn trâu cũng vì thế mà có giá. Chỉ trong vòng có mấy năm, hợp đồng bắt trâu từ chỗ một hai triệu đồng/con vọt tăng lên thành vài chục triệu. Còn như bây giờ, hầu hết các hợp đồng bắt trâu đều thống nhất hình thức: Nếu bắt được thì xẻ đôi. Chủ trâu một nửa, thợ săn một nửa.

Lối đi trong khụa thường được thiết kế theo kiểu hẹp dần, dài cả vài ba chục mét. Một khi đánh lừa được trâu rong vào khụa, cánh thợ săn dùng trống hoặc chiêng cùng với đất đá xua đuổi, tìm cách đẩy trâu rong càng đi sâu vào trong khụa càng tốt.

Khi ước chừng khụa đã chật, chỉ vừa vặn đúng kích thước trâu rong, những người được phân công nấp sẵn ùa ra chốt chặt khiến trâu không có cách gì cựa quậy. Chủ trâu thông báo cho nhiều chủ trâu khác và chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng lên lập biên bản để bắt về.

Những lão làng nhất cũng không thể đoán được giữa rừng Vũ Quang còn khoảng bao nhiêu đàn trâu rong. Chỉ ước lượng, một năm có gần cả trăm con trâu bị các nhóm thợ săn chinh phục. Mỗi con trâu rong ở tuổi trưởng thành có giá gần cả trăm triệu đồng, để càng lâu càng khó bắt nên có nhiều trường hợp chủ trâu và thợ săn xẻ đôi ngay giữa rừng, khi vừa bắt xong. Mỗi một năm, toán thợ săn của ông Lục nhận khoảng dăm bảy hợp đồng bắt trâu, đút túi vài ba chục triệu đồng mỗi người.

Nghề nguy hiểm

Lẽ thường, nghề gì thu nhập càng cao thì càng nguy hiểm. Nghề săn trâu rong không phải là ngoại lệ. Chuyện tai nạn nghề nghiệp xảy ra như cơm bữa. Nhiều thợ săn trâu phải đánh đổi bằng chính tính mạng bản thân.

Nhưng hơn hết những mùa săn trâu vẫn cứ tiếp diễn bởi đàn trâu rong chẳng khác gì khối tài sản khổng lồ lang thang giữa rừng sâu.

Ví như nhóm thợ săn của ông Lục. Trong nhóm từng có một người săn trâu rất giỏi tên là Vận. Cách đây mấy năm, cũng dịp giáp tết, nhận hợp đồng đặt hàng của một chủ trâu với giá cao ngất 50 triệu đồng, nhưng đó là con trâu vô cùng hung dữ.

Sau khi lùa được trâu vào khụa, cả ông Lục và ông Vận xông ra dùng gậy chốt. Gặp con trâu rừng lâu năm, vừa khỏe vừa rất hung hãn, nó bật tung cả khụa quay lại tấn công toán thợ săn.

Ông Lục bị húc văng vài ba mét, còn ông Vận bị húc chết ngay tại chỗ. Say máu, con trâu hung dữ còn lần theo toán thợ truy đuổi, chạy bán sống bán chết. Ông Lục bị thương nhưng cố leo được lên cây nên thoát chết.

Sau đận ấy, toán thợ ông Lục lác đác có người bỏ nghề. Chỉ một năm sau, trong nhóm của ông lại có người bị trâu rong húc. Anh S, người bị nạn đã bỏ hẳn nghề sau lần ấy kể: Lần ấy cũng gặp con trâu khỏe quá. Nó giật tung cả khụa, tui đứng gần nên bị lao tới đầu tiên. Nghĩ chắc chắn là bị nó húc chết rồi, cũng may nó tông thẳng vào hạ bộ, làm dập nát phần bụng dưới, nằm viện mất nửa năm trời.

Rồi chuyện gẫy chân, gẫy tay trong quá trình săn trâu cũng xảy ra như cơm bữa. Những người đã và đang làm nghề như ông Lục hay anh S xem đó là lẽ tất nhiên. Duy chỉ có một chuyện, khi nhắc đến cánh săn trâu rong thường kinh hồn bạt vía là săn nhầm… phải voi.

Ông Lục kể, có nhiều trường hợp, sau khi thợ săn dựng xong gióng, xong khụa chuẩn bị bắt trâu thì mới phát hiện khu vực này còn có cả voi rừng. Tự nhiên con người xâm phạm đến lãnh địa, các đức ông ùa ra gầm rú ầm ầm quần nát tan tành hết cả. Loài voi ở khu vực này vốn dĩ cực kỳ hung dữ, một khi đã đuổi người thì đuổi đến cùng mới thôi. Những lần như thế, giữ được mạng xem là cao số lắm.

“Vất vả lắm, nguy hiểm lắm, nhiều khi cũng muốn bỏ nghề nhưng rồi các chủ trâu lại đến nhờ. Con trâu là đầu cơ nghiệp, nếu không có thợ săn trâu thì các chủ trâu xem như mất luôn “cơ nghiệp” rồi”, ông Lục tâm sự thế.

Năm ngoái, một số thợ săn trâu rong ở Vũ Quang đầu tư cả súng gây mê để lên rừng. Tuy nhiên, theo cánh thợ săn mỗi một phát súng gây mê có giá khoảng 20 triệu đồng nên hình thức săn trâu rong thủ công vẫn được phổ biến nhất. Và cứ đến hẹn, những mùa săn lại bắt đầu.


Có thể bạn quan tâm

thang-mai-tet Thắng Mai Tết trong-cam-sanh-khong-hat-huong-den-xuat-khau Trồng Cam Sành Không Hạt…