Tin nông nghiệp Nghịch lý 'tài sản nhỏ bảo lãnh tài sản lớn' khi vay vốn phát triển nông nghiệp

Nghịch lý 'tài sản nhỏ bảo lãnh tài sản lớn' khi vay vốn phát triển nông nghiệp

Tác giả Nguyễn Huân, ngày đăng 28/07/2017

Có một thực trạng tồn tại trong hoạt động tín dụng nông nghiệp nhiều năm qua là các tài sản trên đất dù có giá trị lớn đến đâu cũng chỉ mang tính chất tham khảo, còn muốn vay vốn ngân hàng bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải thế chấp bằng sổ đỏ nhà đất.

Các trang trại, HTX chăn nuôi hiện nay rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với giá trị lớn

Ngành khác được, nông nghiệp không

Chúng tôi gặp ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) khi cơn bão giá lợn vừa thổi qua. Ông Chiến chia sẻ, giai đoạn từ đầu năm 2017 đến nay thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây với người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi lợn. Có nhưng lúc ông Chiến và các xã viên tưởng như tuyệt vọng bởi các đại lí cám tạm dừng hoặc bán nhỏ giọt vì người chăn nuôi không có tiền trả ngay, ngân hàng đóng cửa hoàn toàn với cho vay chăn nuôi lợn.

Ông Chiến thắc mắc, cùng là tài sản trên đất nhưng tại sao các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được đem mỏ đi thế chấp ngân hàng, các doanh nghiệp công nghiệp cũng được đem tài sản, nhà xưởng ra ngân hàng thế chấp lấy vốn vay phục vụ sản xuất, còn riêng với nông nghiệp tài sản trên đất lại chẳng có chút giá trị nào.

Một điều nữa ông Chiến thắc mắc, tại sao cũng vẫn chuồng trại, tài sản giống nhau nhưng khi ký hợp đồng gia công cho các doanh nghiệp FDI người dân được vay vốn không cần thế chấp còn tự chăn nuôi lại không.

“Theo tôi, chính bởi chính sách tín dụng thiếu công bằng này đang khiến các doanh nghiệp, HTX vừa và nhỏ ngày một teo tóp hơn, trong khi những tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp FDI vốn đã lớn lại càng bành chướng. Nếu còn duy trì chính sách tín dụng bất cập như hiện nay những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn sẽ mãi không bao giờ lớn được”, Chủ nhiệm Trần Văn Chiến nói.

Không chỉ các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà ngay cả những đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập hoạt động trong khu vực nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi), ông Nguyễn Quý Khiêm cho biết, theo quy định, những đơn vị như trung tâm của ông không được phép vay vốn ngân hàng.

Trong khi đó, mỗi năm Trung tâm nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống gia cầm với tổng doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Do đó, nhiều lúc cần vốn lưu động ngắn hạn đáp ứng tiến độ, thời vụ sản xuất, trung tâm toàn phải huy động cán bộ, anh em trong trung tâm rồi lại phải trả ngay. Do đó, ông Khiêm kiến nghị, nhà nước nên có những chính sách tín dụng nới lỏng, thông thoáng và phù hợp hơn để các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập có điều kiện phát triển lớn mạnh hơn.  

Muốn vay vài tỷ, phải mượn cả chồng sổ đỏ

Tìm hiểu thực tế những trang trại, HTX chăn nuôi với quy mô tương đối lớn tại các tỉnh, thành ở miền Bắc hiện nay, chúng tôi đều nhận thấy một lời giải duy nhất cũng là cuối cùng nếu muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng, đó là thế chấp sổ đỏ nhà đất.

Ảnh: Nguyên Huân

Nghịch lí ở chỗ, trong khi hệ thống chuồng trại, thiết bị chăn nuôi lợn gà của các HTX trị giá hàng chục tỉ đồng, nhưng lại phải đem những bìa đỏ trị giá vài trăm triệu đồng ra ngân hàng thế chấp. Nói nôm na như các chủ trang trại là ngân hàng hiện nay đang giữ tài sản bất động sản giá trị nhỏ để bảo đảm cho tài sản sản xuất kinh doanh lớn gấp nhiều lần.

Với chính sách tín dụng trong nông nghiệp dành cho chăn nuôi như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX ở các vùng nông thôn gần như khó có cơ hội lớn mạnh từ nghề chăn nuôi vì không thể tìm được nguồn vốn đủ lớn để đầu tư sản xuất, bởi với việc chỉ cho vay trung bình từ 50 - 150 triệu đồng/sổ đỏ để làm lớn là “nhiệm vụ bất khả thi.”

Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, dù là đang khủng hoảng giá lợn, song hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín của Hoàng Long gọi bán 70 - 80 tỉ lúc nào cũng có người sẵn sàng mua. Ấy vậy mà số tài sản đó chẳng có giá trị gì với ngân hàng bởi nhà băng chỉ định giá mảnh đất. Do đó, để vay được vài tỉ vốn lưu động phục vụ sản xuất, ông Long phải huy động gần chục bìa đỏ của anh em, họ hàng. Dù biết động đến bìa đỏ là việc bần cùng ai cũng ngại, nhưng không còn cách nào khác bởi chỉ sổ đỏ mới thế chấp được ra tiền.

“Thực tế trong cuộc khủng hoảng giá lợn vừa rồi, kể cả tôi có mang thêm sổ đỏ đi vay để chăn nuôi chưa chắc ngân hàng đã giải ngân tiếp. Bản thân phía ngân hàng cũng không có động thái nào chia sẻ với người chăn nuôi như khoanh nợ, giãn nợ nên nói thật vừa rồi nếu không có anh em, bạn bè giúp đỡ chắc HTX không trụ được đến ngày hôm nay”, Chủ nhiệm HTX Hoàng Long ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng chung cảnh phải huy động hàng chục sổ đỏ của anh em, họ hàng để thế chấp lấy tiền hoạt động sản xuất, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn Lê Thành Sự (Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, anh chỉ vay được hơn 1 tỷ đồng, bởi nhà đất ở quê chỉ được ngân hàng định giá 100 - 150 triệu/mảnh là kịch trần. Trong khi đó, một năm tổng doanh thu của HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn luôn dao động xung quanh 50 tỷ đồng.

Để xoay sở với tình trạng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn phải vận dụng chính sách trả chậm doanh nghiệp cám một vài chuyến, trả chậm tiền giống gà một vài ngày. Đặc biệt, HTX không dám để cám lưu kho mà 1 - 2 ngày mua một lần để nguồn vốn không bao giờ bị nằm trong hàng. Dù biết là vất vả, bận bịu như con mọn vì suốt ngày phải lo cám, thuốc thú y nhưng anh Sự chia sẻ không còn giải pháp nào khả thi hơn bởi cũng chẳng còn sổ đỏ để mà mượn nữa.


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-nang-gia-tri-ngo-thuong-pham-cho-son-la Giải pháp nâng giá trị… benh-lep-vang-hai-lua Bệnh lép vàng hại lúa