Nam Bộ Phát Triển Mạnh Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát triển mạnh ở khu vực Nam Bộ, đặc biệt là vùng ĐBSCL với những nông dân thuần thục trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa.
Vụ Đông Xuân 2012 - 2013, khu vực Nam Bộ có 21 tỉnh, thành đăng ký tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 76.500 ha, tăng 50.000 ha so với mức thực hiện của vụ hè thu 2012.
Việc mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn dựa trên đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình này ở một số địa phương trong các vụ lúa 2011 - 2012 cho thấy, riêng tại Nam Bộ lợi nhuận thu được từ mô hình này cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống sạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh. Giá thành sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn thấp hơn từ 120 - 600 đồng/kg so với ngoài mô hình.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn bắt đầu ở vụ hè thu 2011 bắt đầu triển khai trên diện rộng với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha; trong đó, An Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất là 3.857 ha. Bến Tre là tỉnh có diện tích thấp nhất là 47 ha. Sang vụ đông xuân 2011 - 2012, diện tích cánh đồng mẫu lớn đạt gần 20.000 ha với 12/13 tỉnh ở ĐBSCL tham gia; vụ hè thu 2012 là 26.000 ha, tăng hơn 3 lần so với vụ hè thu 2011.
Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2013 - 2014, các tỉnh phía Nam sẽ có khoảng 200.000 ha tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tại các tỉnh Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn định hướng xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu 1.000.000 ha và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Để việc tiêu thụ lúa gạo tại các “Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL trong thời gian tới được ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị các Công ty thành viên của Hiệp hội Lương thực làm đầu mối liên kết nông dân ký hợp đồng đầu tư "đầu vào" và thu mua lúa trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn"; từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo của mỗi doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ cung ứng vật tư đầu vào như giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư hệ thống sấy, kho chứa, xay xát để bao tiêu lúa cho dân theo hợp đồng bằng cách trực tiếp tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.
Bộ cũng đề nghị các địa phương tổ chức thêm nhiều loại hình tiêu thụ lúa khác như: hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc nhóm nông dân đứng ra làm dịch vụ thu mua, tập hợp lúa trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” như là một thương lái và bán cho doanh nghiệp xuất khẩu…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