Mô hình kinh tế Nghề Nuôi Ong Mật Ở Động Đạt

Nghề Nuôi Ong Mật Ở Động Đạt

Ngày đăng 04/10/2013

Nuôi ong mật lâu nay là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) bởi chi phí đầu vào thấp, người nuôi dễ tiếp cận với nghề. Để duy trì nghề nuôi ong mật, Hội Nông dân xã Động Đạt đã thành lập Chi hội Nuôi ong với 26 hội viên. Hàng năm, 500 đàn ong mật của các hội viên Chi hội đã cung ứng ra thị trường từ 10 đến 12 tấn mật.

Với lợi thế có diện tích rừng lớn (khoảng 700 ha) chủ yếu là keo và bạch đàn và trên 100 ha trồng cây ăn quả các loại, xã Động Đạt có điều kiện thuận lợi trong cho việc phát triển nghề nuôi ong. Toàn xã hiện có trên 100 hộ nuôi ong với số lượng khoảng 700 đàn. Tuy nhiên, việc nuôi ong trong xã lâu nay vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra cơ bản chỉ để cung ứng cho gia đình, chưa có thương hiệu.

Chính vì vậy, tháng 5-2011, Hội Nông dân xã đã đứng ra thành lập Chi hội Nuôi ong thu hút 26 hội viên với mục đích hỗ trợ nhau về kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm qua đó nhằm thúc đẩy hơn nữa các mô hình nuôi ong mật trên địa bàn xã. Lúc mới thành lập, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mỗi hội viên chỉ nuôi từ 7-10 đàn, hộ nuôi nhiều cũng chỉ gần 20 đàn, tính cả Chi hội lúc đó có khoảng 200 đàn ong.

Tham gia tổ chức, các hội viên Chi hội đã có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật như: cách chọn ong chúa tốt, kỹ thuật để ong cho mật chất lượng, kỹ thuật nhân giống... Từ đó, các hội viên đã mạnh dạn đầu tư nuôi với quy mô lớn hơn. Hiện, các hội viên trong Chi hội nuôi 500 đàn ong mật, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 10-12 tấn mật, thu trên một tỷ đồng.

Theo ông Nông Văn Khanh, xóm Vườn Thông, một hội viên của chi hội cho biết: Tôi bắt đầu nuôi ong từ năm 2008. Lúc đầu chỉ dám mua 1 đàn về nuôi, kỹ thuật thì học “mót” từ những hộ chăn nuôi lâu năm.

Trong 2 năm đầu do chưa có kỹ thuật nên đàn ong hay bị chết và bốc bay. Sau khi tham gia vào chi hội nuôi ong, các hội viên đã chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và kỹ thuật nhân giống đàn ong nên đến nay, tôi đã có 50 đàn, mỗi năm cũng thu được gần 1 tấn mật, bán với giá trung bình 100.000 - 120.000 đồng/lít, trừ chi phí cũng lãi 80 triệu đồng…

Theo một số “bậc tiền bối” trong nghề nuôi ong mật trong xã thì nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa, người nuôi ong phải thật sự yêu thích mới theo được nghề này. Vào khoảng sau Tết âm lịch, khi thời tiết ấm áp, người nuôi ong phải chuẩn bị cho ong chia đàn và nên kết thúc việc này trong tháng 2 âm lịch.

Ong hút mật từ hoa nhãn, hoa vải sẽ có giá cao hơn mật của những loại hoa khác (hoa keo, bạch đàn…). Gia đình anh Bạch Đình Thiêm, xóm Làng Lê là một trong những hội viên có truyền thống nuôi ong lấy mật (được 30 năm) nên mọi kỹ thuật về nuôi ong mật anh thuộc như lòng bàn tay.

Cũng chính vì vậy mà chất lượng mật ong của gia đình anh làm ra rất thơm ngon, được nhiều người biết đến, lựa chọn. Hiện gia đình anh Thiêm đang nuôi 60 đàn ong, một năm bán ra thị trường trên 1 tấn mật, thu trên 100 triệu đồng. Anh Thiêm cho biết: Nuôi ong mật khi có phong trào sẽ tạo thêm cảm hứng. Vì vậy, tham gia vào Chi hội tôi vừa học hỏi thêm được kinh nghiệm cho nghề này, tôi vừa có thể chia sẻ những kinh nghiệm có được cho anh em và sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến hơn…

Để nâng cao kỹ thuật nuôi ong, bên cạnh việc các hội viên hướng dẫn, học hỏi lẫn nhau, hàng năm, Chi hội Nuôi ong xã Động Đạt còn phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho các hội viên trong Chi hội. Đến nay, hầu hết các hội viên đều có tay nghề cao trong kỹ thuật nuôi ong mật.

Ông Từ Xuân Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt cho biết: Có thể xem nghề nuôi ong lấy mật là một trong những nghề “một vốn bốn lời” bởi tất cả sản phẩm từ ong như: mật ong, sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa đều có tác dụng chữa bệnh tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm mật ong của các hội viên Chi hội đã được khách hàng ở nhiều tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… biết đến.

Trong thời gian tới, Chi hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật không chỉ cho các hội viên trong chi hội và cho bà con trong xã (nếu có nhu cầu) để duy trì và nhân rộng mô hình nuôi ong, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trong toàn xã.


Có thể bạn quan tâm

ga-chet-vi-mua-con-giong-troi-noi Gà Chết Vì Mua Con… kha-gia-nho-nuoi-bo Khá Giả Nhờ Nuôi Bò