Ngăn ngừa ô nhiễm trong các cơ sở sản xuất tôm giống
Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) là kết quả của quá trình tuân thủ một loạt các biện pháp vệ sinh thú y (trong đó có biện pháp vô trùng để đảm bảo không tồn tại các vi sinh vật gây bệnh, bao gồm: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm) trong toàn bộ quá trình sản xuất, ngăn ngừa sự xâm nhập của động vật bị bệnh và nhiễm bệnh.
Bài viết dưới đây được viết bởi Thạc sỹ Khoa học Shirley Suasnavas, giám đốc truyền thông thuộc Phòng Nuôi trồng thủy sản Quốc gia Ecuador để nói về các biện pháp vô trùng được áp dụng trong một cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại Ecuador, một trong những nước đứng đầu thế giới về sản lượng tôm nuôi và công nghiệp ương nuôi, an ninh sinh học là những thành phần chính trong chuỗi sản xuất này.
Trong một chuyến thăm gần đây đến cơ sở tôm giống Biogemar ở tỉnh Santa Elana, chúng tôi đã biết về các giao thức và các biện pháp an ninh sinh học ở đây. Hiện nay trọng tâm là tầm quan trọng của việc thúc đẩy nghề ương ấu trùng tôm có trách nhiệm bằng các biện pháp phòng ngừa và thực hành quản lý tốt. Mục tiêu là để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, sự hiện diện của mầm bệnh, sự phát tán của chúng bên trong cơ sở và lây sang các cơ sở khác.
Theo Alex Elghoul, người phát ngôn của Phòng Nuôi trồng thủy sản Quốc gia Ecuador, ngành nuôi tôm ở nước này cần 5,5 tỷ ấu trùng/tháng. Các trại sản xuất tôm hoạt động để đáp ứng nhu cầu lớn này, nhưng cũng có lúc họ gặp phải các khó khăn. Hiện có một nỗ lực chung để cải thiện các biện pháp an ninh sinh học, bao gồm các yếu tố vật lý (tất cả trang thiết bị, bộ lọc, điều khiển truy cập, ao/hồ, môi trường nuôi cấy tảo, …), cũng như về mặt sinh học (như mật độ thả giống, lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y, loại bỏ các vật chủ trung gian cùng nhiều vấn đề khác).
Lấy mẫu hàng ngày ở tất cả các giai đoạn phát triển của ấu trùng tôm có thể nhanh chóng xác định các mầm bệnh và cải thiện an ninh sinh học
Walter Intriago, giám đốc quản lý của Biogemar, nói rằng có sự thiếu hụt các sản phẩm cần thiết, ví dụ như chế phẩm sinh học được sử dụng để ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh. Ông cũng đề cập đến một số nhà sản xuất tôm giống đã có sự đầu tư lớn để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và thành công của họ đã vượt ngoài mong đợi.
Cũng theo Intriago, trên thực tế thì tăng đầu tư về cơ sở hạ tầng không đồng nghĩa với việc gia tăng sản lượng, nhưng sẽ giúp loại bỏ áp lực lên hệ thống, có một khoảng thời gian dài hơn để vệ sinh. Nếu như trước đây chúng ta tính thời gian để khô trại là 8 ngày, thì hiện nay thời gian trên là gấp đôi và điều này cho phép chúng ta là công tác vệ sinh, khử trùng kỹ hơn.
Lựa chọn tôm bố mẹ khỏe mạnh
Không có trường hợp nào ngoại lệ, tất cả tôm bố mẹ được nhập về từ trang trại nuôi phải trải qua khu vực cách ly và được kiểm tra hết sức cẩn thận để ngăn chặn sự xâm nhập của tôm đã bệnh và nhiễm bệnh vào khu vực nuôi thành thục sinh dục. Khi đã có kết quả, một cách thức lựa chọn được tiến hành, các con tôm bố mẹ được chia theo lô và phân phối đến 14 bể của một trong các nhà nuôi thành thục sinh dục mà Biogemar hiện có.
“Có một phương pháp cải thiện di truyền và do đó chúng ta phải lưu trữ đường di chuyển của mỗi con tôm bố mẹ nhập vài trại. Biogemar lưu các dữ liệu về chu kỳ sản xuất của mỗi lô tôm bố mẹ, từ đó có thể xác định được lô nào cho sản lượng trứng và ấu trùng tốt. Chúng tôi chọn các con tôm thuộc thế hệ sau và cố gắng nuôi chúng trong ao nuôi (thương phẩm) đến khi trưởng thành để đem chúng trở lại trung tâm sản xuất của chúng tôi”, Milton Tomalá, trưởng bộ phận nuôi thành thục cho biết.
