Tin thủy sản Nâng cao cơ hội nuôi thương phẩm vẹm xanh

Nâng cao cơ hội nuôi thương phẩm vẹm xanh

Tác giả Phương Ngọc, ngày đăng 05/04/2019

"Ở Việt Nam, vẹm xanh được nuôi tập trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đầm Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đầm Nha Phu (tỉnh Khánh Hòa) và Kiên Giang. Giá bán vẹm xanh những năm gần đây luôn ổn định ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg (loại 50 - 60 con/kg)."

Vẹm xanh (Perna viridis) được nuôi khá nhiều ở một số khu vực ven biển nước ta. Tuy nhiên, nghề nuôi này chưa thực sự phát triển bởi nguồn giống hạn chế. Đã đến lúc thay đổi để phát triển nghề nuôi thương phẩm đối tượng này.

Vẹm xanh (Perna viridis) Ảnh: ST

Vẹm xanh là loài thủy sản ở biển thuộc ngành thân mềm, lớp 2 mảnh vỏ, khi còn nhỏ vỏ vẹm có màu xanh, lớn lên chuyển thành màu xanh đen, mặt trong vỏ màu trắng óng ánh xà cừ. Trong môi trường tự nhiên, vẹm phân bố ở tuyến hạ triều đến độ sâu trên 10 m nước.

Đa lợi ích

Vẹm vỏ xanh là loài có giá trị kinh tế, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được nuôi phổ biến làm nguồn thực phẩm cho con người và được chiết xuất để làm dược liệu chữa bệnh. Đồng thời, nuôi vẹm xanh không những chỉ có lợi ích kinh tế thuần túy, mà còn có tác dụng cải tạo môi trường NTTS thông qua cơ chế lọc sinh học của đối tượng nuôi này, góp phần tạo sự cân bằng môi trường sinh thái trong các đầm, vịnh, vùng cửa sông, đồng thời giúp các đối tượng thủy sản khác như tôm sú, tôm hùm, cá mú… phát triển bền vững, các địa phương cần triển khai nhân rộng.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, đã và đang gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi trầm trọng. Nguyên nhân chính là mật độ nuôi tôm quá dày, quá sức tải của môi trường; việc sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh còn chưa đúng phương pháp, dẫn đến nghề nuôi tôm hùm hiện nay còn nhiều rủi ro do nhiễm bệnh ngay tại vùng nuôi. Để giải quyết vấn đề này, từ kinh nghiệm thực tế, bà con nuôi tôm hùm lồng đã có những biện pháp hữu hiệu, dễ thực hiện và có tính khả thi cao, đó là việc có thể nuôi ghép các đối tượng nhuyễn thể trong vùng nuôi tôm hùm nhằm hấp thụ phần nào lượng các chất thải hữu cơ do quá trình nuôi tôm hùm gây ra, trong đó vẹm xanh là đối tượng nuôi có thể phát huy được khả năng đối với hình thức nuôi ghép này.

Từ cuối năm 2017, xuất phát từ đề tài nghiên cứu và khuyến cáo của Viện Nghiên cứu NTTS III, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai mô hình nuôi tôm hùm kết hợp vẹm xanh, rong sụn để cải thiện môi trường vùng nuôi tôm hùm tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu. Việc thả nuôi kết hợp, bước đầu cho thấy, tôm hùm sinh trưởng phát triển tốt, môi trường nước xung quanh được cải thiện đáng kể; ngoài đối tượng tôm hùm, các hộ dân còn có thêm thu nhập từ vẹm xanh, rong sụn.

Giải bài toán giống

Hiện nay ở Việt Nam, vẹm từ món ăn bình dân “vui miệng” với giá khoảng 5.000 đồng/kg nay đã vượt lên 40.000 - 45.000 đồng/kg, nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu đều cao nên rất “khát” hàng.

Năm 2003, Viện Nghiên cứu NTTS III đã cho sinh sản nhân tạo thành công loài vẹm xanh. Tháng 4/2004, Trại sản xuất giống thủy sản Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) được chuyển giao quy trình kỹ thuật này và thu hoạch 2,4 triệu con vẹm giống. Số vẹm giống nhân tạo này được đưa vào sản xuất thử nghiệm ở ngoài biển và trong ao nuôi không chỉ đem đến thu nhập cao cho người nuôi mà còn bảo vệ được môi trường nước do vẹm là “máy lọc tảo” sinh học, ăn các chất hữu cơ lơ lửng trong nước làm giảm mật độ tảo (có nhiều trong ao nuôi sau 45 ngày thả tôm sú giống) mà không cần đến hóa chất diệt tảo như hiện nay. Riêng nuôi vẹm xanh ngoài biển là một hướng mở cho người dân ven biển thiếu đất, thiếu vốn sản xuất.

Việt Nam đã chủ động được con giống vẹm xanh, tuy nhiên nguồn giống vẫn còn rất ít nên hình thức nuôi vẹm chủ yếu hiện nay vẫn là nuôi cọc lấy giống từ tự nhiên, rất ít nuôi treo (giống nhân tạo). Theo đó, để phát triển nuôi thương phẩm nghề này thì công tác nghiên cứu và sản xuất giống nhân tạo cần phải được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.

Nhìn từ thực tế có thể thấy, vẹm xanh đang là con nuôi chủ lực của nhiều vùng ven biển, mang lại một cuộc sống khá giả cho người dân; tuy nhiên, điều người dân băn khoăn là chưa có đầu ra và con giống ổn định. Sự quan tâm lập kế hoạch đầu ra và phát triển giống nhân tạo cho vẹm xanh của các ban ngành có liên quan lúc này là thật sự cần thiết để người dân yên tâm sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-buoc-dau-cua-mo-hinh-nuoi-tom-trong-be-xi-mang Hiệu quả bước đầu của… tiem-nang-nuoi-ca-dieu-hong-tai-honduras Tiềm năng nuôi cá điêu…