Tin nông nghiệp Nghiên cứu thành công Kit phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi

Nghiên cứu thành công Kit phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi

Tác giả Hưng Giang, ngày đăng 30/10/2020

Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu thành công Kit phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi với độ nhạy, độ đặc hiệu cao giúp chẩn đoán chính xác bệnh…

Nhóm nghiên cứu Kit dịch tả lợn Châu Phi, khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: HVNN.

Kit Realtime PCR và PCR phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, mã số ĐTĐL.CN-53/19 do nhóm các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện cùng với sự cộng tác của chuyên gia trong nước và quốc tế. KIT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao giúp chẩn đoán chính xác bệnh DTLCP, từ đó đưa ra các định hướng can thiệp và các giải pháp kiểm soát, khống chế bệnh kịp thời và hiệu quả.

Bộ Kit Realtime PCR có khả năng phát hiện 2,63 bản copy DNA/1 phản ứng và virus DTLCP ở nồng độ 2 Log10 HAD50/ml, nhạy hơn bộ Kit sử dụng cặp mồi và probe của King và cs., (2011) theo khuyến cáo của Tổ chức thú y thế giới (OIE); Bộ Kit PCR có khả năng phát hiện 4,9 bản copy DNA/1 phản ứng, nhạy tương đương với bộ Kit sử dụng cặp mồi và probe của King và cs., (2011). Cả hai loại Kit sản xuất ra đều có độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 100%.

Bộ Kit đã được các chuyên gia trong lĩnh vực thú y, công nghệ sinh học và các nhà khoa học trong hội đồng nghiệm thu quy trình đánh giá cao, có tiềm năng để thương mại hóa.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam và công ty TNHH công nghệ sinh học Khoa Thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao quy trình để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các thủ tục, từ đó sản xuất và thương mại hóa các loại Kit chẩn đoán trên. Các kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín cao.

Xác định khoa học là sức sống của trường đại học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, tạo ra những cơ chế linh hoạt, đột phá để thu hút và khuyến khích các nhà khoa học say mê nghiên cứu.

Học viện đã thành lập 4 nhóm nghiên cứu tinh hoa, 5 nhóm nghiên cứu xuất sắc và 36 nhóm nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực khác nhau, đây là những hạt nhân tiên phong nghiên cứu những hướng mới, những lĩnh vực mà thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi rất bức thiết hiện nay như dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá sắn, bệnh hồ tiêu chết nhanh chết chậm…


Có thể bạn quan tâm

phong-chong-dich-benh-dong-vat-sau-nuoc-rut Phòng chống dịch bệnh động… bien-phap-cham-soc-cay-co-mui-sau-thu-hoach Biện pháp chăm sóc cây…