Trong các bể sinh sản, tỷ lệ 02 tôm cái/01 tôm đực được duy trì. Trong suốt giai đoạn này, tôm bố mẹ được cho ăn artemia sinh khối, mực, vẹm Chilê và các loại thức ăn công nghiệp khác.
Về chất lượng nước, các thông số quan trọng nhất được duy trì trong khu vực này, trong đó nhiệt độ nước 28 - 340C, có sục khí mạnh ở giữa bể. Nước phải được thay hàng ngày để tạo và duy trì một môi trường thuận lợi cho sinh sản, trong điều kiện ánh sáng yếu, và trên hết là tránh bất kỳ tiếng ồn nào có thể làm giật mình các con tôm bố mẹ.
Tôm cái đẻ 3 - 4 ngày/tuần, mỗi lần đẻ từ 200.000 - 250.000 trứng, phụ thuộc vào kích cỡ tôm. Sau 15 ngày kể từ khi thu hoạch (từ ao nuôi) thì tôm bắt đầu sinh sản được.
Tôm bố mẹ nuôi ở khu vực thành thục trong vòng 90 ngày, sau đó được thay bằng một đàn mới. Các hệ thống có chu kỳ khép kín cho phép liên tục lựa chọn các đàn bố mẹ “sạch virus” và quá trình chọn lọc di truyền được thực hiện lâu dài.
“Một lần giao vỹ, con đực mất từ 3 - 4 ngày để tái tạo tinh trùng và lại bắt cặp với con cái. Do thời tiết nên có nhiều tháng chúng ăn nhiều hơn, vì thế gần như là chúng tham gia sinh sản nhiều hơn”, Tomalá nói.
Mục tiêu là duy trì các đơn vị sản xuất ở mức tối ưu và không để xảy ra tình trạng có những con tôm không tham gia sinh sản trong hệ thống. Để làm được điều này, cần phải theo dõi số lượng đẻ trứng hàng ngày và thiết lập số lượng trứng trung bình vào cuối mỗi tuần.
Hàng ngày, các nhà sinh học và kỹ thuật viên tìm kiếm những con cái mang trứng và quan sát mức độ phát triển của tuyến sinh dục của chúng bằng cách sử dụng đèn xách tay. Những con cái được chọn sẽ được bắt cẩn thận bằng vợt lưới sạch, cũng như được xử lý một cách cẩn thận.
Khu cho tôm đẻ phải được chuẩn bị để sẵn sàng tiếp nhận tôm mẹ sau giao vỹ và tất nhiên phải tuân thủ các quy định về vệ sinh thú y khi thu thập chúng. Quan trọng là mỗi con tôm cái phải được nhận biết rõ ràng bằng số định danh của nó ở bể thành thục, đây là một thủ tục cơn bản để cách ly trứng của mỗi tôm cái và không bị trộn lẫn nhau để duy trì khả năng truy xuất nguồn gốc.
Vô trùng
Trứng phải được rửa sạch hết cặn, phân và đầu tiên cho chúng qua vợt lưới 200μ, thu hồi bằng vợt lưới cỡ 100μ, luôn giữ trứng ở trong nước. Sau đó trứng được chuyển sang xô để đánh giá số lượng và chất lượng trứng của riêng từng con tôm mẹ rồi chuyển sang khu vực ấp nở. Ở đây, trứng được rãi đều trên lưới của hệ thống ấp nở, tránh bị vón cục. Dòng nước được lọc (lưới lọc 5μ) từ dưới lên trên nhằm cung cấp đủ oxy hòa tan. Hệ thống cho nở này phải được giữ tối hoàn toàn trừ một lỗ trong nắp cho nước chảy ra.
Tất cả các dụng cụ được sử dụng (bể, thùng, pipet) phải được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ngọt và được xử lý bằng chlorine ít nhất một lần/tuần
Nauplii có chất lượng tốt chuyển động tích cực hướng quang dương đến lỗ có ánh sáng. Tại đây, chúng theo dòng nước tới hệ thống thu gom. Thủ tục này chỉ chọn các ấu trùng nauplii có chất lượng tốt nhất, dễ dàng nhận biết được vì chúng có thể bơi tích cực trong khi có nauplii chất lượng thấp vẫn còn trong lưới.
