Mô hình kinh tế Ngọt Ngào Vùng Cam

Ngọt Ngào Vùng Cam

Ngày đăng 30/10/2014

Không nổi tiếng như cam ở các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An nhưng hôm nay 2 xã Bản Giang và Bản Hon (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã trồng hàng chục héc-ta cam, quýt nhiều diện tích đã cho thu hoạch.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn cây cam, quýt sai quả, vỏ đẹp, có độ ngọt đậm hứa hẹn sẽ là cây trồng chủ lực góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Chúng tôi may mắn khi được tham gia hội nghị đầu bờ xây dựng mô hình thâm canh cam kiến thiết cơ bản và quýt đường tại hai xã Bản Hon và Bản Giang do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Rau hoa quả Gia Lâm phối hợp huyện Tam Đường thực hiện.

Mặc cho con đường vào vùng trồng cam tập trung của bản Chăn Nuôi, xã Bản Hon trở nên lầy lội, khó đi hơn do trời mưa nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Vượt gần 2km, chúng tôi đặt chân đến vườn cam hàng hóa năng suất, chất lượng và an toàn của huyện. Trên các sườn đồi 7,6 ha giống cam V2 trồng từ tháng 6/2013 nay đã tạo tán, vin cành, phát triển tốt.

Đây là thành quả của việc triển khai trồng, chăm sóc theo quy trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trên vườn cam kiến thiết cơ bản. Bà con tham gia mô hình thâm canh cam kiến thiết cơ bản được hỗ trợ vật tư, hướng dẫn cách bón phân, làm cỏ, xới đất, vệ sinh vườn cây, kỹ thuật cắt tỉa tạo tán, cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh.

Tiến sỹ Hoàng Chúng Lằm - Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm hướng dẫn bà con bản Chăn Nuôi, xã Bản Hon phát hiện sâu bệnh trên cây cam.

Chị Tao Thị Xỏn, bản Chăn Nuôi tâm sự: “Trước kia gia đình chỉ biết trồng ngô, lúa khi cán bộ đến tuyên truyền, vận động gia đình trồng 160 cây cam. Trồng cam ngoài tốn nhiều công chăm sóc như: phải nắm được kỹ thuật chăm sóc để cây phát triển tốt, cho năng suất cao.

Thời gian đầu gia đình lo lắng không biết cách chăm sóc nhưng may được cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật giờ đã nắm được kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, vin cành cho cam nên rất yên tâm, hy vọng cam sẽ cho vụ mùa bội thu”.

Ngoài ra, nhờ chủ động thường xuyên theo dõi vườn cam đã giúp phát hiện sớm sâu bệnh hại và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, không có cây nào bị chết vì sâu bệnh. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, các gốc cam trong mô hình kiến thiết cơ bản có chiều cao trung bình 117,4cm, đường kính tán lá đạt 120,0cm (vượt so dự kiến 30cm).

Cây cam có sức sinh trưởng tương đương với mô hình thâm canh sản xuất cam tại Cao Phong (Hòa Bình), Văn Giang (Hưng Yên)… Đây là điều kiện thuận lợi cho tiền đề bước vào thời kỳ kinh doanh.

Có mặt tại bản Giang, xã Bản Giang để thăm quan mô hình thâm canh quýt đường chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vườn quýt sai trĩu quả, quả nào cũng chín mọng, căng tròn, quả ngọt, múi quả mọng nước.

Trò chuyện với các hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc quýt đường chúng tôi mới biết, trước đây đến thời kỳ thu hoạc quả quýt thường xấu, quả to nhỏ, không đều, ăn nhạt, một số quả khô múi, ít nước nên giá thành bán rất thấp.

Nhưng kể từ khi bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên vườn quýt đường như: sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng tăng tỷ lệ đậu hoa quả; dưỡng chất vi lượng hạn chế rụng quả hơn; thuốc hạn chế nứt quả, tăng độ ngọt của hỏa, cải thiện mã quả.

Cộng với thường xuyên theo dõi và phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh trên vườn quýt nên mùa quýt năm nay xã Bản Giang vừa được mùa được giá, khách hàng rất ưu chuộng vì vỏ xanh, sáng bóng, song ruột vàng, nhiều nước, ăn ngọt đậm. Vì vậy, các hộ gia đình không phải mang ra chợ bán mà thương lái vào tận vườn đặt mua với giá bán trung bình 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Gia đình chị Trần Thị Bái ở bản Giang trồng 40 cây cam, quýt đường từ năm 2006 trên diện tích 1.000 m2. Sau giai đoạn kiến thiết cơ bản, vườn quýt của gia đình chị đã cho thu hoạch được 3 năm. Tuy nhiên, những năm trước đây, do chưa tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc nên năng suất thấp, qủa quýt thu hoạch thường có vỏ không đẹp, khô nước và không có độ ngọt đậm.

Từ tháng 1 năm 2014, gia đình chị Bái cùng 9 hộ khác trong bản đăng ký thử nghiệm mô hình thâm canh quýt đường do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm, Hà Nội triển khai. Theo đó, các hộ trồng cam, quýt trên địa bàn được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc tăng năng suất cây trồng.

Sau gần 1 năm thực hiện mô hình, năm nay, năng suất thu hoạch cam của gia đình chị Bái tăng hơn 50% so với các năm trước, mẫu mã, độ ngọt, lượng nước của quả cam cũng cao hơn, trừ chi phí gia đình chị thu về trên 50 triệu đồng/ha. Không chỉ có chị Bái, nhiều hộ trong bản như anh Vàng Văn Phù, Vàng Thị Trân, Giàng Minh Định còn thu hàng chục triệu đồng từ trồng quýt, số tiền này sẽ giúp các hộ có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có trên 160ha cam, quýt đường canh. Trong đó, có hơn 12 ha ở xã Bản Giang đã cho thu hoạch, năng suất đạt trung bình trên 30 tấn quả/ha.

Theo nhận định của Tiến sỹ Hoàng Chúng Lằm - Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm thì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Tam Đường được đánh giá rất phù hợp để trồng cam, quýt đường. Tuy nhiên, nếu bà con nông dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật thì năng suất cây cam có thể cao hơn gấp đôi so với hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Để cây cam, quýt đường trở thành một trong những cây chủ lực giúp chính quyền và bà con trên địa bàn huyện xóa đói giảm nghèo, chúng tôi phấn đấu đến năm 2016 sẽ trồng 500ha cam quýt tại xã Bản Hon và Bản Giang.

Việc quy hoạch vùng sản xuất cam quýt quy mô lớn tại hai xã trong tương lai sẽ góp phần tạo nên vùng cam quýt có sản lượng hàng năm khoảng 10.000 tấn quả, giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, huyện cũng khuyến cáo bà con tích cực chăm sóc và sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh được với thị trường”.


Có thể bạn quan tâm

tong-ket-mo-hinh-san-xuat-buoi-doan-hung-phu-tho Tổng Kết Mô Hình Sản… vu-lua-thu-dong-2014-duoc-mua-duoc-gia Vụ Lúa Thu Đông 2014…