Trồng lúa Ném mạ ở Cà Mau

Ném mạ ở Cà Mau

Tác giả Trần Hiếu, ngày đăng 13/03/2018

Ném mạ (hay còn gọi là thảy hoặc chọi mạ) thay cấy đang phổ biến ở vùng SX lúa - tôm của huyện Thới Bình (Cà Mau).

Với ưu điểm nhàn, nhanh, lúa phát triển tốt mạ ném được ưa chuộng

Kỹ thuật này có ưu điểm vừa nhàn, vừa nhanh lại giúp cây lúa phát triển tốt trên vùng đất mặn, phèn.

Thời gian này về huyện Thới Bình, những ruộng lúa “trễ vụ” (đất chuyển từ trồng mía sang làm lúa - tôm) thấy người dân tấp nập khẩn trương làm đất cho kịp thời vụ. Khác với nhiều nơi, người dân nơi đây không sạ trực tiếp, không cấy mạ, mà lại làm theo hình thức ném mạ (địa phương quen gọi mạ ném).

Ông Văn Phước Điệp ở ấp 5, xã Trí Lực đã nhiều năm làm mạ ném cho biết: "Vùng đất này làm lúa - tôm, khi tiến hành cấy lúa mà không rửa mặn kỹ, rễ lúa gặp mặn sẽ co lại không thể phát triển được. Nhiều năm trước tôi đã bị như vậy nên vụ lúa thu chẳng được bao nhiêu, rút kinh nghiệm không cấy nữa mà tôi chuyển qua làm mạ ném, hiệu quả rất cao".

Gia đình ông Điệp đã duy trì cách làm này 6 năm nay. Theo ông Điệp, ném mạ nhanh hơn rất nhiều so với cấy. Ném có 2 ưu điểm dễ dàng nhận thấy, là rễ cây lúa không bị tiếp xúc với đất mặn, phần đất còn dính lại trên cây sẽ giúp lúa đứng và nhanh chóng bén rễ trên bề mặt ruộng (lúc đó bề mặt ruộng độ mặn gần như bằng không), thuận lợi để cây bén rễ.

Theo người dân địa phương, trong SX vụ lúa trên đất nuôi tôm, khoảng gần chục năm nay họ đã biết áp dụng phương pháp ném mạ. Trí Lực là xã áp dụng phương pháp này đầu tiên, sau đó bà con các xã xung quanh học hỏi làm theo.

Kinh nghiệm của người dân là để mạ ném phát triển tốt chỉ cần rửa mặn 2 lần. Nếu cấy phải rửa mặn 4 - 5 lần thì cây không phát triển tốt bằng mạ ném. Đặc biệt, bà con lưu ý cách làm mạ ném: Khoảng cách phù hợp đẻ ném mạ cây cách cây khoảng 20 cm. Sau khi bứng mạ, không nên ném liền mà để ngoài ruộng qua 1 - 2 đêm sau đó ném sẽ tốt hơn.

"SX vụ lúa trên đất nuôi tôm vốn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, vì vậy khâu rửa mặn cho vuông tôm không phải lúc nào cũng được như ý, việc áp dụng kỹ thuật mạ ném góp phần rất lớn cho việc tăng hiệu quả SX, rất phù hợp với đất lúa - tôm. Hy vọng kỹ thuật này có thể giúp ích được bà con làm lúa - tôm tăng được hiệu quả kinh tế, giảm công sức, chi phí SX", ông Nguyễn Hoàng Lâm.

Trong SX lúa, cấy lúa là công đoạn nặng nhọc nhất, sạ thì không phải vùng đất nào cũng phù hợp (vùng làm lúa - tôm độ mặn cao, sạ mầm non lúa không phát triển). Chính vì vậy, phương pháp mạ ném đang được phổ biến. Với cách làm này công lao động nhẹ nhành hơn cấy rất nhiều lần, phụ nữ và trẻ nhỏ đều có thể làm tốt.

Chị Nguyễn Thị Ni ở ấp 8, xã Trí Lực cho biết, ném mạ khỏe hơn cấy rất nhiều, cấy thì đau lưng còn ném thì đứng làm, tư thế rất thoải mái. Một ngày ném nhanh có thể làm hơn 1 công đất (1 công bằng 1.200 m2), còn cấy thì chỉ được 0,5 công.

Được biết, cứ đến mùa ném mạ, một bộ phận lao động nhàn rỗi địa phương lại được giải quyết việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập nhờ đi ném mạ mướn. Hiện tại mỗi công ném mạ có giá từ 200 - 250 ngàn đồng, làm nhanh mỗi lao động có thể có nguồn thu hơn 1 công ném/ngày.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Lực cho biết: "Mô hình mạ ném trong xã đã được nhiều hộ dân ở các huyện lân cận như Cái Nước, Trần Văn Thời đến học hỏi chia sẻ kinh nghiệm. Mạ ném có rất nhiều ưu điểm. Khi gieo rút ngắn được thời gian và bứng mạ đưa ra đồng dễ dàng hơn. Mạ gieo để cấy lúa phải để hơn 1 tháng mới nhổ, rồi đập cho sạch đất sau đó mới cấy rất tốn công, còn ném thì người dân dùng giá (leng, xẻng) xúc cả đất đưa ra ruộng...".

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình chia sẻ kỹ thuật làm mạ ném tại địa phương: "Sử dụng mạ ném giống lúa phải trên 100 ngày. Sau khi gieo mạ từ 18 - 22 ngày, cao nhất là 25 ngày rồi bứng đi ném là phù hợp. Quá 25 ngày cây mạ sẽ phát triển chậm, khả năng đẻ nhánh sẽ kém.

Trên địa bàn huyện Thới Bình có trên 25.000 ha đất làm lúa - tôm, hầu hết bà con đều áp dụng phương pháp mạ ném. Cây lúa sau khi ném sẽ bắt rễ và sinh trưởng tốt hơn so với phương pháp cấy do hạn chế được ngộ độc mặn".


Có thể bạn quan tâm

doi-pho-voi-oc-buou-vang-hai-lua Đối phó với ốc bươu… cach-nem-ma-khi-gieo-ma-nem Cách ném mạ khi gieo…