Mô hình kinh tế Ngành chăn nuôi hội nhập thay đổi tư duy để bứt phá

Ngành chăn nuôi hội nhập thay đổi tư duy để bứt phá

Ngày đăng 10/11/2015

Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để các đơn vị ngành chăn nuôi tổ chức lại sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí đầu vào để phát triển bền vững… Đó là những nội dung được đưa ra bàn luận trong hội thảo "Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng tương lai" do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức.

Thiếu chế tài phòng vệ thương mại

Theo Cục Chăn nuôi, hội nhập quốc tế cũng đem lại những yếu tố thuận lợi như giá nguyên liệu rẻ vì mức thuế bằng 0%, hộ chăn nuôi trong nước có cơ hội được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, ngành Chăn nuôi Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức vì hiện nay hệ thống chăn nuôi đa phần là quy mô nhỏ, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm thấp và 70% sản phẩm bán trên thị trường chưa bảo đảm chất lượng.

Đến tháng 7-2015 mới có 55/63 tỉnh, thành phố phê quyệt quy hoạch giết mổ tập trung; số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát thú y chỉ chiếm 22,8%.

Mặt khác, công nghệ chế biến bảo quản thịt sau giết mổ còn yếu, phương tiện vận chuyển và các quầy bán thịt...

đa số chưa đạt yêu cầu làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

TS. Đoàn Xuân Trúc, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, cơ chế tín dụng cho ngành Chăn nuôi Việt Nam hiện nay chưa hợp lý, đang làm khó và giảm năng lực cạnh tranh khi tham gia hội nhập.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có đủ chế tài trong phòng vệ thương mại, khi thuế suất bằng 0%, nhiều sản phẩm thịt, sữa của các nước như: Mỹ, Australia… giá rẻ lại bảo đảm chất lượng sẽ tràn vào thị trường, khiến sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên "sân nhà".

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: "Người chăn nuôi trong nước thiếu thông tin về hội nhập kinh tế, Việt Nam đã đặt "một chân" vào bên trong cánh cửa hội nhập sâu, rộng với kinh tế toàn cầu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ, chưa quan tâm, đầu tư đúng mức".

Đến nay, 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có hiệu lực thực hiện, đàm phán TPP vừa kết thúc, nhiều luật chơi mới đã bắt đầu có hiệu lực.

Nhưng trừ một số doanh nghiệp lớn nắm bắt thông tin và lo cách đối phó còn lại người chăn nuôi vẫn thờ ơ hoặc ít quan tâm.

Theo TS Ma.Lucila - Lapar Trưởng nhóm chuỗi giá trị, Chương trình Nghiên cứu chăn nuôi và thủy sản, hiện xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam còn thấp, chiếm chưa tới 10% tổng lượng xuất khẩu trong nông nghiệp và hằng năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập thịt, sữa từ nước ngoài.

Tổ chức lại sản xuất

Các chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi theo đề án đã được phê duyệt, trong đó tập trung vào cân đối lại cơ cấu vật nuôi, phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm, tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại và bảo đảm an toàn sinh học.

Các địa phương cần sản xuất chăn nuôi theo kế hoạch, quy hoạch và gắn với thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển theo mô hình chuỗi khép kín giống một số doanh nghiệp FDI; nghiên cứu thị trường để xuất khẩu sản phẩm sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại đến từng trang trại, doanh nghiệp, địa phương để có phương án sản xuất hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần củng cố tổ chức, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước của ngành chăn nuôi từ trung ương tới địa phương, bảo đảm đủ sức đưa ngành chăn nuôi hội nhập theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi đứng vững trong thời kỳ hội nhập cần tập trung vào 2 mũi quan trọng nhất là: Ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất.

Theo đó, các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương cần rà soát lại quy hoạch, tập trung phát triển các vùng chăn nuôi quy mô lớn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm giảm chi phí đầu vào; tham gia hội nhập kinh tế ngành chăn nuôi có cả những cơ hội và thách thức gay gắt song hành, nhưng nếu không nhanh chóng, quyết tâm đổi mới, tổ chức lại thì chăn nuôi nước ta sẽ bị thua ngay trên "sân nhà"...


Có thể bạn quan tâm

kho-quan-ly-giong-cay-trong Khó quản lý giống cây… ban-giai-phap-nang-cao-nang-luc-nganh-chan-nuoi Bàn giải pháp nâng cao…