Trồng lúa Nâng cao năng suất lúa nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa

Nâng cao năng suất lúa nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa

Tác giả Lê Huy, ngày đăng 29/12/2017

Mô hình này đồng bộ cơ giới hoá đã góp phần giảm chi phí, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao năng suất lúa nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Ảnh minh hoạ

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã công bố báo cáo về việc áp dụng đồng bộ cơ giới hoá vào sản xuất lúa vụ mùa. Cụ thể, năm 2016 đơn vị này đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương” với tổng diện tích 200 ha, ở vụ xuân và vụ mùa, quy mô mỗi mô hình: 10ha/HTX/điểm trở lên.

Vụ mùa năm 2016, Đề tài được thực hiện với quy mô 93,28 ha, đạt 93,28% kế hoạch, với 484 hộ tham gia tại 4 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và huyện Kinh Môn. Theo đó, mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, đồng thời hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật.

Đầu tiên là áp dụng kỹ thuật sử dụng chế phẩm Biomix RR xử lý gốc rạ trên ruộng. So sánh đối chứng với ruộng không xử lý chế phẩm cho thấy ruộng không xử lý có tốc độ phân hủy rơm rạ chậm và lúa bén rễ hồi xanh chậm hơn. Như vậy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã có tác dụng xử lý triệt để rơm rạ dư thừa thành lớp mùn cho đất ruộng, hạn chế lượng rơm rạ bị đốt sau thu hoạch.

Tiếp theo đó, phương thức gieo cấy trong mô hình là gieo mạ khay và cấy bằng máy, với mật độ chỉ từ 28 – 30 khóm/m2, cấy 3-5 dảnh/khóm, gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, và TBR1. Mô hình đối chứng là gieo mạ sân, cấy thủ công với mật độ 40 – 45 khóm/m2, cấy 3-5 dảnh/khóm trên cùng giống lúa.

Kết quả theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa cấy trong mô hình cho thấy: Tại các mô hình sử dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy có mật độ khóm/m2 thấp nên thuận lợi cho cây lúa quang hợp ánh sáng, lúa đẻ nhánh khỏe, số dảnh hữu hiệu/khóm cao hơn so với ruộng đối chứng cấy thủ công bằng mạ sân. Thời gian sinh trưởng của cây lúa ở 2 mô hình tương đương nhau. Vụ mua năm 2016, thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh ít phát sinh gây hại. Mô hình gieo cấy mạ khay, cấy máy có mức độ chống chịu sâu bệnh tốt, không bị nhiễm các bệnh sâu cuốn lá, bạc lá, khô vằn, khả năng chống đổ tốt.

Xét về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí ở mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay cấy máy là 25 – 27 triệu đồng/ha, thấp hơn chi phí ở mô hình đối chứng gieo mạ sân, cấy thủ công từ 15-25 nghìn đồng/sào, giảm thuốc bảo vệ thực vật là 40 nghìn đồng/sào. Năng suất các mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy máy cao hơn so với cấy thủ công từ 2,5 - 5,4 tạ/ha nên hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4 - 5,1 triệu đồng/ha, tương đương 145 - 185 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, mô hình cấy máy còn góp phần giải phóng sức lao động của phụ nữ, giảm áp lực thời vụ, phát huy tác dụng của dồn ô đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, với việc xây dựng mô hình mẫu trong sản xuất lúa áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, trong đó trọng tâm là làm mạ khay, cấy máy tại các địa phương trên cánh đồng cho kết quả thành công bước đầu hết sức quan trọng.


Có thể bạn quan tâm

cach-ngan-ngua-vang-lun-lun-soc-den-cho-lua-xuan-hieu-qua Cách ngăn ngừa vàng lùn,… phong-tru-benh-dao-on-hai-lua Phòng trừ bệnh đạo ôn…