Ngoạn mục vùng chuyên canh đạt 2 tỷ đồng/năm
Điểm sáng được Thủ tướng về thăm
Được xem là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM, xã Văn Đức – vựa rau của huyện Gia Lâm vừa vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm. Là người được gặp Thủ tướng, ông Phạm Văn Tới ở xã Văn Đức cho biết: “Không chỉ tôi mà bà con Văn Đức rất phấn khởi, tự hào khi được đích thân Thủ tướng về thăm, động viên”. Ông Tới cho biết thêm, nhớ lời Thủ tướng dặn, bà con trồng rau ở Văn Đức sẽ cố gắng hơn trong sản xuất, luôn làm bằng cái tâm để trồng ra các sản phẩm rau, củ, quả thơm ngon, đảm bảo chất lượng, vừa cung cấp cho thị trường, vừa làm giàu cho gia đình và xã hội.
Trong ảnh: Trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
Tổng nguồn vốn ngoài ngân sách cho xây dựng NTM tại huyện Gia Lâm đã lên tới gần 274 tỷ đồng, trong đó, riêng nhân dân đóng góp trên 82 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết: Trước khi triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM, Văn Đức có 10/19 tiêu chí chưa đạt, đời sống của đại bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn. “Xác định được thực tế đó, chúng tôi đã triển khai đầu tư cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo kênh mương, giao thông nội đồng để giúp bà con sản xuất thuận lợi. Đồng thời, xã cũng phát huy lợi thế đất đai để sản xuất rau an toàn theo hướng chuyên canh. Nhờ thế, diện tích trồng rau an toàn của Văn Đức đến nay đã đạt tới 285ha. Thương hiệu rau an toàn Văn Đức đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, thu nhập của nông dân cũng tăng nhanh: Năm 2013 đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha, nay đã đạt bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm” – ông Yên chia sẻ.
Theo ông Yên, bên cạnh trồng rau, Văn Đức còn phát triển mạnh chăn nuôi lợn nái, lợn thịt giống ngoại. Từ chỗ chỉ có một số hộ nuôi lợn ngoại theo phương pháp kỹ thuật cao, đến nay, toàn xã Văn Đức đã có 1.300 con lợn nái, 12.000 con lợn thịt và tổng đàn bò 1.200 con, có 13 trang trại lợn ngoại được cấp chứng nhận trang trại với quy mô mỗi trang trại hàng trăm con lợn...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, song trong quá trình xây dựng NTM, huyện Gia Lâm vẫn rất chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. “Dù tốc độ xây dựng NTM của huyện còn chậm, song Gia Lâm cũng có những thành tựu nhất định. Cụ thể, trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và kinh tế trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Diện tích các loại rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả… ngày càng tăng, cho thu nhập bình quân từ 300 – 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng khu vực Yên Viên, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt tới 2 tỷ đồng/ha/năm” – ông Hùng nói.
Kiêu Kỵ là xã mới được công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 1.2016. Ông Phùng Đắc Quản – Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết, từ một xã khó khăn, đến nay thu nhập bình quân của Kiêu Kỵ đã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn xấp xỉ 1%... “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng đầu tư vào phát triển nông nghiệp, thương mại dịch vụ… nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập của người dân, phấn đấu sẽ đạt trên 30 triệu đồng/người/năm và tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí” – ông Quản khẳng định.
“Chạy” nước rút để đạt huyện NTM
Ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, công tác xây dựng NTM của huyện đang trong giai đoạn nước rút. Theo đó, huyện đang tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho 5 xã là Trung Mầu, Lệ Chi, Dương Quang, Kim Sơn, Phú Thị để hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất… “Chúng tôi đã đặt mục tiêu sẽ trở thành huyện NTM vào cuối năm 2016, với việc duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Từ nay đến cuối năm 2016, huyện tập trung chỉ đạo hướng dẫn người dân thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp của 20 xã. Đồng thời, hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn gắn với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất…” – ông Thuần chia sẻ.
Cũng theo ông Thuần, huyện đang đề nghị thành phố nghiên cứu, điều chỉnh một số điểm chưa hợp lý để triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và có cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp – nông thôn, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