Mô hình kinh tế Muối Sạch Trải Bạt Giúp Diêm Dân Sống Ổn

Muối Sạch Trải Bạt Giúp Diêm Dân Sống Ổn

Ngày đăng 12/11/2014

Hơn 2 năm trở lại đây, mô hình muối trải bạt được diêm dân nhân rộng ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. So với phương pháp sản xuất muối truyền thống thì mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần.

Về Cần Giờ những ngày nay chắc hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên bởi những cánh đồng muối trải dài tít tắp. Với 23 km chiều dài bờ biển, Cần Giờ là khu vực sản xuất muối lớn thứ 3 so với cả nước.

Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại hai xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện tại, toàn huyện có 730 hộ sản xuất muối, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.800 lao động. Trong năm 2014, toàn huyện đưa vào sản xuất gần 1.700 ha ruộng muối, trong đó có hơn 900 ha ứng dụng phương pháp trải bạt, tăng 519 ha so với năm 2013.

Trao đổi với PV, Diêm dân Dương Minh Hồng ngụ ấp Lý Thái Bửu (Lý Nhớ, Cần Giờ) hồ hởi: “Học tập các bà con diêm dân khác, năm nay gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hơn 1.000 m2 bạt trải cho ruộng muối của mình. So với cách làm muối truyền thống, mô hình muối trải bạt cho năng suất cao hơn từ 15-20 tấn/ha. Nhờ vậy mà vụ vừa rồi dù xuất hiện 2 cơn mưa trái mùa, gia đình tôi vẫn đảm bảo được năng suất trên 100 tấn. Sau khi trừ chi phí, đợt bán muối vừa rồi giúp gia đình lãi gần 40 triệu đồng”.

Muối kết tinh trên bạt nhựa có hạt to đều, trắng tinh lẫn ít tạp chất. Hàm lượng NaCl cao hơn 95% nên muối đậm đà, không đắng, nhờ vậy mà giá bán cao hơn 10-15%. Trong năm 2014, trên địa bàn huyện sản xuất muối trải bạt đạt 900 ha, tăng giá trị sản phẩm gần 24 tỷ đồng so với muối kết tinh có cùng diện tích.

Do đặc thù nền đất của huyện Cần Giờ rất yếu nên không thể đầu tư cơ sở hạ tầng vững chắc trên ruộng muối. Ngoài ra độ sạch của nước biển tại đây có nhiều tạp chất, kém trong so với một số vùng sản xuất muối khác ở Duyên hải miền Trung.

Vì vậy, nếu áp dụng phương pháp sản xuất nền đất truyền thống thì muối sẽ giảm cả về năng suất lẫn chất lượng. Có thể nói, phương pháp sản xuất muối trải bạt là biện pháp cứu cánh phù hợp với đặc thù các ruộng muối ở Cần Giờ. Về cơ bản, giai đoạn sản xuất muối theo phương pháp trải bạt giống với phương pháp truyền thống, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa.

Thông thường mỗi ruộng muối cần khoảng 1.200-1.300 m2 bạt trải, sau đó dẫn nước biển qua các ruộng đến ruộng có trải bạt, sau một tuần là có thể thu hoạch muối.

Bạt sau khi thu hoạch xong sẽ được diêm dân gom về để dành cho vụ sau, nếu mua chất bạt tốt thì có thể tái sử dụng được 5 - 6 vụ. Khi gom muối diêm dân cũng nên lưu ý sử dụng các loại cào có lớp đệm cao su ở phần lưỡi cào để tránh làm hư hỏng bạt nhựa.

Ông Phạm Trọng Đức, Phó phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết: “Trước những tính năng vượt trội của mô hình muối trải bạt, hiện tại huyện đang tổ chức hướng dẫn, vận động bà con ở các xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh chuyển sang sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt.

Đồng thời giới thiệu, thử nghiệm phương pháp sản xuất muối trải bạt kết hợp cất trữ nước chát để giúp diêm dân chủ động trong sản xuất, tránh lệ thuộc vào thời tiết, giảm thời gian kết tinh muối khi gặp mưa trái mùa”.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134454/kinh-te/muoi-sach-trai-bat-giup-diem-dan-song-on.html


Có thể bạn quan tâm

van-la-von-va-dich-benh-tren-tom Vẫn Là Vốn Và Dịch… 20-dn-tham-gia-mo-rong-canh-dong-lon-tren-20-000-ha 20 DN Tham Gia Mở…