Tin thủy sản Nghề nuôi lươn

Nghề nuôi lươn

Tác giả Lâm Trọng Nghĩa, ngày đăng 17/12/2015

Có thể nói, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu của các các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt tại huyện vùng sâu Tam Nông, Đồng Tháp.

Với đa phần các hộ dân không có diện tích đất để canh tác thì việc lựa chọn phát triển kinh tế hộ gia đình với các mô hình chăn nuôi nhỏ được xem là một giải pháp phù hợp và mang tính khả thi.

Trong khi các mô hình như nuôi heo, bò, gà… ở đây vẫn chưa chứng minh được hiệu quả thì mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt hoặc bể xi măng đang đem lại hiệu quả cao.

Toàn huyện Tam Nông có trên 200 hộ nuôi lươn với hơn 1.200 bể, đa phần bể đều có diện tích từ 10-15 m2.

Các hộ nuôi tận dụng tối đa các diện tích trống xung quanh nhà để xây bể, thậm chí xây bể cả dưới sàn nhà, lối đi.

Phong trào nuôi lươn ở Tam Nông cũng mang nét đặc thù riêng, hầu hết các hộ đều nuôi theo phương thức sử dụng thân cây bắp làm giá thể, diện tích các bể nuôi nhỏ nhưng xây nhiều bể liền kề nhau.

Con giống chủ yếu là thu gom từ tự nhiên bằng nhiều hình thức và kích cỡ cũng khác nhau.

Nếu như trước đây, cây bắp sau khi thu hoạch trái thường được bà con chặt bỏ đi thì bây giờ nó lại là thứ không thể thiếu đối với các hộ nuôi lươn.

Lúc đầu, người nuôi chủ yếu đến xin cây bắp rồi chặt mang về, nhưng số người nuôi lươn ngày càng nhiều, các hộ trồng bắp giờ ngoài việc có thu nhập từ trái thì còn bán được thân cây với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/công bắp.

Như vậy, nuôi lươn hiện nay không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm từ hoạt động nông nghiệp khác.

Nếu có dịp đi đến các xã có diện tích nuôi lớn như Phú Thành A, An Long…thì nhiều người sẽ bỡ ngỡ khi thấy trước cửa nhà nào cũng có hàng đống thân cây bắp được chất chồng cao vút và che chắn cẩn thận.

Các hộ nuôi cho biết, cây bắp giờ khan hiếm nên phải chủ động mua nhiều dự trữ để nuôi lươn.

Cũng theo người nuôi, cây bắp có nhiều ưu điểm vượt trội mà các loại giá thể khác không có được.

Cây bắp khi cho vào bể nuôi sẽ chìm hoàn toàn chứ không nổi, vì vậy phân hủy nhanh, tạo lượng mùn bã nên lươn rất thích chui rúc, trú ẩn trong mùn bã như vậy.

Bên cạnh đó, lươn được nuôi bằng cây bắp sẽ phát triển nhanh và có màu sắc vàng tự nhiên, bán được giá cao hơn so với lươn nuôi bằng các hình thức khác.

Hiệu quả về kinh tế của cách làm này đã được kiểm chứng qua nhiều năm, với một khoản đầu tư về vật chất và công sức không quá lớn nhưng lợi nhuận thu về rất đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ru By, một lão nông có kinh nghiệm nuôi lâu năm với hơn 40 bể tại xã An Long, cho biết: “Trước đây bà con xung quanh đây nghèo lắm, nhưng nhờ nuôi lươn giờ đã khá hơn.

Riêng tui, với số lượng bể hiện tại, mỗi năm tui thu về tiền lời hơn nửa tỷ bạc là chuyện bình thường”.

Với nhu cầu thị trường rất ổn định, giá bán luôn ở mức cao như hiện nay, các hộ nuôi chỉ cần chú ý khâu chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt là nuôi “kiểu gì cũng có lãi”.

Thời gian vừa qua, nhìn thấy hiệu quả từ phong trào nuôi lươn trên địa bàn huyện có xu hướng phát triển, các ngành chức năng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho người nuôi như Hội Nông dân tỉnh cho vay tín chấp đối với các hộ nuôi trong Tổ hợp tác nuôi lươn xã Phú Thành A.

Rồi Trạm Khuyến Nông huyện cũng mở nhiều lớp dạy nghề nuôi lươn, thí điểm mô hình mới tại các xã có diện tích nuôi nhiều nhằm giúp bà con có thêm kiến thức phòng trị bệnh, giảm hao hụt trong quá trình nuôi.

Tuy nhiên, trước sự gia tăng về diện tích, nghề nuôi lươn cũng đang đứng trước nhiều thách thức tiềm ẩn.

Con giống từ tự nhiên ngày càng khan hiếm do đánh bắt quá mức, các hộ nuôi lại không lựa chọn con giống sản xuất nhân tạo do kích cỡ nhỏ, thời gian nuôi kéo dài.

Tìm được một mô hình giúp bà con xóa đói giảm nghèo đã khó, để duy trì và nhân rộng nó lại càng khó hơn.

Tin rằng trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nghề nuôi lươn tại Tam Nông sẽ giúp người dân vùng sông nước đổi đời, trở nên khá giả, sung túc hơn.

Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh bùng phát do thả nuôi với mật độ cao cũng có thể khiến người nuôi thua lỗ.

Quan trọng hơn cả chính là thị trường, con lươn hiện tại vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, chưa thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Vì vậy, với đà phát triển diện tích như hiện nay, thì viễn cảnh “cung vượt quá cầu” cũng không còn xa vời.

Để hỗ trợ và định hướng cho nghề nuôi lươn tại địa phương, chính quyền các cấp cần có những chính sách kịp thời và đồng bộ.

Thứ nhất, phải khuyến khích người dân thả nuôi con giống được sản xuất nhân tạo, có thể thí điểm tại vài nơi để bà con nhận thấy được hiệu quả.

Song song đó, cần có các chính sách đi kèm để hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các trại giống tại địa phương, nhằm đảm bảo cung cấp đủ con giống cho toàn vùng.

Thứ hai, cần cử cán bộ kỹ thuật có chuyên môn bám sát địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời hướng dẫn bà con điều trị khi có dịch bệnh xảy ra.

Thứ ba, cần xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi lươn, từ đó làm cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp nhiều nơi đến liên kết tiêu thụ.

Vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã rất quan trọng, vì thông qua đó, các chính sách về vốn, khuyến nông, khoa học kỹ thuật sẽ dễ dàng tiếp cận với người nuôi, các doanh nghiệp cũng sẽ mạnh dạn đến đầu tư, ký hợp đồng tiêu thụ...


Có thể bạn quan tâm

can-quan-ly-chat-hon-quy-trinh-nuoi-ca-tra-ca-ba-sa Cần quản lý chặt hơn… thap-thom-tom-hum-lo-mat-nghe Thấp thỏm tôm hùm lo…