Tin thủy sản Ngành tôm năm 2018: Mũi nhọn công nghệ

Ngành tôm năm 2018: Mũi nhọn công nghệ

Tác giả Xuân Trường - Cao Long, ngày đăng 12/03/2018

Ngày 1/3/2018, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển ngành tôm năm 2018. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chủ trì. Hội nghị tập trung bàn các giải pháp, kế hoạch thả nuôi tôm năm 2018 và triển khai kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm để nâng cao sản lượng   Ảnh: Thanh Ngân

Hội nghị với sự tham dự của đại diện các tỉnh, thành ven biển có nuôi tôm, các doanh nghiệp, hiệp hội nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm, các viện, trường và người nuôi tôm trong khu vực.

Chưa hết khó khăn

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, năm 2017, tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi cùng sự cạnh tranh và rào cản kỹ thuật xuất khẩu từ các thị trường; nhưng ngành thủy sản vẫn có sự tăng trưởng cao, đặc biệt là sản lượng tôm nuôi đạt 704.868 tấn, trong đó tôm nước lợ đạt 689.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu năm 2017 trên 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm 2016.  Hiện, có 25/28 tỉnh ven biển đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng cũng đã được Tổng cục Thủy sản phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, ngành tôm năm qua cũng đối diện với nhiều thách thức về con giống; giá thành sản xuất, hạ tầng cơ sở, công nghệ. Cụ thể như: Nguồn tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu (khoảng 90%), tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn gom từ tự nhiên. Việt Nam hiện chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh cho nuôi quảng canh. Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao (từ 65 - 70% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra. Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo. Công nghệ ở vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư nên dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp nhiều khó khăn về các loại rào cản kỹ thuật thuế quan, phi thuế quan; Đối với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang  phải chịu áp thuế chống bán phá giá…

Năm 2018, theo dự báo thời tiết và khí hậu có những diễn biến khó lường cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều đập thủy điện ở thượng lưu sông Mê Kông dẫn đến khả năng điều tiết nước ngọt gặp nhiều khó khăn sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Cùng đó là sự tăng giá của một loạt các ngoại tệ. Sản lượng tôm của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đang trên đà phục hồi sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng thị trường Trung Quốc, mặc dù là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro nhưng vẫn là sự lựa chọn, thay thế và cân đối thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam...

Tăng năng suất

Các đại biểu tại Hội nghị đã cùng thảo luận về kế hoạch của ngành tôm trong năm 2018 được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025. Theo đó, duy trì diện tích nuôi tôm hiện có, tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, phấn đấu đạt 720.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú đạt 271.500 tấn và tôm thẻ chân trắng là 448.000 tấn.

Để hoàn thành tốt những chỉ tiêu này, một số nhiệm vụ chính được đề ra như: Hoàn thiện, phê duyệt đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; Xây dựng đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm; Xây dựng đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh; Tăng cường kiểm soát và quản lý chất lượng con giống, vật tư đầu vào và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm tôm; Tổng kết, nhân rộng, phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả, đặc biệt mô hình nuôi tôm theo 2 giai đoạn (vèo giống) để tạo giống lớn trước khi thả nuôi…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Năm 2018 là năm chúng ta triển khai thực hiện Luật Thủy sản và cải cách hành chính. Nhấn mạnh vai trò hậu kiểm, tăng cường sự tự giác của người sản xuất. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để tổng kết 5 năm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm xác định rõ hơn con tôm trong cơ cấu sản xuất của ngành thủy sản quốc gia. Các địa phương cần tham mưu cho chính quyền triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến 2025. Cùng đó, vấn đề chính trong năm 2018 cần phải tập trung tăng năng suất chứ không phải mở rộng diện tích. Việc ứng dụng công nghệ cao vào từng dự án sản xuất, từng khu, vùng, vụ nuôi tập trung sẽ cần phải được chú trọng…, tín hiệu từ Việt - Úc, Minh Phú cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Tiếp đó là phải nâng cao năng suất ở khu vực quảng canh cải tiến “tôm - lúa; tôm - rừng”, đây là vấn đề mà các địa phương cần phải chủ động.

>> Kế hoạch ngành tôm năm 2018: Diện tích thả nuôi 800.000 đến 1 triệu ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL; nhu cầu con giống là 130 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con, tôm sú 30 tỷ con; phấn đấu đạt sản lượng 720.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 448.500 tấn, còn lại là tôm sú.


Có thể bạn quan tâm

luu-y-su-dung-voi-trong-nuoi-thuy-san Lưu ý sử dụng vôi… nuoi-thuy-san-theo-chuoi-khong-lo-dau-ra Nuôi thủy sản theo chuỗi…