Mô hình kinh tế Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Cẩm Thủy cho hiệu quả kinh tế cao

Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Cẩm Thủy cho hiệu quả kinh tế cao

Ngày đăng 19/06/2015

Hiện nay, xã Cẩm Sơn có hơn 2.000 đàn ong, mỗi năm cho sản lượng bình quân khoảng 20.000 lít mật, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Bắt đầu nuôi ong lấy mật từ năm 1995, anh Nguyễn Văn Quý, ở đội Cam, xã Cẩm Sơn là một trong những người có thâm niên nuôi ong. Ban đầu anh tự tìm tòi qua sách vở và nhờ những người có kinh nghiệm nuôi ong truyền đạt lại. Đến nay, anh Quý đã trở thành “kỹ sư nuôi ong”. Bình quân mỗi năm gia đình anh nuôi 700 đàn ong lấy mật và bán ong giống thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng.

Anh Quý cho biết: Trong năm, mật ong được chia làm hai vụ chính tùy theo thời tiết, đó là vụ đông tháng 11, 12 âm lịch và vụ xuân hè (vụ chính) từ tháng 1 đến tháng 10 âm lịch. Thường thì 6 tháng đầu năm, ong sẽ tự tìm thức ăn và cứ 20 ngày là có thể khai thác mật. Bình quân mỗi đàn ong có thể cho 15 lít mật trong một năm, ngoài ra, từ đàn ong đó tách ra được 1 - 2 đàn ong giống. Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc mà chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc 1 số bệnh thông thường như bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi... Ong có thể nuôi tĩnh tại hoặc di chuyển theo mùa hoa để có chất lượng mật tốt nhất.

Tại thị trấn Cẩm Thủy có khoảng gần 30 hộ nuôi ong với hơn 600 đàn, đều cho thu nhập ổn định. Hằng năm, nhờ nuôi ong mà nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Hà, ở tổ 7, người đã có thâm niên hơn 10 năm nuôi ong lấy mật, từ 20 đàn ong ban đầu và đến nay đã có hàng trăm đàn ong.

Thu lãi bình quân mỗi năm từ tiền bán ong giống và mật từ 100 – 150 triệu đồng. Theo anh Hà, nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời” vì chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều diện tích đất... Nguồn thức ăn cho ong được tận dụng trong thiên nhiên, đó là hoa vải, hoa nhãn vào tháng 3, 4; hoa keo, bạch đàn vào tháng 9, 10... Theo anh Hà: Nuôi ong tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nếu muốn mở rộng quy mô nuôi ong thì người dân rất lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Vì hiện nay mật ong chủ yếu bán cho người quen, cũng có thương lái thu mua nhưng thường bị ép giá do mật ong chưa có thương hiệu riêng và chưa có thị trường ổn định.

Hiện nay, toàn huyện Cẩm Thủy có hơn 4.000 đàn ong chủ yếu ở các xã Cẩm Châu, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Thủy... mỗi năm cho sản lượng khoảng 60.000 lít mật. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ong lấy mật ở Cẩm Thủy chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ. Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Vì vậy, để duy trì, phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện về việc đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân; đồng thời, phổ biến kiến thức về khoa học - kỹ thuật giúp cho các hộ dân nắm rõ các quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong, nâng cao sản lượng và chất lượng của đàn ong. Ngoài ra, cần có những chính sách, chương trình quảng bá về các sản phẩm từ ong rộng rãi, tạo dựng thương hiệu cho mật ong Cẩm Thủy, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-gia-cam-an-toan-sinh-hoc Hiệu quả từ mô hình… trung-ga-dong-nai-duoc-thi-truong-ua-chuong Trứng gà Đồng Nai được…