Tomalá cho biết: “Khi đã thu hoạch hết lượng nauplii trong ngày, chúng tôi đếm và tách 8 - 10 triệu nauplii cho mỗi thùng, khử trùng chúng và đảm bảo tốt việc thay nước. Số nauplii này được nuôi cẩn thận trong một khu vực ở nhiệt độ 33oC cho ngày hôm sau”.
Trong khu vực rửa trứng và nauplii, chúng được đếm và chia thành từng lô trước khi chuyển đến khu vực ương ấu trùng. (Ảnh: Orly Saltos).
Quan tâm đến chất lượng nước trong ương nuôi ấu trùng tôm
Cơ sở Biogemar cần một chu kỳ khoảng 20 ngày để nuôi từ nauplii đến postlarva (PL) 12. Một khi đã ấn định được ngày thả nuôi, nước sẽ được xử lý trước, nhiệt độ được quy định là 29oC và hệ thống sục khí được kiểm tra nhằm đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan được duy trì ở mức tối ưu.
Hiện tại, khi nauplii được tiếp nhận, chúng được cho ăn vi tảo Tetraselmis và nhiệt độ được duy trì ở 29oC. Khi ấu trùng chuyển giai đoạn (biến thái), chúng được cho ăn vi tảo Thalassiosira và nhiệt độ được điều chỉnh bằng cuộn sưởi (heating coil) cho đến lúc đạt 33oC.
Có 24 bể ở Biogemar, nhưng theo José Zambrano - trưởng bộ phận sản xuất ấu trùng - mỗi bể ương ấu trùng cho những kết quả sản xuất khác nhau. Mặc dù trưởng thành giống nhau, cùng loại thức ăn, cùng nguồn nước nuôi, cùng nhiệt độ; nhưng mỗi bể nuôi lại là một thế giới khác nhau, vì vậy ấu trùng không hành xử giống nhau và những lý do này vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.
Các bể ương nuôi được che phủ bằng các tấm plastic để tránh ô nhiễm và giúp duy trì nhiệt độ nước (Ảnh: Orly Saltos).
Zambrano giải thích rằng theo dõi để kiểm soát sự phát triển của ấu trùng là một nỗ lực lâu dài. Điều này là cần thiết để xác định kịp thời sự chậm trễ (nếu có) trong quá trình phát triển của ấu trùng và để loại trừ các vấn đề liên quan đến quá trình sản xuất: sục khí, chất lượng nước, dư lượng chlorine, thiếu thức ăn và các yếu tố khác. Về vô trùng, mỗi tấm bạt (loại geomembrane) che bể được làm sạch cẩn thận sau mỗi lần sản xuất, có tính đến việc phải thường xuyên dừng sản xuất khoảng 12 ngày để khử trùng toàn bộ trại.
“Cần tránh có quá nhiều chất hữu cơ trong bể nuôi vì điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của các loài nguyên sinh động vật, chúng bám vào mang tôm và cản trở quá trình hô hấp của tôm. Nếu vi tảo rơi xuống đáy bể và hình thành các bong bóng thì có thể tôm sẽ bị dính vào đó; sự biến thái (chuyển giai đoạn) có thể bị chậm lại ở các ấu trùng yếu và không ăn, nhưng nếu khỏe thì chúng có thể lột xác. Đây là đặc điểm riêng của mỗi đợt sản xuất ấu trùng. Tốt hơn là loại bỏ khi ấu trùng nhỏ và không tốn thêm chi phí thức ăn, nếu tiếp tục duy trì thì sẽ không có lợi về kinh tế, nhưng nếu thấy rằng có thể xử lý được khoảng 50% thì sẽ tiếp tục nuôi.”, Zambrano nói.
Tối thiểu 2 lần/tuần, Biogemar gửi mẫu ấu trùng tôm đến phòng thí nghiệm bệnh học để xét nghiệm các mầm bệnh. Nếu phát hiện mầm bệnh, các nhà sinh học phải quyết định phương hướng hành động đối với bể bị nhiễm, bể đó được giữ lại hay phải xả bỏ ngay. Ấu trùng được nuôi trong 22 ngày ở trại ương và sau đó được đem đến các trang trại nuôi tôm thương phẩm.
Yêu cầu: Ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào thức ăn tươi sống
Nhiều loài vi tảo hiện vẫn là nguồn thức ăn tươi sống không thể thiếu đối với ấu trùng tôm, thường được nuôi trong nước biển tự nhiên đã qua xử lý, có bổ sung thêm các dưỡng chất như: nitrat, phosphat, các nguyên tố vi lượng thiết yếu, vitamin và khí carbonic.
