Tôm sú Ngăn ngừa mầm bệnh trong trại sản xuất giống

Ngăn ngừa mầm bệnh trong trại sản xuất giống

Tác giả Nguyễn An, ngày đăng 16/08/2018

Cơ sở vật chất

Xây dựng trại giống phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi quy hoạch các khu sản xuất giống phải khảo sát chọn lựa địa điểm nuôi phù hợp, thuận lợi, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là không bị các hoạt động sản xuất của khu vực xung quanh gây cản trở hoặc làm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng phải phù hợp như chất lượng nước, độ pH, độ mặn, tính chất của đất.

Nâng cao chất lượng tôm bố mẹ

Tất cả tôm giống bố mẹ được nhập về từ trang trại nuôi phải qua khu vực cách ly và được kiểm tra hết sức cẩn thận để ngăn chặn sự xâm nhập của tôm nhiễm bệnh vào khu vực nuôi thành thục sinh sản. Khi đã có kết quả, các con tôm bố mẹ được chia theo lô và phân phối đến các bể. Lời khuyên cho các trang trại sản xuất giống là nên lưu trữ các dữ liệu về chu kỳ sản xuất của mỗi lô tôm bố mẹ, từ đó có thể xác định được lô nào cho sản lượng trứng và ấu trùng tốt.

Trong quá trình nuôi, các thông số quan trọng nhất được duy trì trong khu vực này, trong đó nhiệt độ nước 28 - 340C, có sục khí mạnh ở giữa bể. Nước phải được thay hàng ngày để tạo và duy trì một môi trường thuận lợi cho sinh sản, trong điều kiện ánh sáng yếu, và trên hết là tránh ồn ào bởi nó có thể tác động không tốt đến tôm bố mẹ.

Hàng ngày, sử dụng đèn để kiểm qua sự xuất hiện của trứng và quan sát mức độ phát triển của tuyến sinh dục. Dùng vợt bắt nhẹ nhàng những con cái được chọn, sau đó xử lý một cách cẩn thận.

Thực hiện an toàn sinh học

Tất cả các dụng cụ được sử dụng (bể, thùng, pipet) phải được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ngọt và được xử lý bằng chlorine ít nhất một lần/tuần.

Trên mỗi bể ương, cần được che chắn bằng bạt (tối nhất là loại geomembrane). Sau mỗi đợt sản xuất, cần vệ sinh sạch sẽ.

Tối thiểu 2 lần/tuần gửi mẫu ấu trùng tôm đến phòng thí nghiệm bệnh học để xét nghiệm. Nếu phát hiện mầm bệnh, các nhà sinh học cần có biện pháp xử lý đối với bể bị nhiễm, bể đó có thể được giữ lại hay cần loại bỏ ngay.

Đảm bảo chất lượng nước

Khi đã xác định được cụ thể ngày thả nuôi thì nước sẽ phải xử lý trước, nhiệt độ được quy định là 290C và hệ thống sục khí được kiểm tra nhằm đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan được duy trì ở mức tối ưu.

Lưu ý tránh việc có quá nhiều chất hữu cơ trong bể nuôi vì điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của các loài nguyên sinh động vật, chúng bám vào mang tôm và cản trở quá trình hô hấp của tôm. Nếu vi tảo rơi xuống đáy bể và hình thành các bong bóng thì có thể tôm sẽ bị dính vào đó; quá trình lột xác có thể bị chậm lại ở các ấu trùng yếu và không ăn.

Trong quá trình sống và phát triển ấu trùng sẽ thải phân và vỏ (do lột xác) làm dơ bẩn nước nuôi. Vì vậy muốn giữ ổn định môi trường nuôi, hàng ngày phải tiến hành vệ sinh, thay nước.

Xi phông đáy: Giảm nhẹ sục khí, dùng ống xi phông hút ra toàn bộ đáy bể, loại bỏ hết cặn bã, thức ăn dư thừa, vỏ và xác ấu trùng chết ra ngoài qua vợt.

Thay nước: Dùng dụng cụ thay nước hút nước ra ngoài đến mức cần thay, sau đó cấp nước mới có cùng điều kiện thủy lý, hóa vào (để tránh xảy ra sự thay đổi đột ngột về môi trường).

Ngăn chặn mầm bệnh vào thức ăn tươi sống

Nhiều loài vi tảo hiện vẫn là nguồn thức ăn tươi sống không thể thiếu đối với ấu trùng tôm, thường được nuôi trong nước biển tự nhiên đã qua xử lý, có bổ sung thêm các dưỡng chất như: nitrat, phosphat, các nguyên tố vi lượng thiết yếu, vitamin và khí cacbonic. Chúng thường được nuôi tại chỗ trong những điều kiện thiếu kiểm soát. Đây là nơi các vi khuẩn gây bệnh có thể sinh sôi, phát triển do mức độ tập trung cao của các chất hữu cơ trong môi trường nuôi. Do vậy, tảo có thể là nơi trú ẩn của các vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, cần có biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây ô nhiễm vào khu vực như thực hiện các quy trình khử trùng cá nhân và quần áo của người xử lý mặc được tiệt trùng hàng ngày. Làm sạch tất cả các thiết bị thủy tinh. Các thùng chứa được làm sạch và khử trùng bằng xà phòng trung tính và acid loãng, sau đó các dụng cụ này được để khô và được khử trùng dưới áp suất và nhiệt độ cao.

Với thể tích nuôi cấy lớn hơn, nên tăng mức độ chiếu sáng và sục khí môi trường nuôi bằng hỗn hợp không khí hoặc khí carbonic. Việc pha loãng độ mặn của môi trường (khoảng 20 - 25‰) để nuôi các loài tảo silic giúp đạt được tốc độ phát triển tốt nhất.

Có phòng thí nghiệm sinh học

Những năm qua, có rất nhiều bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến ấu trùng tôm chết với số lượng lớn, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho người sản xuất, có những lúc trại giống phải xả bỏ hết tôm ở các bể khi sự tồn tại của mầm bệnh được khẳng định. Đó là lý do tại sao các cơ sở sản xuất giống phải có một phòng thí nghiệm sinh học thích hợp để phát hiện sự có mặt của các virus gây bệnh, các vi sinh vật kí sinh nội bào, vi khuẩn, nấm, các nguyên sinh động vật nội và ngoại ký sinh, các sinh vật sống cộng sinh gây bệnh, các loại độc tố và nhiều yếu tố khác.

Cần có một bộ phận thực hiện việc lấy mẫu hàng ngày ở tất cả các giai đoạn phát triển của ấu trùng. Nhờ vậy, có thể nhanh chóng xác định được sự hiện diện của các mầm bệnh nhằm, từ đó thực hiện các hành động thích hợp khi mà yếu tố thời gian có thể quyết định sự sống hoặc chết của ấu trùng tôm. 


Có thể bạn quan tâm

xu-ly-phen-trong-nuoi-tom Xử lý phèn trong nuôi… giai-phap-nang-cao-chat-luong-nuoc Giải pháp nâng cao chất…