Mô hình kinh tế Mùa Vịt Chạy Đồng

Mùa Vịt Chạy Đồng

Ngày đăng 03/11/2014

Hiện nay, trên các cánh đồng chờ vào vụ mới, những người nuôi vịt tranh thủ chạy đồng theo cách truyền thống để giảm bớt nguồn thức ăn. Dù vất vả nhưng bù lại người nuôi thu lãi cao.

Trên các cánh đồng rộng mênh mông ở huyện Tây Hòa (Phú Yên), những đàn vịt chạy đồng hàng ngàn con rúc đầu ăn cua, ốc, tôm tép.

Mùa này, lượng mồi ngoài ruộng dồi dào nên vịt lớn nhanh, mập tròn. Ông Nguyễn Chấn, một chủ vịt ở xã Hòa Đồng, cho hay: Tôi nuôi loại vịt cò (vịt có lông màu trắng); loại này chân cao đi đồng khỏe nên đến mùa chạy đồng người nuôi dễ lùa từ đồng này sang đồng khác.

Còn nuôi giống vịt siêu thịt, thân hình ục ịch không đi xa được, muốn dời đồng phải thuê xe vận chuyển tốn thêm chi phí. Mùa này, nếu nuôi vịt cò đuổi đồng cỡ khoảng hai tháng mười ngày là xuất chuồng, trọng lượng mỗi con có thể đạt từ 2,5 đến 2,7kg, bán xô giá từ 62.000 đến 65.000 đồng/con.

Tại huyện Đồng Xuân, ông Lê Văn Tám ở xã Xuân Phước gầy nuôi vịt con khi vụ hè thu vừa kết thúc. “Thời điểm nông dân gặt lúa rộ, tôi bắt đầu gầy đàn vịt con.

Khi vịt còn trong tháng (chưa qua 1 tháng tuổi), tôi hầm lúa cho vịt ăn rồi thả đồng. Đến nay, đàn vịt đã gần tháng rưỡi, mỗi con cân nặng gần 2 ký. Mùa này, vịt mau mập vì có lúa chét (lúa tái sinh trổ đòng), cua, tép… vịt ăn đủ chất mau lớn. Nuôi thêm một tháng nữa thì bán được, tôi lãi ròng từ 30 đến 40 triệu đồng với đàn vịt trên 2.000 con”, ông Phụng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hồng ở xã An Thạch (huyện Tuy An), người có thâm niên gần 15 năm nuôi vịt đẻ chạy đồng thì cho biết: “Tôi theo nghề này của ba tôi, lúc nhỏ tôi theo ông chạy đồng khắp các cánh đồng từ Phú Yên, Khánh Hòa lên tận Gia Lai, nơi nào có đồng lúa thì có dấu chân của tôi. Tuy nhiên nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng vất vả, lội ruộng từ đồng này sang đồng khác. Sắp đến tôi thả vịt ra Bình Định để ăn bông cỏ mật”.

Ông Ngô Phi Tâm ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) đang nuôi 1.200 con vịt đẻ, với tỉ lệ đẻ khoảng 80%, mỗi đêm ông thu được 1.000 trứng, với giá 2.500 đồng/trứng, ông thu được 2,5 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công lao động, gia đình ông lãi khoảng 300.000 đồng/ngày. Cũng theo ông Tâm, cách đây 1 tháng, bầy vịt của ông chưa có thức ăn ngoài đồng, nên mỗi đêm chỉ đẻ 900 trứng, nay tăng lên 1.000 trứng.

Một người có kinh nghiệm nuôi vịt đẻ gần 10 năm ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) - ông Nguyễn Văn Xuân cho hay: “Để đàn vịt đẻ chạy đồng tốt, trước hết cần loại bỏ những con vịt thay lông sớm. Nuôi vịt đẻ cũng như vịt thịt phải tiêm phòng đầy đủ. Bệnh thường gặp là tụ huyết trùng và dịch tả, nên phải tiêm ngừa vắc xin”.

Hiện nay nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng đang phát triển mạnh ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An và Đồng Xuân, mỗi địa phương lên đến hàng chục ngàn con. Điều quan trọng hơn, nuôi vịt chạy đồng đã góp phần giảm một lượng ốc bươu vàng đáng kể.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có gần 1,3 triệu con vịt. Ngành Thú y tiêm phòng bệnh cúm gia cầm theo nhu cầu của người chăn nuôi, đồng thời tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, kiểm tra vệ sinh thú y, giết mổ nhằm kiểm soát dịch bệnh và góp phần đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi và tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ran-ho-mang-cho-hieu-qua-kinh-te-cao Nuôi Rắn Hổ Mang Cho… xay-dung-vung-chan-nuoi-an-toan-tai-nam-dinh-thai-binh Xây Dựng Vùng Chăn Nuôi…