Theo Vicente Ricardo Rodríguez, phụ trách phòng thí nghiệm tảo của Biogemar, điểm xuất phát là ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây ô nhiễm vào khu vực; họ thực hiện các quy trình khử trùng cá nhân và quần áo họ mặc được tiệt trùng hàng ngày.
Một trong những quy trình chính để tuân thủ vô trùng là làm sạch tất cả các thiết bị thủy tinh. Các thùng chứa được làm sạch và khử trùng bằng xà phòng trung tính và acid loãng, sau đó các dụng cụ này được để khô và được khử trùng dưới áp suất và nhiệt độ cao.
Vi tảo Tetraselmis và Thalassiosira được nuôi tại phòng thí nghiệm tảo của Biogemar, các khuẩn lạc được giữ trong điều kiện ổn định để chúng tiếp tục phân chia và sinh sôi. Tảo được thu và chuyển sang môi trường lỏng để lọc cấy truyền và khử trùng, môi trường nuôi có độ mặn 34‰ và được làm giàu bằng các dưỡng chất khác nhau. Quá trình này được lặp đi lặp lại bằng cách sử dụng các bình/thùng lớn hơn, mật độ tảo được làm giảm xuống và sử dụng các công thức bón phân riêng cho từng loại tảo. Phòng thí nghiệm vi tảo có thể lọc cấy truyền 50 tấn nước biển mỗi ngày: 25 tấn đối với tảo Tetraselmis và 25 tấn đối với tảo Thalassiosira.
Với thể tích nuôi cấy lớn hơn, nên tăng mức độ chiếu sáng và sục khí môi trường nuôi bằng hỗn hợp không khí hoặc khí carbonic. Cũng nên pha loãng độ mặn của môi trường (từ 20 - 25‰) để nuôi các loài tảo silic nhằm đạt được tốc độ phát triển tốt nhất.
Vi tảo được nuôi với quy mô tăng dần cho đến khi đạt được sinh khối cần thiết để đáp ứng nhu cầu (Ảnh: Orly Saltos)
Cần thiết phải có phòng thí nghiệm sinh học
Có nhiều bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến ấu trùng tôm chết với số lượng lớn, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho người sản xuất, bởi vì đôi lúc trại giống phải xả bỏ hết tôm ở các bể khi sự tồn tại của mầm bệnh được khẳng định. Đó là lý do tại sao phải có một phòng thí nghiệm sinh học thích hợp để phát hiện sự có mặt của các virus gây bệnh, các vi sinh vật kí sinh nội bào, vi khuẩn, nấm, các nguyên sinh động vật nội và ngoại ký sinh, các sinh vật sống cộng sinh gây bệnh, các loại độc tố và nhiều yếu tố khác.
Phòng sinh học của Biogemar có thiết bị hiện đại cho phép phân tích nhanh chóng và hiệu quả nhờ quá trình ly trích DNA và kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction).
“DNA được ly trích ở bên ngoài, thuốc thử được chuẩn bị bên trong tủ thao tác vô trùng và có tia UV, có nghĩa là không có ô nhiễm ở đây và điều này giúp cho kết quả càng chính xác đến mức có thể. Phòng thí nghiệm này phát hiện các bệnh trên tôm như hội chứng chết sớm hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS/AHPND)”, Mery Yagual, trưởng bộ phận sinh học giải thích.
Điều quan trọng là phải có một bộ phận thực hiện việc lấy mẫu hàng ngày ở tất cả các giai đoạn phát triển của ấu trùng, để nhanh chóng xác định được sự hiện diện của các mầm bệnh nhằm có thể thực hiện các hành động thích hợp khi mà yếu tố thời gian có thể quyết định sự sống hoặc chết của ấu trùng tôm.
Khuyến nghị
Đầu tiên, nên đánh giá chất lượng ấu trùng tôm tiên ở phòng thí nghiệm của nơi sản xuất tôm; áp dụng và tuân thủ chặt chẽ một chương trình an toàn sinh học mà nội dung phải có tối thiểu các điểm sau:
- Các quy định đối với khách tham quan và kiểm soát truy cập;
- Các biện pháp kiểm soát chất lượng nước;
- Các thủ tục làm sạch và khử trùng;
- Các biện pháp quản lý chất thải và kiểm soát sinh vật hoang dã;
- Các quy trình quản lý kỹ thuật trong cơ sở nuôi trồng thủy sản;
- Các biện pháp áp dụng trong trường hợp bùng phát ô nhiễm (dịch bệnh);
- Các quy trình về cách ly và kiểm dịch tôm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