Mô hình kinh tế Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Sơn La)

Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Sơn La)

Ngày đăng 19/01/2015

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang là hướng đi mới của xã Chiềng Hoa (Mường La - Sơn La) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Ông Lường Văn Phận, Chủ tịch UBND xã thông tin: Hiện, xã có 18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Nước hồ trong quanh năm, không bị nhiễm bẩn, thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng. Hằng năm, xã đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân xã; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ, tập trung ở các bản ven sông Đà, như: Hát Hay, Tà Lành, Phiêng Xạ, Huổi Pù, Nà Sàng, Tả và Áng. Đồng thời, phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, cách phòng chống các bệnh cho cá.
Đến nay, hầu hết bà con đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh cho cá; sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ đóng lồng cá; một số hộ đầu tư đóng lồng bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.
3 năm gần đây, được sự giúp đỡ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh và được đầu tư chiều sâu.
Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng; hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì...
Từ năm 2012 đến nay, xã được huyện hỗ trợ 7 lồng cá, với mức hỗ trợ 18 triệu đồng/lồng; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ 2 lồng. Hiện toàn xã có 22 lồng nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi lai, trôi... sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tạ cá/lồng, trừ chi phí lãi 15-20 triệu đồng/lồng.
Là hộ nghèo, anh Hoàng Văn Đức, bản Tả được hỗ trợ nuôi cá lồng, ngay vụ đầu tiên đã thu nhập hơn 50 triệu đồng. Anh Đức kể: Năm 2012, tôi được hỗ trợ nuôi 1 lồng cá và được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng. Áp dụng kiến thức vào thực tế nuôi cá, vụ đầu tiên, tôi thu lãi 17 triệu đồng.
Kết quả đó đã giúp tôi mạnh dạn đầu tư tiếp 2 lồng cá nữa. Tôi rút ra kinh nghiệm nuôi cá từ tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi nước hồ lên thì thả cá trắm, chép, rô phi, nguồn thức ăn chủ yếu là ngô, cám gạo và sắn, điều quan trọng là giữ vệ sinh môi trường nước, để tránh dịch bệnh. Cá lồng bán được giá, thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận hồ mua, trung bình từ 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Chiềng Hoa đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân. Huyện Mường La cũng đã quy hoạch thành vùng phát triển thủy sản của huyện; xây dựng cơ sở sản xuất các loại cá giống truyền thống; cử cán bộ đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của người dân, nghề nuôi cá lồng ở xã đã và đang được nhân rộng, góp phần thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-nuoi-ca-tra-phan-khoi-do-gia-ca-tang Nông Dân Nuôi Cá Tra… tom-nuoi-khang-dinh-vi-the Tôm Nuôi Khẳng Định Vị…