Tin thủy sản Nâng cao chất lượng giống sò huyết

Nâng cao chất lượng giống sò huyết

Tác giả Nguyễn An, ngày đăng 22/11/2018

Hiện nay, việc sản xuất nhân tạo con giống sò huyết đã thành công, tuy nhiên chưa đủ cung cấp cho thị trường. Bởi vậy, con giống vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tự nhiên.

Xác định được trữ lượng con giống giúp chủ động sản xuất 

Con giống ngoài tự nhiên

Hiện, nguồn giống phục vụ thị trường chủ yếu là từ khai thác tự nhiên. Bởi vậy, trước khi tiến hành lấy giống, người nuôi cần phải điều tra, nắm được diện tích bãi giống, trữ lượng giống để có thể chủ động trong sản xuất. Xác định diện tích qua điều tra vùng phân bố của sò giống và xác định trữ lượng giống dựa trên diện tích bãi giống.

Căn cứ vào khu vực phân bố của sò để lựa chọn vị trí khai thác phù hợp. Trong tự nhiên, sò phân bố ở ba khu vực: Nơi có thủy triều cao, thủy triều vừa và thủy triều thấp. Nhưng số lượng của sò huyết tại ba khu vực này rất khác nhau. Theo các kết quả điều tra, tại vùng thủy triều vừa và thấp thì sò huyết tập trung nhiều nhất. Thời điểm thích hợp để khai thác giống là khoảng 10 - 15 ngày sau khi người nuôi nhìn thấy sò xuất hiện. Có hai hình thức khai thác đang được áp dụng, cụ thể:

Khai thác trên bãi cạn: Chọn thời điểm khi triều xuống lộ mặt bãi, dùng cào cào lớp bùn trên mặt, sau đó sử dụng sàng hoặc rổ đãi bùn loại bỏ rác, tạp vật để lấy sò giống. Mỗi lần lấy giống xong phải san lại mặt bãi cho bằng phẳng để thu giống sò đợt sau.

Khai thác bãi ngập nước: Phương pháp này đòi hỏi quy mô lớn hơn, có thể sử dụng thuyền máy có lưới cào. Thời điểm là vào những ngày có ít sóng hoặc thủy triều bắt đầu xuống nhưng nước vẫn còn ngập bãi. Cách tiến hành tương tự như ở trên.

Dụng cụ: cào, lưới, thuyền máy có lưới cào, sàng, rổ.

Sản xuất giống nhân tạo

Để sò huyết bố mẹ có chất lượng cao, khi lấy sò ngoài tự nhiên về, chúng cần được nuôi ở khu vực triều thấp, có điều kiện thức ăn phong phú, nước lưu thông. Đặc biệt, nuôi với mật độ thưa để thời gian thành thục nhanh. Khi sò đã thành thục, tiến hành sinh sản nhân tạo. Công đoạn này được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Các phương pháp kích thích sinh sản thường được sử dụng gồm:

Kích thích bằng dung dịch Amoniac (NH4OH): tiêm 0,2 - 0,5 ml nước biển có chứa 2‰ Amoniac vào xoang màng áo của sò, sau đó cho vào nước biển đã lọc sạch, 20 phút sau sò sẽ đẻ.

Sử dụng dung dịch Amoniac kết hợp với hạ thấp nhiệt độ: Có thể chia làm phương pháp tiêm và ngâm. Đối với tiêm, sau khi tiêm dung dịch Amoniac cho sò vào nước có nhiệt độ 11 - 130C trong 90 phút, sau đó vớt sò ra và cho vào nước biển ở nhiệt độ bình thường 280C, sò sẽ đẻ sau 10 phút. Ở phương pháp ngâm, sò ngâm trong dung dịch Amoniac 1‰, sau 3 giờ vớt sò ra để khô khoảng 90 phút, sau đó thả sò vào nước biển có nhiệt độ 11 - 130C trong 90 phút, cuối cùng cho vào nước biển có nhiệt độ bình thường, sò sẽ đẻ sau 20 phút.

Hạ nhiệt độ kết hợp nước chảy: Đem sò bố mẹ vào tủ lạnh ở 100C trong 2 giờ sau đó chuyển sò sang nước biển ở nhiệt độ bình thường. Kích thích nhiệt ở 7 - 120C kết hợp với nước chảy.

Trứng sò sau khi đẻ được lọc qua lưới phiêu sinh rồi cho vào thau, chậu, sau đó cho tinh dịch vào (tinh dịch có thể lấy bằng các kích thích sinh sản hay giải phẫu). Khuấy đều trong thời gian 30 phút, sau đó rửa lại vài lần, ấu trùng phù du sẽ xuất hiện khoảng sau 2 giờ. Nhiệt độ thích hợp cho giai đoạn thụ tinh là 280C.

Vận chuyển

Sò giống tốt thường có màu trắng hồng, sạch sẽ, không lẫn tạp vật. Tránh thả giống có mùi hôi hoặc lẫn các sinh vật địch hại như cua ốc. Sau khi lấy giống có thể vận chuyển giống bằng phương pháp giữ ẩm. Trong quá trình vận chuyển con giống tránh để sò tiếp xúc với nước ngọt đặt biệt là nước mưa. Thời gian vận chuyển không quá 6 giờ, sò giống được đựng trong bao bố, để nơi thoáng mát, vận chuyển bằng xe hoặc tàu thuyền. Trong quá trình di chuyển, thường xuyên tưới nước biển lên các bao đựng sò giống để sò dễ hô hấp.

Lưu ý, nên duy trì nhiệt độ thấp giúp thời gian vận chuyển lâu hơn và tỷ lệ sống cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

lai-tien-ty-nho-lam-nha-nuoi-tom Lãi tiền tỷ nhờ làm… su-dung-khoang-trong-nuoi-tom Sử dụng khoáng trong nuôi…