Mô hình kinh tế Nghiên Cứu Quy Trình Sản Xuất Giống Và Nuôi Trồng Một Số Loại Nấm

Nghiên Cứu Quy Trình Sản Xuất Giống Và Nuôi Trồng Một Số Loại Nấm

Ngày đăng 01/04/2014

Trong những năm qua, nghề trồng nấm ở Tiền Giang đang trên đà phát triển, các mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt ở các vùng nông nghiệp đô thị, với diện tích nhỏ vẫn có thể thu được nhiều lợi nhuận, vòng vốn quay nhanh.

Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm nấm truyền thống đang trồng tại Tiền Giang như nấm rơm, nấm linh chi, nấm bào ngư trắng, bào ngư xám… thì các loại nấm cao cấp cũng đã xuất hiện ngoài thị trường, nhất là trong các siêu thị.

Một số loại nấm cao cấp như nấm kim châm, nấm ngọc bích, nấm đùi gà vua… là những nấm ăn có vị ngọt đậm đà, có mùi thơm hấp dẫn, hàm lượng protein cao gấp 3-6 lần so với các loại rau củ thông thường, chứa nhiều vitamin, nhiều chất khoáng và đủ các loại acid amin thiết yếu.

Để trồng nấm đạt năng suất cao thì quá trình xác định nguyên liệu và bổ sung vào cơ chất trồng nấm là điều vô cùng quan trọng trong quá trình phân giải và hấp thụ dưỡng chất của hệ sợi tơ nấm cho quá trình hình thành nụ và phát triển thành quả thể.

Xuất phát từ lý do trên, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ Khoa học - Công nghệ Tiền Giang chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thích nghi các quy trình sản xuất giống và nuôi trồng một số loại nấm cao cấp”, do CN.

Bùi Thị Quang Dân làm chủ nhiệm, với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống ba loại nấm (kim châm, ngọc bích, đùi gà vua) thuần chủng trên môi trường thích hợp; đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi trồng ba loại nấm này trên nguyên liệu mùn cưa và bả mía.

Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã phân lập, thuần dưỡng được giống nấm đùi gà vua, nấm ngọc bích, nấm kim châm có nguồn gốc ngoại nhập; đồng thời cũng xác lập được quy trình, môi trường phân lập, môi trường nhân giống có thể áp dụng trong sản xuất; xác định được công thức nuôi trồng trên nguyên liệu là mùn cưa (93% mùn cưa + 5% cám bắp + 1% cám gạo + 1% CaCO3­) hoặc mùn cưa phối trộn bả mía (65,1% mùn cưa + 27,9% bã mía + 5% cám bắp + 1% cám gạo + 1% CaCO3­) trồng trong phòng kín với điều kiện nhiệt độ 18 -20 độ C và độ ẩm 75 - 85% cho năng suất sinh học 25% - 24%, cao hơn nguyên liệu bã mía 100% với cùng một tỷ lệ dinh dưỡng bổ sung. Chất lượng nấm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và giá nấm có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại.

Đề tài đã hoàn thành tốt nội dung đăng ký, đạt được mục tiêu đề ra; đề tài đã hoàn thiện 2 quy trình: quy trình sản xuất giống từ giống gốc đến giống cấp I, cấp II, cấp III trên môi trường có cải tiến, thích nghi với điều kiện môi trường của địa phương; quy trình sản xuất bịch phôi phục vụ nuôi trồng ba loại giống nấm này.

Đề tài được Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh thống nhất nghiệm thu đánh giá xếp loại A.


Có thể bạn quan tâm

mia-ngot-ma-cay-dang Mía Ngọt Mà "Cay, Đắng" giai-phap-cuu-cay-dieu Giải Pháp Cứu Cây Điều