Mô hình kinh tế Nghề Nuôi Rắn Ở Lào Cai

Nghề Nuôi Rắn Ở Lào Cai

Ngày đăng 15/02/2013

Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề “đùa với tử thần” lại trở thành “cây cầu” giúp không ít người gây dựng được cơ nghiệp.

Sống với… rắn

Theo lời giới thiệu của một lái buôn rắn có tiếng ở huyện Bảo Thắng - Lào Cai, chúng tôi tìm đến thôn Phú Cường II, thị trấn Phố Lu bởi đây là “vương quốc” của nghề nuôi rắn và nhiều hộ dân ở đây đã trở thành triệu phú cũng từ “nghề nguy hiểm” này.

Ngôi nhà ba tầng của anh Trần Văn Đức, thôn Phú Cường II, được xây cách đây 10 năm là nhờ thành quả từ nghề nuôi rắn. Anh Đức nổi tiếng là người có thâm niên trong nghề nuôi rắn tại Bảo Thắng. Năm nay 46 tuổi, anh Đức đã có hơn 10 năm nếm trải những thành công, thất bại trong nghề nuôi rắn. Anh chia sẻ: “Trước tôi cũng là thợ bắt rắn cừ khôi, sau bao năm tháng lặn lội khắp nơi, tôi đã tích lũy được một số vốn nên quyết định chuyển sang nuôi rắn. Nghề săn rắn nguy hiểm lắm, tôi bị cụt một ngón tay cũng chỉ vì bắt rắn độc, giờ nuôi rắn an toàn hơn nhiều”.

Nghĩ là làm, năm 2000, anh Đức quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng để nuôi rắn. Ban đầu, anh xây hơn 60 khoang nuôi rắn với số lượng mỗi khoang 1 con rắn hổ mang. Đến nay, cơ sở của anh Đức đã có 400 khoang nuôi, số rắn này chủ yếu anh Đức nuôi rắn sinh sản và rắn thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm anh Đức thu về trên 100 triệu đồng.

Theo anh Trần Văn Đức, hầu hết những người nuôi rắn hiện nay đều có thu nhập khá. Kinh nghiệm của anh Đức là rắn lớn lên được nhờ lột xác, rắn càng non thì số lần lột xác càng nhiều, chúng thường sống trong điều kiện nhiệt độ từ 20 - 30°C. Người nuôi nếu nắm bắt rõ đặc tính sống và sinh trưởng của rắn sẽ có được thành công trong nghề.

Nghề nuôi rắn khá nguy hiểm nhưng lại ít rủi ro về kinh tế, bởi rắn có sức đề kháng tốt, lợi nhuận cao nên nhiều người ở Bảo Thắng vẫn tiếp tục đầu tư. Trên thị trường hiện nay, giá rắn hổ mang khoảng 1 triệu đồng/kg, hổ mang chúa có giá gấp đôi. Trung bình mỗi hộ nuôi 100 rắn hổ mang có lãi hơn 50 triệu đồng một năm.

Chăm rắn như… chăm con mọn

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và thán phục trước sự can đảm và khéo léo của chị Đặng Thị Thanh khi chăm sóc đàn rắn như…con mọn. Mới khởi nghiệp bằng nghề nuôi rắn hổ mang được hơn 3 năm, tuy chưa có sản phẩm bán ra thị trường, nhưng số rắn hiện nay của chị có giá trị trên 1 tỷ đồng. Hiện gia đình chị Thanh có 300 con rắn hổ mang, chị không vội bán đi mà để nhân rộng.

Xuất thân là một “lái” rắn, cuộc sống đã đưa chị Thanh bôn ba khắp các tỉnh của miền Bắc và tiếp cận được với nghề từ một ông chủ trang trại nuôi rắn ở Vĩnh Phúc. Chị nghĩ nghề buôn rắn lận đận, vất vả, tuy có thu nhập khá nhưng không thể cứ buôn mãi được vì lý do sức khỏe. Từ suy nghĩ đó, cùng với những kinh nghiệm đã học được, chị Thanh đã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng mô hình trại nuôi rắn. Kinh nghiệm của chị Thanh là xây chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, diện tích mỗi bể nuôi phải đạt 80m², khoang nuôi phải luôn khô ráo và được đậy nắp an toàn, chỉ cần để rắn chui ra khỏi bể nuôi thì hậu quả rất khó lường. Rắn hổ mang chủ yếu ăn cóc, ếch, nhái, chuột, chim. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho rắn, chị Thanh phải nhập cóc từ nhiều nơi. Rắn ăn rất ít, mỗi tuần từ 1 - 2 lần và đến mùa đông thì hầu như rắn không ăn mà chỉ ngủ, khi nhiệt độ xuống thấp cần phải đắp chăn bông lên trên nắp bể nuôi để giữ nhiệt. Hằng ngày, chị Thanh phải theo dõi từng bể rắn để kịp thời kiểm tra rắn có bị bệnh hay không. Các loại bệnh rắn hay mắc như ghẻ lở, đi ngoài và bệnh phổi, muốn chữa trị cho rắn cần dùng thuốc kháng sinh và men tiêu hóa trộn với thức ăn.

Chị Thanh khẳng định, “yêu rắn còn hơn yêu chồng”, “chăm rắn như chăm con mọn”, nếu rắn bị chết hàng loạt thì coi như cả gia tài đổ xuống sông, xuống biển. Đặc biệt, người nuôi không được chủ quan khi tiếp xúc với rắn hổ mang, bình thường rắn rất hiền, nhưng khi bị giật mình hoặc bị kích động, rắn sẵn sàng mổ và phun nọc vào đối thủ. Vì vậy, khi cho rắn ăn phải nhẹ nhàng, giữ khoảng cách an toàn để đề phòng rắn phóng nọc độc, với những con rắn quá hiếu chiến, nên đậy nắp khoang lại thật nhanh. Cũng theo chị Thanh, nghề nuôi rắn khá nguy hiểm, nhiều người ở các tỉnh lân cận đã tử nạn khi nuôi rắn độc. Ở Lào Cai, những trường hợp này thường thuộc về thợ săn rắn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Năm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện BảoThắng cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có khoảng 60 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, riêng nuôi rắn có 10 hộ thuộc các xã Xuân Quang, Trì Quang và thị trấn Phố Lu, với số lượng cá thể rắn khoảng 3.000 con, chủ yếu là rắn hổ mang. Hầu hết các hộ đã được cấp giấy phép nuôi nhốt và có trong hồ sơ theo dõi của Hạt Kiểm lâm huyện. Riêng các mô hình nuôi rắn sinh sản được đánh giá rất cao và được Sở Khoa học & Công nghệ trực tiếp hỗ trợ đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật.

Nghề nuôi rắn có “đầu ra” trên thị trường khá ổn định nên được chính quyền và người dân huyện Bảo Thắng rất quan tâm. Trong tương lai đây sẽ là nghề được nhân rộng hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-han-che-dich-benh-trong-nuoi-tom-nuoc-lo-nam-2013 Giải Pháp Hạn Chế Dịch… gia-ga-tha-vuon-tang-vao-ngay-mung-3-tet Giá Gà Thả Vườn Tăng…