Tin thủy sản Ngư dân Hà Tĩnh dong thuyền ra khơi, mang theo âu lo

Ngư dân Hà Tĩnh dong thuyền ra khơi, mang theo âu lo

Tác giả THANH NGA, ngày đăng 05/05/2016

Tuy nhiên, theo khảo sát của NNVN, sản lượng cá cập bến và giá cả thủy hải sản vẫn chưa ổn định trở lại.

Dong thuyền ra khơi

Sau hơn 3 tuần liền neo tàu thuyền vào cảng, sống ngắc ngoải vì không thể ra khơi, từ ngày 1/5, hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bắt đầu sôi động trở lại.

Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay, tính đến 4/5, 90% tàu thuyền trên địa bàn huyện đã ra khơi bám biển, tương đương 735/817 chiếc. Bình quân mỗi ngày sản lượng thủy hải sản đánh bắt đạt từ 12 – 15 tấn.

“Rất mừng là sau khi các cơ quan chức năng lấy mẫu, công bố kết quả kiểm nghiệm hải sản an toàn, ngư dân đánh bắt về được bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu”, ông Hà nói.

Phấn khởi vì tôm, cá đánh bắt về tiêu thụ được hết, anh Nam, một chủ tàu neo đậu ở cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà nói: “Tàu chúng tôi chủ yếu đánh bắt xa bờ, mấy tuần nay đi về cá không bán được nên sống dở chết dở. Vừa rồi Nhà nước cho người xuống hỏi thăm, động viên và hứa sẽ thu mua hải sản đánh bắt xa bờ nên chúng tôi mừng lắm”.

Đối với những hộ dân kinh doanh nghề đông lạnh ở Thạch Kim thì niềm vui của họ là hàng tỷ đồng tiền cá trong kho sẽ không phải chờ ngày tiêu hủy vì thị trường ế ẩm. Các chủ kho đông lạnh tuy còn dè dặt nhưng đã bắt đầu thu mua hải sản trở lại.

“Sáng nay tôi mua 3 tấn mực. Bà con ngư dân yên tâm nhập hàng cho chúng tôi. Khi bán hàng xong hai bên sẽ thống nhất lại giá cả”, chủ kho đông lạnh Trung Đào cho hay.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này, số tàu thuyền ra khơi đánh bắt trở lại sau khi xảy ra sự cố cá chết ở khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua ước trên 70% (tương đương hơn 2.590/3.700 chiếc). Hiện chỉ còn một số thuyền ở khu vực thị xã Kỳ Anh đánh bắt vùng lộng chưa ra khơi trở lại.

Để giúp ngư dân tiêu thụ được thủy hải sản, trong những ngày qua, cứ rạng sáng hàng ngày đoàn công tác Sở Y tế Hà Tĩnh lại về tận các cảng cá để kiểm tra, giám sát và lấy mẫu các mặt hàng thủy hải sản gửi “nóng” cho Viện Kiểm nghiệm An toàn VSTP quốc gia làm xét nghiệm, kiểm tra để thông báo cho người dân yên tâm.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, ngoài việc động viên ngư dân chủ động ra khơi, bám biển, tỉnh Hà Tĩnh đã thu mua trên 132 tấn thủy hải sản cho bà con. Đồng thời, tiếp tục dự thảo chính sách hỗ trợ cho ngư dân thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Giá thủy hải sản vẫn cầm chừng ở mức rất thấp

“Chính sách thu mua hải sản cho ngư dân cũng như kết quả xét nghiệm, quan trắc nước biển, mẫu cá nằm trong giới hạn cho phép của lực lượng chức năng liên tục trong những ngày qua đã giúp ngư dân khai thác, cánh lái buôn và người tiêu dùng an tâm rất nhiều khi sử dụng thủy hải sản”, ông Sơn nói.

Giá cả vẫn bấp bênh

Mặc dù, thủy hải sản khai thác về tiêu thụ được hết. Tuy nhiên, thị trường giá cả đang hết sức bấp bênh. Nhiều ngư dân lo ngại phải sau một thời gian nữa mặt hàng cá, tôm mới có thể ổn định trở lại được.

Ông Lê Ngọc Hà cho hay: “Hoạt động thu mua thủy hải sản sôi động trở lại nhưng giá cả đang thấp hơn thời kỳ trước từ 40 – 45%.

Ví dụ như, mực ngày trước ngư dân bán giá 250.000đ – 260.000đ/kg nay giảm xuống còn 130.000đ – 150.000đ/kg; cá mú 400.000đ – 450.000đ/kg giảm còn 150.000đ – 180.000đ/kg. Riêng cá đục, một loại cá đặc sản trước xuất hiện rất nhiều ở vùng biển Cẩm Xuyên nhưng nay trữ lượng giảm hẳn”.


Ngư dân đã dong thuyền ra khơi trở lại

Theo ông Hà, ngoài việc thực hiện chính sách thu mua thủy hải sản cho ngư dân, Nhà nước cũng cần quan tâm đến giá cả thu mua. Nếu mức giá bán như hiện nay tiếp tục kéo dài thì ngư dân đánh bắt về không thể bù chi phí khai thác chứ chưa nói đến lời lãi.

Chung quan điểm, chị Mai, một lái buôn thủy hải sản tại chợ Vườn Ươm, TP Hà Tĩnh thông tin, dịp lễ 30/4 – 1/5 người tiêu dùng đã bắt đầu ăn thủy hải sản trở lại. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ ở nông thôn cao hơn ở thành phố.

Ai cũng biết, bây giờ cá tôm đã được chứng nhận an toàn, người dân có thể yên tâm ăn nhưng tâm lý chung của người tiêu dùng thành phố vẫn rất dè dặt. Lượng thủy hải sản tiêu thụ ở chợ Vườn Ươm mấy ngày nay vẫn cầm chừng ở mức 20% so với trước sự cố cá chết bất thường. Thậm chí, giá cả rất rẻ nhưng cũng không có người mua.

“Dạo trước mỗi ngày tôi bán 40 – 50kg mực nhưng mấy hôm nay bình quân mỗi ngày chỉ bán được 7 – 10kg. Giá mực trước bán 200.000đ – 250.000đ/kg nay giảm còn 130.000đ – 150.000đ/kg; đặc biệt là cá thu, giá mua tại các tàu thuyền cao nhưng đưa lên chợ không ai đoái hoài nên giờ cũng không thương lái nào dám gom hàng”, chị Mai cho biết thêm.

Thực hiện chính sách hỗ trợ cho tổ chức, hộ dân NTTS bị thiệt hại trực tiếp và hỗ trợ ổn định đời sống cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do có hải sản chết bất thường, tính đến ngày 3/5 tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển hơn 605 tấn gạo đến các địa phương, trong đó, đã cấp phát tận tay người dân hơn 594 tấn; thu mua hơn 132 tấn thủy hải sản cho ngư dân.


Có thể bạn quan tâm

nhieu-hoat-dong-ho-tro-chia-se-voi-ngu-dan-vung-ca-chet Nhiều hoạt động hỗ trợ,… nuoi-thuy-san-thoi-han-man Nuôi thủy sản thời hạn…